Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tận Dụng Ao Vườn Nuôi Tôm Càng Xanh

Tận Dụng Ao Vườn Nuôi Tôm Càng Xanh
Ngày đăng: 12/04/2012

Tuy không làm giàu nhanh nhưng việc tận dụng ao vườn để thả nuôi các loại thủy - hải sản cũng tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Ông Lê Văn Nhịn ở Ấp 8 (xã Hòa Hiệp - Tam Bình - Vĩnh Long) đã “sống được” với mô hình nuôi tôm càng xanh.

Gần 20 năm nuôi tôm càng xanh, ông Nhịn cho biết: Nuôi tôm càng xanh phải có kinh nghiệm, nắm bắt tốt kỹ thuật và môi trường nuôi phải được đảm bảo vệ sinh. Nuôi tôm ít tốn nhiều công sức như trồng lúa, nhưng mang lại lợi nhuận khá cao. Với diện tích ao trên 2.000 m2, vụ tôm này ông mạnh dạn thả nuôi trên 15.000 con giống tôm càng xanh. Hiện tại tôm đã được khoảng 6 tháng tuổi và đang phát triển khá tốt. Cuối tháng 4 này, ông sẽ thu hoạch và dự đoán sản lượng khoảng 200 kg, với giá bán hiện tại trên 200.000 đ/kg, có thể lời trên 30 triệu đồng...

Về kỹ thuật nuôi, ông Nhịn cho biết phải kỹ lưỡng trong từng khâu, đặc biệt là khâu cải tạo và quản lý ao nuôi, vì tôm là loài rất dễ nhiễm bệnh từ nguồn nước. Trước khi nuôi, phải tiến hành tháo chua rửa mặn ao nuôi, tạo môi trường thông thoáng, đảm bảo vệ sinh trong quá trình nuôi. Ngoài ra vấn đề chọn con giống, cho ăn... cũng hết sức quan trọng. Nếu thực hiện tốt các khâu trên thì tỷ lệ thành công mới đạt cao.

Về cải tạo và quản lý ao nuôi, ông Nhịn cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch, sẽ tiến hành tháo nước trong ao (xiết khô), rải vôi bột khử trùng ao nuôi, sau 10 ngày là cho nước vào (lượng nước cao khoảng 80 cm), chất chà tạo môi trường tự nhiên, giúp tôm sinh trưởng tốt hơn. Sau 3 ngày là thả con giống, con giống lúc mua về có kích thước rất nhỏ nên phải cẩn thận và nhẹ nhàng (cho tôm giống và một lượng nước vừa đủ vào thau hoặc chậu rồi thả nhẹ xuống mặt nước). Tôm càng xanh sau một tháng nuôi có thể đạt kích thước bằng đầu đũa, lúc này có thể sử dụng tép rong làm thức ăn. Khoảng 3 tháng trở lên, mua cá biển nấu chín làm thức ăn cho tôm.

Vì ao nuôi gần sông nên ông Nhịn cho nước ra vào thường xuyên. Ông cho biết, đây cũng là cách đảm bảo vệ sinh tốt cho tôm và tạo môi trường tự nhiên, tránh cho tôm bị tèn hen (vỏ tôm có màu đen như đóng rong), giảm chất lượng cũng như giá thành.

Trước đây tại xã Hòa Hiệp, có trên 20 hộ nuôi tôm càng xanh, giờ chỉ còn duy nhất ông Nhịn là còn bám trụ với nghề. Lý giải về điều này, ông Huỳnh Văn Thảo - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho biết: Lúc trước, nguồn con giống chủ yếu là do khai thác tự nhiên, nhưng hiện tại quá trình khai thác quá nhanh dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản nên chủ yếu là nuôi tôm bột (tôm post). Tại Ấp 8, có các hộ như Bảy Khiêm, Bảy Tý trước đây nuôi tôm càng xanh giờ cũng chuyển sang nuôi cá vì không có nguồn giống tôm càng xanh.

