Tân Sơn Tăng Cường Công Tác Quản Lý Nhà Nước Về Đất Đai

Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất là cơ sở pháp lý giúp Nhà nước quản lý đất đai, đồng thời đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho người sử dụng đất, hạn chế những tranh chấp, khiếu nại nhằm sử dụng đất theo đúng quy hoạch và kế hoạch. Là huyện miền núi, địa bàn rộng nhưng huyện Tân Sơn đã khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai.
Trên cơ sở chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất, UBND huyện chỉ đạo các xã rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng đất thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện. Hiện tại, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với cấp xã, đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho 15/17 xã, riêng 2 xã Tân Phú, Thu Cúc đã thông qua HĐND huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc công khai quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất cấp xã đã từng bước nâng cao dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia, giám sát việc quản lý sử dụng nguồn tài nguyên đất.
Trong công tác thu hồi đất, huyện đã phối hợp với UBND các xã xây dựng phương án sử dụng đất sau khi thu hồi đất của 2 Công ty lâm nghiệp Xuân Đài và Tam Sơn với tổng diện tích gần 10.500 ha; đồng thời xây dựng phương án quản lý sử dụng quỹ đất sau khi thu hồi của Công ty chè Phú Đa, trả lại cho 6 xã: Tân Phú, Mỹ Thuận, Minh Đài, Long Cốc, Văn Luông, Tam Thanh.
Hiện tại huyện đang tiến hành thẩm định, đề xuất việc giao đất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, chú trọng việc giao đất sản xuất nông lâm nghiệp theo quỹ đất đã thu hồi của các công ty lâm nghiệp và phương án chuyển đổi rừng đã được phê duyệt. Cùng với đó, huyện rà soát quỹ đất để giao cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và đất sản xuất; rà soát lại đất của các tổ chức được giao nhưng không triển khai dự án, báo cáo đề xuất UBND tỉnh thu hồi.
Trong quản lý đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) có ý nghĩa quan trọng, xác lập quyền sử dụng đất lâu dài gắn với quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi tổ chức, cá nhân, vì vậy công tác này được huyện chú trọng.
Tính đến thời điểm này, cấp GCN lần đầu cho các loại đất ở Tân Sơn đạt gần 90%, trong đó hộ gia đình, cá nhân đã cấp hơn 32.300 ha trên tổng số 34.700 ha cần cấp, đạt 93%. Một số loại đất cấp GCN cho hộ gia đình cá nhân đạt tỷ lệ cao như đất lâm nghiệp đạt trên 94%, đất ở đạt trên 96%.
Riêng với đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn đọng trên 15% diện tích của hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp GCN do một số xã có một phần diện tích đất trước đây đo đạc thiếu và chưa đo hết. Huyện có 6 xã được triển khai đo đạc bản đồ địa chính gồm: Thu Cúc, Kiệt Sơn, Tân Phú, Mỹ Thuận, Thu Ngạc, Long Cốc, nhưng các đơn vị tư vấn triển khai chậm nên tỷ lệ cấp GCN chưa cao.
Ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Với một số hộ trước đây chưa được đo đạc và nay cấp mới, chúng tôi đo theo hiện trạng sử dụng đất, gửi bản mô tả ranh giới cho các hộ liền kề và khu dân cư, nếu không có kiện tụng thì sẽ cấp. Với đất lâm nghiệp, đa phần diện tích còn lại chưa được cấp GCN là do chưa được đo đạc.
Thực tế do đất lâm nghiệp ở độ dốc cao, khoảng cách địa lý xa và chưa bố trí được kinh phí nên gây khó khăn nhất định cho công tác đo đạc, cấp GCN. Nếu trong năm nay 6 xã trong dự án đo bản đồ địa chính hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân lên 96% về diện tích cần cấp”.
Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý đất đai nhưng huyện vẫn còn một số tồn tại như một số xã chưa quan tâm đúng mức về công tác cấp GCN khiến tỷ lệ cấp GCN chưa cao; tỷ lệ cấp GCN cho các tổ chức còn thấp, điển hình như đất trụ sở cơ quan, công trình SNNN mới đạt 50% về diện tích cần cấp, đất lâm nghiệp đạt gần 70%.
Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đất, huyện đã có những giải pháp như: Tăng cường phổ biến pháp luật về đất đai cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân để người sử dụng đất hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời huyện phối hợp chặt chẽ với các địa phương để rà soát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất nhưng chưa được cấp GCN tiến hành lập thủ tục cấp GCN. Các trường hợp tranh chấp được xem xét, giải quyết dứt điểm, đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự của địa phương, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Có thể bạn quan tâm

Hiện ở đồng bằng Sông Cửu Long cũng như ở Sóc Trăng nhiều trà lúa hè thu đang bước vào giai đoạn làm đòng và trổ bông, đây là giai đoạn cực trọng liên quan tới năng suất lúa. Việc giữ cho cây lúa sạch bệnh, không bị sâu hại tấn công sẽ giúp lúa đạt năng suất cao.

Đưa chúng tôi đi quanh khu vườn bưởi lởm chởm đá nhưng cây nào cũng trĩu quả ông Nguyễn Văn Minh, xóm Tân Hương, xã Thanh Hối, (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) kể: Trước đây, khu này là bãi khai thác đá quặng. Sau khi khai thác hết, tôi mua lại. Đất ở đây rất xấu, lượt đất màu chỉ chừng 20 - 30cm đào xuống dưới là toàn đá.

Nhờ chuyển một số diện tích lúa 1 vụ, cho năng suất thấp sang mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế kết hợp nuôi cá…, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã mang lại doanh thu cao, tăng thu nhập cho các thành viên trong HTX.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, thường xuyên theo dõi diễn biến các đối tượng dịch bệnh gây hại lúa. Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân phun xịt thuốc phòng trừ rầy nâu theo nguyên tắc “4 đúng” để bảo vệ các trà lúa hè thu.

Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy ở thôn Định An, xã Hiệp An (Đức Trọng - Lâm Đồng) đã hợp tác với nông dân xây dựng khép kín mô hình sản xuất luân canh các giống rau chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường, góp phần ổn định thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất quanh vùng.