Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tận Diệt Thủy Sản Hồ Trị An Trách Nhiệm Thuộc Về Ai?

Tận Diệt Thủy Sản Hồ Trị An Trách Nhiệm Thuộc Về Ai?
Ngày đăng: 03/11/2014

Hơn 2 năm nay, ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An liên tục kêu cứu vì tình trạng đặt đăng chắn trên hồ ngày càng nhiều. UBND tỉnh đã có quyết định cấm, nhưng đăng chắn vẫn ngang nhiên mọc lên như thách đố.

Trước tình trạng đăng chắn ngang nhiên mọc thêm, nhiều ngư dân thuộc các xã Phú Ngọc, La Ngà (huyện Định Quán) bức xúc đặt câu hỏi: Đặt đăng chắn là vi phạm, nhưng vì sao việc này kéo dài mấy năm liền vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm?

* Lằng nhằng nguyên nhân

Theo phản ánh của các ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên hồ Trị An, đăng chắn xuất hiện “rầm rộ” trên hồ Trị An từ cuối năm 2012. Thời điểm đó, Hợp tác xã thương mại dịch vụ thủy sản Phước Lộc được Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho nhận khai thác mặt nước đã cho một số người dân ở các xã Phú Ngọc, La Ngà thuê lại mặt nước để đặt đăng chắn, bửng (một loại đăng chắn nhỏ) tại các bãi, eo ngách trên hồ với giá 2,5 triệu đồng/hécta.

Một số người đã bỏ tiền ra thuê vài chục hécta mặt nước trên hồ và đầu tư hàng tỷ đồng làm đăng chắn, bửng. Lưới dùng cho đăng chắn là loại rất dày nên từ cá con vừa được sinh sản lẫn cá bố mẹ khi vào lưới đều bị bắt sạch.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai Phùng Cẩm Hà cho biết: “Những nơi đặt đăng chắn là các bãi, eo, ngách đến mùa cá thường vào sinh sản, loại lưới dày sẽ tận diệt hết thủy sản trên hồ. Loại lưới này ngành thủy sản đã cấm từ lâu và không cho sử dụng tại các sông, hồ”. Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Hợp tác xã thương mại dịch vụ thủy sản Phước Lộc đã giải thể cách đây hơn 1 năm.

Tuy nhiên, thấy những chủ đăng cũ vẫn không chịu dẹp, một số người khác cũng kéo ra quây vùng, đặt thêm đăng chắn. Tình trạng đặt đăng chắn ngày càng phát sinh phức tạp nên ngày 9-7-2014, UBND tỉnh có văn bản 6179 yêu cầu khu bảo tồn phối hợp với huyện Định Quán tiếp tục dẹp bỏ các đăng chắn, bửng.

Ông Trần Nam Biên, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, cho biết: “Huyện đã có văn bản yêu cầu các chủ đăng chắn phải thảo dỡ trước ngày 15-9-2014, nhưng các chủ đăng không chịu tháo dỡ và khu bảo tồn đã xử phạt hành chính. Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định thành lập đoàn cưỡng chế“.

* Cần cưỡng chế sớm

Từ tháng 3-2010, UBND tỉnh đã có Quyết định 15 ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên - môi trường trên hồ Trị An khá rõ ràng. Trong đó, khu bảo tồn quản lý khai thác thủy sản mặt nước hồ Trị An, Chi cục Thủy sản Đồng Nai kiểm dịch thú y thủy sản, kiểm tra các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên hồ và lập biên bản chuyển cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm.

UBND các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất có trách nhiệm bảo vệ công trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng lòng hồ thuộc địa phương quản lý.

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đặt đăng chắn là do Hợp tác xã thương mại dịch vụ thủy sản Phước Lộc đã cho thuê mặt nước, vì vậy những hộ đã đầu tư tiền tỷ lằng nhằng không chịu dẹp cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều ngư dân đánh bắt thủy sản trên hồ đặt câu hỏi, từ 2012 người dân đã có kiến nghị về việc này, tại sao đơn vị quản lý Hợp tác xã thương mại dịch vụ thủy sản Phước Lộc thấy vi phạm không yêu cầu trả lại tiền cho các hộ đã thuê mặt nước và xử lý dứt dạt việc này, thậm chí để kéo dài đến nay và phát sinh thêm hàng loạt hộ mới với diện tích đặt đăng chắn lên đến cả ngàn hécta.

