Tăng Cường Kiểm Soát Dịch Bệnh Trong Việc Tái Đàn Heo Sau Tết

Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua được xem là cái Tết được mùa của người chăn nuôi heo ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) khi giá heo hơi lên đến 5 triệu đồng/tạ. Với mức giá này, hầu hết người chăn nuôi heo đều có lãi. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn TP.Sa Đéc đang khẩn trương thực hiện tái đàn để phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân.
Ông Phan Phước Sanh, có trên 20 năm làm bột chăn nuôi heo ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông cho biết, nhờ giá heo tăng vào những tháng cuối năm mà dịp Tết vừa qua gia đình ông ăn Tết sung túc và đầm ấm. Ông cung cấp cho thị trường 1,6 tấn heo hơi, với giá bán 4,8 triệu đồng/tạ thì trung bình mỗi tạ heo, ông Sanh lãi khoảng 1 triệu đồng. Hiện tại, với nguồn con giống sẵn có và tận dụng phụ phẩm từ nghề làm bột, ông Sanh đang tái đàn với số lượng trên 50 con.
Từ ngày 27 - 30 Tết Nguyên đán, lò giết mổ tập trung ở TP.Sa Đéc đã cung cấp trên 1.000 con heo cho các chợ trên địa bàn, tương đương với thời điểm cùng kỳ năm 2013. Với mức giá dao động từ 4,8 - 5 triệu đồng/tạ thì sau 4 tháng nuôi, mỗi tạ heo người nuôi có lãi từ 900 ngàn - 1 triệu đồng.
Hiện tại, giá heo hơi vẫn duy trì như ở thời điểm trước Tết, tuy nhiên giá con giống đã tăng 300 ngàn đồng/con. Chẳng hạn, một heo con giống 15 kg có giá dao động từ 800 ngàn - 900 ngàn đồng. Xã Tân Phú Đông là địa phương có tổng lượng đàn heo lớn nhất của TP.Sa Đéc với khoảng 40.000 con, tập trung ở 2 ấp Phú An và Phú Thuận.
Trong những năm trước do giá cả bấp bênh nên số hộ bỏ nghề làm bột chăn nuôi heo khá nhiều, hiện tại, địa phương chỉ còn khoảng 300 hộ nuôi, giảm phân nửa so với thời điểm cách đây 3 năm. Thời điểm cận Tết, với mức giá heo khá cao, người chăn nuôi rất phấn khởi và an tâm chuẩn bị cho việc tái đàn heo sau Tết.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông nhận định: “Địa phương đang khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt, chủ yếu là những hộ có điều kiện chăn nuôi hoặc có điều kiện kinh tế phát triển đủ sức tái đàn để làm sao không có tình trạng cung vượt cầu, giá cả không ổn định, rớt giá”.
Năm 2014, TP.Sa Đéc sẽ duy trì đàn heo với số lượng từ 55 ngàn đến 60 ngàn con, đồng thời tăng cường liên kết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bằng hình thức xây dựng tổ hợp tác, tiến đến hình thành hợp tác xã trong chăn nuôi, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, lai tạo giống, xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi an toàn sinh học; phổ biến các tiến bộ như: nuôi chuồng lồng kết hợp Biogas, nuôi heo trên đệm lót sinh học; khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện quy trình an toàn sinh học; khuyến khích phát triển nuôi trang trại, bán công nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ và chế biến tập trung.
Bên cạnh đó, ngành thú y cũng tăng cường thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bắt buộc đối với các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc.
Về công tác quản lý dịch bệnh, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệp Trang - Trưởng Trạm Thú y TP.Sa Đéc cho biết, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đầu vào nguồn heo nhập vào địa bàn thành phố.
Đồng thời khuyến cáo bà con chăn nuôi phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ nơi an toàn dịch bệnh và khi nhập về phải khai báo với ngành chức năng để được hướng dẫn cụ thể, phải cách ly, tiêu độc định kỳ ít nhất 2 lần trong một tuần và tiêm phòng những bệnh bắt buộc của ngành đề ra.
Để việc tái đàn heo sau Tết được thuận lợi, ổn định cung cầu thị trường, đảm bảo người chăn nuôi heo có lãi lâu dài và bền vững rất cần sự chủ động của cơ quan chức năng trong việc tăng cường chất lượng nguồn con giống, phòng, chống dịch bệnh, đồng thời người nuôi cũng cần phối hợp thực hiện đầy đủ các khâu đảm bảo vệ sinh, an toàn trong chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư sản xuất tại Lào vào Việt Nam. Dưới góc độ nhiều năm làm công tác quản lý Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường nội địa, thương mại biên giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã có bài viết quan trọng về vấn đề trên.

Còn gia đình ông Nguyễn Nguyên Hữu ở thôn 3, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) có 4 sào đất canh tác nông nghiệp, nhưng cứ vào vụ đông xuân là ông bỏ đất trắng vì trồng ngô, hoa màu thì không đủ nước tưới. Do vậy, năm nay, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng ớt chỉ thiên.

Theo tổng hợp từ các địa phương, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 24.658 ha cà phê cần tái canh; trong đó, diện tích cà phê trên 30 năm là 568 ha, diện tích cà phê trên 25 năm là 1.969 ha, diện tích trên 20 năm là 5.568 ha và trên 15 năm là 16.553 ha.

Mùa đông tại huyện Mường Nhé thường rét giá, nhất là các xã vùng cao, nhiệt độ thường chênh lệch từ 2 – 30C so với các huyện khác. Đó là yếu tố bất lợi trong chăn nuôi, bởi gia súc có thể bị chết rét, chết đói vì thiếu nguồn thức ăn dự trữ. Mùa đông cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều dịch bệnh: thương hàn, tụ huyết trùng...

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã hoạt động trở lại. Khác với nhiều năm trước, năm nay thời tiết trước và sau tết Nguyên đán khá thuận lợi, các loại rau xanh, củ, quả phát triển tốt, nguồn cung dồi dào nên được bày bán phong phú, giá cả nhìn chung vẫn ổn định.