Tăng Cường Quản Lý Quy Hoạch Vùng Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Phú Yên

Tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra từ nhiều năm qua và hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn nếu không có giải pháp phòng, chống hiệu quả.
TỪ HẬU QUẢ THỰC TẠI…
Những năm gần đây, do buông lỏng quản lý nên việc nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mang tính tự phát, thậm chí còn có một số trường hợp người ngoài tỉnh, người nước ngoài đến Phú Yên nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có doanh thu mỗi năm hàng tỉ đồng nhưng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, không nộp phí môi trường; tự do nhập cá giống, thức ăn, xuất bán và xả thải gây ô nhiễm môi trường; người lao động làm việc không được ký hợp đồng lao động, không có bảo hiểm y tế… Thực trạng trên đã làm cho nguồn nước vùng nuôi bị ô nhiễm, như khu vực Vũng Rô trong năm 2012, có ít nhất 100.000 con tôm hùm thương phẩm bị chết và hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ nếu không có giải pháp hữu hiệu.
Theo Sở NN-PTNT, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2012 đạt hơn 7.930 tấn, giảm 20,4% so với năm 2011. Tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản, nhất là tôm sú, tôm thẻ diễn biến phức tạp làm mất trắng 66 ha và 43% diện tích trong số gần 2.500 ha toàn tỉnh buộc phải thu hoạch sớm. Ngoài ra, còn có hơn 7.550 lồng tôm hùm bị bệnh với số lượng khoảng 500.000 con (trọng lượng từ 0,4 - 0,7 kg) cũng bị chết, trong khi đó giá tôm hùm giảm nên phần lớn các hộ nuôi đều lỗ, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm qua chỉ đạt 1,7%, trong khi mục tiêu đề ra là 4%.
Số liệu thống kê mới nhất của UBND tỉnh cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, ngư dân thả nuôi các đối tượng thủy sản được 700 ha (giảm 4,1%) và 4.000 lồng bè, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng vụ 1 trong tháng 2 vừa qua, thả nuôi được 2.900 lồng bè (tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tôm hùm 2.700 lồng, tăng 45,2%). Trước tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh thì việc ngăn chặn những tác nhân tiêu cực càng phải được quan tâm. Tại cuộc họp UBND tỉnh mở rộng cuối năm 2012, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển, ngay từ đầu năm 2013 cần thực hiện tốt công tác quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản, khắc phục tình trạng tự phát gây ô nhiễm môi trường; đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, nhất là đối với tôm nuôi và đẩy mạnh công tác kiểm dịch giống thủy sản…
… ĐẾN CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
Trong quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản, cùng với việc thu hồi gần 19ha do Trung đoàn Không quân 910 san ủi và nuôi tôm cao triều sai phép để bàn giao cho UBND xã Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) quản lý, sử dụng… UBND tỉnh còn nghiêm cấm nuôi trồng thủy sản tại Vũng Rô do khu vực này đã được quy hoạch làm cảng biển tổng hợp. Theo đó, trước tháng 10/2013, gần 460 hộ dân và doanh nghiệp đang nuôi thủy sản với khoảng 2.000 lồng bè trái phép (chủ yếu là tôm hùm) phải di dời đến nơi khác trong vùng quy hoạch. Hiện nay, tỉnh cũng đã quy hoạch hai vùng nuôi tôm hùm tại Lao Mái Nhà và Hòn Chùa (Tuy An); vùng vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân có nhu cầu nuôi tôm hùm. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Tuy An, Đông Hòa và TX Sông Cầu, tỉnh cũng đã có quy hoạch vùng nuôi các loài thủy sản đến năm 2020. Vấn đề còn lại, chính quyền địa phương cần phải quản lý tốt vùng quy hoạch đó; đồng thời tổ chức cho người nuôi thực hiện các yêu cầu cần thiết trong phòng chống bệnh dịch, bảo vệ môi trường để bảo đảm cho vùng nuôi phát triển ổn định.
Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển gồm huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa, cần tăng cường công tác quản lý dịch bệnh nuôi trồng thủy sản ngay từ các khâu con giống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn và quy hoạch lại vùng nuôi; đồng thời kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở nhập con giống, nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản không đảm bảo chất lượng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp nêu cao tính tự giác, kịp thời phát hiện, chủ động ngăn chặn mọi hành vi cố tình vi phạm những quy định của Nhà nước về nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản…
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định mức hỗ trợ đối với những hộ nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh, thiên tai. Theo đó, tùy theo đối tượng nuôi, phương pháp nuôi và mức độ thiệt hại, mỗi hecta được hỗ trợ từ 5 - 50 triệu đồng. Riêng đối với các hộ nuôi tôm hùm bằng lồng bè, cứ 100 m3 lồng nuôi được hỗ trợ từ 7 - 10 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, theo Đề án phát triển chăn nuôi gia cầm thì đến năm 2015, tổng đàn gà tại Đồng Nai sẽ lên khoảng 11 triệu con, trong đó 90% nuôi tập trung tại các trang trại. Đồng thời, đến năm 2015 sẽ có 450 cơ sở nuôi gà được công nhận là an toàn dịch bệnh.

Bình Phước còn diện tích rừng khá lớn, đặc biệt là rừng trồng, rất phù hợp để cây sa nhân tím phát triển. Đây là loại cây thuộc họ gừng, nằm trong danh mục thực vật quý hiếm. Quả sa nhân tím chứa tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn và nấm. Hiện vẫn được sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y như: Chữa phụ nữ có thai bị lạnh bụng, đầy hơi, tiểu tiện không thông, các bệnh đường ruột, phong tê thấp, sốt rét, kém tiêu hóa.

Chưa năm nào người nuôi tôm ở Bạc Liêu lại bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như năm nay! Chọn nuôi tôm thẻ chân trắng hay con tôm sú? Vì nuôi tôm sú năm qua lỗ nhiều hơn lãi, còn nuôi tôm thẻ chân trắng thì cũng nhiều rủi ro.

Với diện tích 1,2ha trang trại mà chủ yếu là chăn nuôi lợn rừng, mỗi năm gia đình anh Trần Văn Hoan (khu dân cư Mật Sơn, phường Chí Minh, huyện Chí Linh, Hải Dương) thu 550 - 600 triệu đồng.

Nhờ linh hoạt trong phát triển kinh tế, chịu khó học hỏi và dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Thái Ngọc (ở ấp Hậu Hoa, xã Hậu Thành, Cái Bè) đã thoát nghèo và bắt đầu làm giàu từ mô hình nuôi thỏ, gà, chim bồ câu và cá tai tượng.