Đến tận cuối tháng 10-2014, một số chủ đăng chắn vẫn ngang nhiên tiếp tục mở rộng thêm diện tích trước bức xúc của ngư dân đánh bắt trên hồ. Nếu đăng chắn không được dẹp nhanh, diện tích còn có thể tăng gấp nhiều lần vì lợi nhuận thu được từ đánh bắt hải sản kiểu này khá cao.

Xét về quy mô, với cả ngàn hécta đăng chắn, bửng được bảo vệ nghiêm ngặt của các chủ đăng, liệu huyện Định Quán có thể dẹp nổi? Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên cho biết: “Huyện đang đợi tỉnh có quyết định thành lập đoàn cưỡng chế để tiến hành tháo dỡ. Vì để đăng chắn tồn tại kéo dài, gây ra 2 nguy cơ lớn là: những ngư dân đánh bắt cá trên hồ gặp mưa dông sẽ không vào bờ trú kịp, rất nguy hiểm cho tính mạng và đánh bắt kiểu tận diệt này ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường”.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường, đặt hàng loạt đăng chắn, bửng trên hồ Trị An để đánh bắt hải sản kiểu tận diện là vi phạm nghiêm trọng đến môi trường. Do đó, cần cưỡng chế tháo dỡ đăng chắn càng sớm càng tốt.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo cho biết: “Từ năm 2013, tình trạng đăng chắn phát sinh nhiều, Sở có kiến nghị với tỉnh nhanh chóng thành lập đoàn cưỡng chế để tháo dỡ tất cả. Việc đầu tiên cần làm bây giờ là nhanh chóng cưỡng chế tháo dỡ đăng chắn trên hồ rồi sau đó sẽ điều tra làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nếu đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý tiếp”.


Có thể bạn quan tâm

Xúc tiến đầu tư đối với các dự án của Công ty TNHH MTV Việt - Úc tại Cà Mau Xúc tiến đầu tư đối với các dự án của Công ty TNHH MTV Việt - Úc tại Cà Mau

Chiều ngày 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Dũng có cuộc họp với các đơn vị sở, ngành và phía Công ty TNHH MTV Việt - Úc Cà Mau về việc đầu tư một số dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

10/09/2015
Tu hài đặc sản quý của vùng biển Vân Đồn Tu hài đặc sản quý của vùng biển Vân Đồn

Tu hài là một loài nhuyễn thể sống ở biển và hiện đang được coi là một trong những sản phẩm vật nuôi mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân ở vùng biển Quảng Ninh...

10/09/2015
Mô hình nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt đạt hiệu quả cao Mô hình nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt đạt hiệu quả cao

Sáng 4.9, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổng kết mô hình Nuôi quảng canh cải tiến cá nước ngọt vùng miền núi.

10/09/2015
Ngư dân trúng cá xát đầu mùa lũ Ngư dân trúng cá xát đầu mùa lũ

Dù lũ nhỏ, nhưng ngư dân vẫn trúng đậm những mẻ cá xát sông. Người dân chuyên đánh bắt cá mùa lũ trên địa bàn TP. Long Xuyên (An Giang) cho biết: Mùa này, lượng cá xát tập trung phía sau bè cá để ăn thức ăn thừa, chỉ cần dùng vợt xúc là dính. Cá xát sông kích thước nhỏ, thịt ngon, ngọt, được bạn hàng bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Bưng thau cá dưới sông lên chợ bán, anh Trần Văn Hai (ngụ cồn Phó Ba) cho biết: “Mỗi buổi chiều, tôi xúc dính khoảng 5kg cá xát sông, bạn hàng thu mua với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, bỏ sở hụi cũng kiếm được gần 200.000 đồng/ngày”.

10/09/2015
Hợp tác xã nuôi nghêu Thành Đạt lợi nhuận cao liên tục 12 năm Hợp tác xã nuôi nghêu Thành Đạt lợi nhuận cao liên tục 12 năm

Do đặc điểm tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, bãi bồi ven biển ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh rất thích nghi nuôi nghêu thịt. Nuôi nghêu thịt đem lại lợi nhuận rất cao, ít rủi ro, ít tốn công chăm sóc, từ khi thả giống khoảng 10 - 14 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

10/09/2015