Tận Diệt Thủy Sản Bằng Rọ Lồng

Tình trạng ngư dân dùng rọ lồng nhập từ Trung Quốc tận diệt các loài thủy sản ở các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bến Ván... đang ngày càng phổ biến, gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Rọ lồng (hay còn gọi lưới bóng lồng) là loại lưới bát quái có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là những cái lồng bằng lưới hình chữ nhật, có cửa kiểu như hom giỏ (hom lờ) để các loài thủy sinh chui vào và không có đường ra. Ở các làng chài thuộc các xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam), Tam Tiến, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Anh Nam, Tam Giang... (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có hàng trăm hộ ngư dân hành nghề rọ lồng. Mỗi cái rọ dài chừng 50cm và mỗi hộ ngư dân có đến hàng trăm rọ lồng nối với nhau thành hệ thống, giăng trải dài hàng cây số dưới đáy sông. Khắp các lòng sông rạch từ thượng nguồn đến hạ lưu đều bị rọ lồng vây chặt, các loại cá tôm, cua đến cá chình, lươn, lạch... đều không còn đường kiếm ăn và đều có thể chui vào rọ lồng.
Chiều chiều trên những chiếc ghe lớn, ngư dân lại đi giăng rọ lồng và đến sáng lại thu hoạch với nhiều loại tôm, cua, cá đủ kích cỡ, nào là cá cồi, cá rằn, cá sặc, cá hanh có trọng lượng từ 0,5kg trở lên đến những con tép, cá bống, cá móm mới mở mắt chưa bằng nửa đầu đũa con. Tận diệt các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ, mỗi chủ rọ lồng thu tiền triệu hàng đêm mà chẳng tốn công sức gì nhiều... Ông Hồ Văn Cường, ngư dân xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành) than thở: “Khổ lắm anh ơi! Rọ lồng này phần lưới bao quanh rất dày nên nó vơ vét được từng con tép, con cá nhỏ xíu. Rọ lồng bắt sạch các loại cá tôm thì làm nghề lưới 3 lớp, rớ đáy truyền thống như chúng tôi biết lấy gì mà ăn?”. Còn ông Lê Minh Hải, một ngư dân chuyên làm nghề lưới kéo khai thác cá móm trên sông Trường Giang (khu vực Tam Tiến, Tam Hải, Tam Hòa, huyện Núi Thành) thì lo lắng: “Mấy năm gần đây lượng cá móm sụt giảm mạnh. Nhiều loại cá, tôm trên sông cũng giảm hẳn. Đây là do rọ lồng hủy diệt hết các loại cá, tôm nhỏ trên sông. Bà con chúng tôi mong các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn”.
Cùng với nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện, hiện nay với hàng nghìn rọ lồng có mắt lưới dày trải dài hàng trăm cây số dọc hai bên bờ các con sông lớn ở Tam Kỳ và Núi Thành hàng đêm đang hủy diệt tận gốc các loài thủy sản. Thực tế cho thấy gần đây một số loài thủy sản trên sông Trường Giang, Tam Kỳ giảm như cá móm, tôm đất, cua... mà theo ngư dân là do rọ lồng tiêu diệt hết con giống. Việc ngư dân sử dụng bừa bãi và tràn lan rọ lồng bát quái có xuất xứ từ Trung Quốc là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản ven bờ và gây bức xúc trong dư luận quần chúng, nhất là những ngư dân làm nghề lưới truyền thống. Người dân đang mong chờ các ngành chức năng vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng rọ lồng bát quái hoành hành trên sông.
Có thể bạn quan tâm

Để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của nông dân, ngay từ đầu tháng 1, Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư gồm: Trên 700 tấn phân bón các loại; 5,5 tấn lúa giống, trong đó, lúa lai 3,5 tấn với các giống chủ yếu là: Syn6, Nhị ưu 838, Bio 404… và trên 20 tấn ngô giống, 100% là giống ngô lai.

Ngày 22-1, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức trao Chứng nhận sản phẩm chè búp khô đạt tiêu chuẩn UTZ CERTIFIED cho Hợp tác xã chè Tân Hương, Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Hồng Thái (Tân Cương) và Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Nhà Thờ (Phúc Trìu).

Thông thường hàng năm, công tác chống hạn diễn ra chủ yếu ở vụ sản xuất hè thu nhưng năm qua do lượng mưa quá thấp nên ngay giữa mùa mưa mà hầu hết các hồ chứa, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có mức nước thấp hơn trung bình nhiều năm trước. Bởi vậy, ngay từ vụ đông xuân 2014 – 2015, công tác chống hạn được ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) luôn chú trọng cải tạo ruộng đồng, đầu tư thâm canh để không ngừng tăng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa. Diện tích cây lúa gieo trồng hàng năm của huyện đạt trên 13.500 ha, sản lượng bình quân trên 80.000 tấn, chủ yếu là các loại giống cho năng suất, chất lượng cao như: Khang Dân, HT1, HC95, Ma Lâm, PC6...

Mới gặp tôi, ông Vương Khánh Hùng ở xã Hải Thành (Hải Lăng, Quảng Trị) đã chia sẻ: “Sống ở vùng úng trũng, chủ yếu nhờ vào mấy sào ruộng quanh năm lại thường xuyên bị lũ lụt nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng với gia đình tôi. Trăn trở mãi, cuối cùng tôi nghĩ phải “tích tụ” ruộng đất, đưa cơ giới vào đồng ruộng giải quyết nhanh khâu làm đất, đặc biệt là khâu thu hoạch tránh lũ mới có được thu nhập ổn định...”.