Tăng thu nhập nhờ kỹ thuật mới

Áp dụng kỹ thuật mới cho thu nhập cao
Một trong những nông dân (ND) thành công trong sản xuất nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) ở Đồng Nai là ông Đoàn Trung Ngọc, xã Hưng Thịnh (Trảng Bom). Với 8ha vườn thanh long, ông Ngọc đã thiết kế hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước, giảm chi phí nhân công. Ông Ngọc học, áp dụng kỹ thuật này từ những lớp khuyến nông hay trao đổi kinh nghiệm do Hội ND tổ chức. “Không chỉ mở lớp chuyển giao tiến bộ KHKT, thông qua các nguồn vốn, Hội ND các cấp còn hỗ trợ kinh phí để ND mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp” - ông Ngọc cho hay.
Việc áp dụng KHKT trong sản xuất đã giúp năng suất thanh long của ông Ngọc đạt 40 tấn/ha. Mỗi năm vườn thanh long nhà ông Ngọc cho doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.
Áp dụng hệ thống tưới phun sương cho cây sầu riêng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Văn Tân, xã Xuân Bảo (Cẩm Mỹ) thổ lộ: “Sầu riêng là loại cây rất “đỏng đảnh” với việc tưới tiêu. Tưới dư hay thiếu nước đều ảnh hưởng nghiệm trọng đến việc đậu trái. Để giải quyết rốt ráo việc này, tôi đã trang bị hệ thống tưới phun sương cho vườn sầu riêng 2,5ha của gia đình. Chỉ cần lập trình trên máy là hệ thống tự tưới, không sợ dư hay thiếu nước”. Và cũng như ông Ngọc, anh Tân học hỏi kiến thức và được hỗ trợ kinh phí để trang bị hệ thống tưới phun sương thông qua Hội ND.
Hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân
"Các hoạt động của Hội ND tỉnh, huyện cần hướng về cơ sở, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT, coi đây là một trong những giải pháp không thể thiếu giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, qua đó thúc đẩy tăng thu nhập cho nông dân...”. |
Theo ông Lê Hữu Thiện – Phó Chủ tịch thường trực Hội ND tỉnh Đồng Nai, việc tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ cho hội viên, ND tiếp cận, nắm vững và áp dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội ND trong những năm qua. Đây cũng là nhiệm vụ của Hội nhằm góp phần hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Đồng Nai vào năm 2015.
Để góp phần thực hiện mục tiêu lớn đó, những năm qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như tuyên truyền vận động hội viên, ND chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở nhiều lớp tập tuấn chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ mới; tổ chức để cán bộ, hội viên, ND đi tham quan học hỏi mô hình mới, kinh nghiệm hay ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; tín chấp cho ND vay vốn, mua vật tư, máy móc nông nghiệp với lãi suất ưu đãi; xây dựng các mô hình trình diễn, khuyến nông về sản xuất nông nghiệp bền vững, mô hình kinh tế tập thể…
Ông Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội ND tỉnh khẳng định: “Trong những năm tới, các cấp Hội ND tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền trong việc khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nhiều hơn cho ND. Hội cũng sẽ có giải pháp thiết thực để đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho hội viên, nhất là ở lĩnh vực chuyển giao tiến bộ KHKT, đầu tư cơ giới hóa sản xuất…”.
Có thể bạn quan tâm

Cua đồng được nuôi tại ruộng chiêm trũng là phù hợp nhất, cua nhanh lớn và sinh sản nhanh do chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, cho năng suất cao.

Mật ong ẩn chứa kho báu giá trị dinh dưỡng và dược liệu trong nhiều thế kỷ. Nó có chứa flavonoid, chất chống oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và bệnh tim. Vậy có cách nào để buộc ong mật phải sinh sản ra nhiều nguyên liệu tuyệt vời này?

Vài năm trở lại đây, do đầu ra khó khăn và con giống khan hiếm, nên việc nuôi đà điểu của người dân Quảng Nam đành bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang con vật nuôi khác. Cái thời bay trên cánh... đà điểu ở đây đã không còn.

Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015, tỉnh Hậu Giang đặt ra mục tiêu có 11/54 xã (chiếm 20%) hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Hiện Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cùng các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm tăng tốc về đích vào cuối năm.

Ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, không sợ nguồn nước ô nhiễm, không sợ nắng nóng kéo dài mà lại thu lợi nhuận khá là những chia sẻ của người dân Trà Vinh đối với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng.