Tạm Chi Hơn 10,1 Tỷ Đồng Hỗ Trợ Người Nuôi Nghêu Bị Thiệt Hại

UBND tỉnh Tiền Giang vừa duyệt tạm chi cho UBND huyện Gò Công Đông số tiền hơn 10,1 tỷ đồng để chi hỗ trợ giống thủy sản cho các hộ nuôi nghêu khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai từ nguồn ngân sách Trung ương tạm ứng cho ngân sách tỉnh và nguồn tồn quỹ ngân sách cấp tỉnh năm 2013.
Theo đó, năm 2013 toàn tỉnh có 128 hộ nuôi nghêu với diện tích 635,4 ha bị thiệt hại 30-70% được đề nghị hỗ trợ con giống tái sản xuất theo Thông tư số 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 187/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
Với mức hỗ trợ là 20 triệu đồng/ha, tổng kinh phí được duyệt hỗ trợ con giống tái sản xuất cho người nuôi nghêu bị thiệt hại trong năm 2013 là hơn 12,7 tỷ đồng. Trước mắt, Bộ Tài chính chi tạm ứng cho Tiền Giang 6,2 tỷ đồng để hỗ trợ cho người nuôi nghêu bị thiệt hại.
Trên cơ sở này, UBND tỉnh quyết định tạm chi 10,1 tỷ đồng để hỗ trợ con giống khôi phục sản xuất cho người nuôi nghêu bị thiệt hại; trong đó, ngân sách Trung ương cho tạm ứng ngân sách tỉnh 6,2 tỷ đồng, nguồn dự phòng ngân sách tỉnh hơn 3,9 tỷ đồng và tạm ứng từ quỹ dự phòng ngân sách huyện Gò Công Đông là hơn 2,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn chỉnh thủ tục sẽ tiếp tục chi hỗ trợ tiếp hơn 2,5 tỷ đồng còn lại cho người nuôi nghêu.
Theo báo cáo ngành Nông nghiệp, từ đầu năm 2013 đến nay tình hình nuôi nghêu gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh xảy ra gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi. Cụ thể, vào đầu tháng 2/2013, nghêu nuôi khu vực xã Tân Thành có hiện tượng chết rải rác và diễn biến ngày càng phức tạp, đến tháng 4/2013 thì ngưng chết.
Qua thống kê, toàn xã có khoảng 1.600 ha nghêu nuôi bị thiệt hại (bao gồm có hợp đồng thuê đất và không có hợp đồng thuê đất mặt nước biển nuôi nghêu), tỉ lệ thiệt hại bình quân là 60%, sản lượng thiệt hại khoảng 14.000 tấn, giá trị thiệt hại khoảng 259 tỉ đồng. Bên cạnh đó, giá nghêu lại giảm mạnh và khó tiêu thụ, hiện giá nghêu thương phẩm chỉ ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg nên người nuôi nghêu gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại cuộc họp với người nuôi nghêu gần đây, ông Lê Nhật Trường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết, chỉ có những hộ có hợp đồng thuê đất ven biển nuôi nghêu còn hiệu lực và có nghêu chết trong thời gian công bố thiên tai trên nghêu của UBND tỉnh mới được xem xét hỗ trợ. Đó là lý do tại sao diện tích nuôi nghêu được hỗ trợ con giống tái sản xuất chỉ chiếm hơn 42% tổng diện tích nghêu chết do thiên tai năm 2013.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.711 ha nghêu thả nuôi, chiếm 40% tổng diện tích nuôi nghêu của tỉnh. Lượng nghêu còn lại trên các sân nghêu sinh trưởng và phát triển bình thường. Những tháng trước, người dân đã tiến hành thả giống bổ sung trên diện tích nghêu bị thiệt hại.
Có thể bạn quan tâm

Khánh Hòa là địa phương được chọn thí điểm đóng tàu cá vỏ thép sau huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tiếp đó sẽ đến các tỉnh Phú Yên, Bình Định rồi nhân rộng trên cả nước. Việc thay tàu gỗ thành tàu vỏ thép nhằm giúp ngư dân hành nghề đánh bắt xa bờ hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo.

Giá thức ăn chăn nuôi trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ ổn định nhờ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tận dụng cơ hội giá bắp xuống thấp để nhập về một khối lượng lớn trong mấy tháng qua, theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Hai anh Sa Lés và Da Cốp (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang) đã thành công với mô hình nuôi le le bán hoang dã để lấy thịt và cho sinh sản. Mô hình chăn nuôi độc đáo này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn gián tiếp bảo tồn loài chim đang khan hiếm…

Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.

Nuôi cua xanh kết hợp tôm sú là một mô hình nuôi mang lại hiệu quả và đang được người dân ven biển ở TX Sông Cầu nhân rộng. Mô hình này vốn đầu tư ít, cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh.