Tam Nông (Đồng Tháp) Vào Mùa Thu Hoạch Rộ Tôm Trứng

Huyện Tam Nông (Đồng Tháp) hiện đang vào vụ thu hoạch rộ tôm trứng, với diện tích trên 450ha tập trung ở các xã: Phú Thành A, Phú Thành B, thị trấn Tràm Chim. Tuy nhiên, do thu hoạch tập trung nên giá tôm càng xanh giảm so với cùng kì năm 2013. Song song đó, nước lũ năm nay thấp dẫn đến sản lượng tôm không đạt, chi phí đầu vào tăng, khiến bà con nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.
Tôm nuôi sau 3 - 4 tháng, người nuôi tôm bắt đầu thu hoạch tôm trứng. Việc thu tỉa tôm trứng nhằm tạo điều kiện cho tôm đực lớn nhanh, tăng kích cỡ tôm loại I nhiều và tiết kiệm được lượng thức ăn đáng kể cho tôm. Tùy theo chất lượng con giống từng năm mà tỷ lệ tôm loại I và tôm trứng sẽ khác nhau. Nếu con giống với tỷ lệ toàn đực thì lợi nhuận của người nuôi sẽ cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ tôm trứng cao.
Hiện nay, giá tôm trứng đang dao động từ 90 ngàn - 120 ngàn đồng/kg, tùy kích cỡ. Với mức giá này người nuôi không có lãi, vì theo bà con ở vùng nuôi chuyên canh tôm càng xanh của huyện thì chi phí đầu vào năm nay tăng mạnh so với những năm trước.
Ông Lê Thành Công ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông cho biết: “Chi phí giá thành năm nay tăng trung bình 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, giá thức ăn, con giống, vật tư đều tăng. Giá thành trung bình cho 1kg tôm thương phẩm năm nay khoảng 140 ngàn đồng, trong khi đó, do nước lũ thấp nên tôm nuôi không lớn, tỷ lệ loại I, loại II rất ít, còn tôm trứng và tôm loại III nhiều. Do vậy, tín hiệu từ vụ tôm năm nay không mấy khả quan”.
Ông Hứa Văn Điển, một hộ nuôi tôm ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông chia sẻ: “Năm nay tôi thả nuôi 9,5ha, nhưng do nước lũ kém, tôm không lớn nên đến thời điểm hiện tại chỉ mới thu hoạch được 3 tấn tôm trứng. Tuy nhiên, do không có công ty thu mua và thu hoạch tập trung nên thương lái “bớt giá” quá gắt. Tôm trứng loại 50 - 60 con/kg hiện thương lái mua chỉ 95 ngàn đồng, giảm 15 ngàn - 20 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước”.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông cho biết: “Thời gian qua ngành nông nghiệp huyện tăng cường xúc tiến tìm đối tác liên kết thu mua tôm càng xanh cho toàn huyện. Hiện nay, huyện đã mời được Công ty Thủy sản 4 về Tam Nông để liên kết tiêu thụ vụ mùa này.
Hiện địa phương đang tiến hành họp dân để thống nhất về giá bán cũng như rà soát lại tổng sản lượng của vùng để tiến hành liên kết với công ty. Sau khi thống nhất về giá bán, Công ty Thủy sản 4 sẽ đặt điểm thu mua tại vùng dự án trọng điểm nuôi tôm càng xanh ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông”.
Với bà con trong vùng nuôi tôm chuyên canh, việc liên kết tiêu thụ tôm thương phẩm cùng Công ty Thủy sản 4 là một tín hiệu khả quan nhằm giảm thế độc quyền tiêu thụ của thương lái cũng như góp phần ổn định giá tôm thương phẩm cho người chăn nuôi ở đây.
Được biết, trong mùa lũ năm nay, toàn huyện Tam Nông có hơn 70 hộ nuôi tôm càng xanh trên diện tích 603ha, tương đương với diện tích thả nuôi năm 2013. Dự kiến từ đây đến khoảng 20 ngày tới, huyện Tam Nông sẽ thu hoạch rộ vụ tôm càng xanh.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay do hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu của huyện Thuận Bắc, mực nước chỉ còn hơn 1,8 triệu m3, không đủ phục vụ tưới nên các địa phương Phước Kháng, Phước Chiến, Công Hải… hưởng lợi từ hệ thống tưới này phải tạm ngừng việc sản xuất vụ hè-thu.

Ít có loại cây trồng nào ở đất miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao. Đó là điều mà anh Nguyễn Văn Vũ, xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) đúc rút được sau gần 20 năm gắn bó với đồi rừng. Với hơn 20 ha quế, cùng vườn ươm quế giống quy mô 1 triệu cây/ năm, anh Vũ đã trở thành triệu phú từ loại cây trồng này.

Lần đầu tiên mô hình nuôi gà trong phòng lạnh đã được trang trại của anh Trần Văn Nam tại thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) áp dụng khá thành công.

Trong những năm gần đây, những người nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro bất trắc do nạn dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự chịu khó năng động và cần cù lao động của mình, ông Chu Văn Nghĩa (Sáu Nghĩa) ở ấp Ngã Tư, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ lại thành công trong việc chăn nuôi vịt đẻ, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi năm đem lại nguồn thu gần 2 tỷ đồng.

Vụ tôm xuân hè năm 2013, gia đình anh Lê Phú Tâm, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), thu hoạch tôm he chân trắng đạt năng suất 15 tấn/ha.