Ông Thảo cho biết: “Nếu các hộ nông dân trong xã có nhu cầu về nuôi tôm càng xanh thì trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ kết hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, cũng như có chính sách hỗ trợ con giống đáp ứng nhu cầu của bà con”.

Mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình ông Lê Văn Nhịn không những mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông mà còn là “địa chỉ đáng tin cậy” để trao đổi kinh nghiệm, giúp người dân tại địa phương tiếp cận với nhiều loại vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Ổn Định Và Bền Vững Chuỗi Giá Trị Thanh Long Tiền Giang Phát Triển Ổn Định Và Bền Vững Chuỗi Giá Trị Thanh Long Tiền Giang

Thanh long được tỉnh xác định là một trong 7 chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh giai đoạn đổi mới và hội nhập. Sở Công thương cũng đã có Quyết định 264/QĐ-SCT ngày 11-8-2014 phê duyệt báo cáo Phân tích Chuỗi giá trị sản phẩm thanh long tỉnh Tiền Giang. Việc nghiên cứu và phân tích chuỗi giá trị thanh long này là việc làm cần thiết để có những đề xuất về các giải pháp tăng giá trị gia tăng, phát triển ổn định và bền vững chuỗi giá trị thanh long.

24/11/2014
Nông Dân Nông Dân "Toan Tính" Cho Vụ Mùa Tết Bội Thu

Bà Tư Bông cho biết, hiện nay 2 công sa pô của bà đang vào đợt thu hoạch rộ. Sau khi thu hoạch xong lứa sa pô này, bà sẽ bón phân để thúc lứa sa pô kế tiếp cho thu hoạch rộ đúng thời điểm Tết; đồng thời bảo đảm về năng suất và chất lượng. Bởi bên cạnh nhu cầu cao về số lượng, thị trường Tết có yêu cầu cao về chất lượng và mẫu mã.

24/11/2014
Giống Khoai Lang Siêu Cao Sản HNV1 Và HNV2 Phù Hợp Với Điều Kiện Sản Xuất Ở Tuy Đức Giống Khoai Lang Siêu Cao Sản HNV1 Và HNV2 Phù Hợp Với Điều Kiện Sản Xuất Ở Tuy Đức

Thời gian qua, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức đã thí điểm trồng 2 giống khoai lang siêu cao sản là HNV1 và HNV2 trên diện tích 3 ha ở 3 xã Đắk R’tíh, Quảng Tâm, Đắk Búk So. Sau hơn 3 tháng triển khai, hiện nay, các hộ dân tham gia mô hình đã thu hoạch và năng suất đạt cao gấp 3 – 4 lần so với các giống khoai khác.

24/11/2014
Trung Tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư Tỉnh Tích Cực Chuyển Giao Tiến Bộ Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Trung Tâm Khuyến Nông - Khuyến Ngư Tỉnh Tích Cực Chuyển Giao Tiến Bộ Kỹ Thuật Vào Sản Xuất

Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, trong 10 năm qua, đơn vị đã xây dựng được 24 loại mô hình với tổng quy mô là hơn 1.660 ha cây trồng các loại và 1.800 đầu con gia súc, 46.800 con gia cầm, hơn 21 ha ao cá và 24 chiếc máy sấy nông sản, thu hút gần 6.600 lượt hộ tham gia, trong đó có 38,5% lượt hộ là người dân tộc thiểu số; tổ chức gần 22.600 lớp tập huấn với hơn 90.000 lượt học viên tham gia…

24/11/2014
Sản Xuất Vụ Đông Xuân Các Địa Phương Chú Trọng Đảm Bảo Cơ Cấu Giống Cây Trồng Sản Xuất Vụ Đông Xuân Các Địa Phương Chú Trọng Đảm Bảo Cơ Cấu Giống Cây Trồng

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ đông xuân 2014-2015, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 9.761 ha cây trồng các loại, tăng 537 ha so với vụ đông xuân năm ngoái; trong đó, lúa nước: 4.620 ha, ngô: 2.641 ha, khoai lang: 1.120 ha, đậu đỗ các loại: 250 ha và hơn 1.130 ha rau xanh.

24/11/2014