Tài Văn (Sóc Trăng) Phát Triển Diện Tích Trồng Cỏ Nuôi Bò

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa – con vật chủ lực giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, một số địa phương đang mở rộng diện tích trồng cỏ, nhất là các loại cỏ giàu dinh dưỡng và có năng suất cao để làm thức ăn cho bò.
Tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), nhiều hộ đã chuyển hẳn diện tích trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng cỏ nuôi bò
Gắn bó với nghề nuôi bò gần 10 năm nay, gia đình bà Kim Thị Sà Ranh ở ấp Chắc Tưng đã quen với việc mỗi ngày lặn lội hơn 5 cây số để tìm thức ăn cho bò.
Lúc đầu chỉ nuôi 1 con nên việc tìm cỏ khá dễ dàng, nhưng khi số đàn tăng dần, đến nay với 7 con bò trong đó có 3 con đang cho sữa và 4 con đang trong giai đoạn thúc ăn, thì lượng cỏ cần cung cấp là khá lớn. Để tiết kiệm thời gian, chi phí và nhất là công sức lao động khi phải tìm cỏ ở những nơi khác, vợ chồng bà quyết định chuyển hẳn 7 công đất ruộng sang trồng cỏ nuôi bò.
Bà Kim Thị Sà Ranh cho biết: “Gia đình tôi hiện có đàn bò sữa lên đến 7 con, tôi trồng 7 công cỏ cho bò ăn. Tôi thấy mình trồng như vầy lời hơn là mình đi cắt cỏ, vì mình không phải tốn tiền xăng, mình cắt một buổi, một buổi làm chuyện nhà, rồi chăm sóc bò, khỏe hơn mình đi cắt cỏ”.
Cỏ giống với giá bán 3.000 đồng/kg, sau một tháng trồng là đã có cỏ cho bò ăn. Để đa dạng hoá nguồn thức ăn này, bà con thường trồng nhiều loại cỏ khác nhau như cỏ sả, cỏ voi, cỏ Nhật hay cỏ lông tây. Nhiều hộ do có diện tích trồng cỏ khá lớn, thì ngoài nguồn cỏ nuôi bò nhà, bà con còn bán lại cho những các hộ khác với giá 500 đồng/kg, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Tú ở ấp Hà Bô, xã Tài Văn cho biết: “Theo tôi, nếu lấy ruộng trồng cỏ bán, với giá 500 đồng/kg sẽ lời hơn làm ruộng, bởi vì 1 công cỏ cho thu hoạch khoảng từ 2 tấn rưỡi đến 3 tấn cỏ 1 tháng, sau mỗi lần cắt mình bón 10 kg phân đạm thì chỉ cần 1 tháng sau mình lại thu hoạch nữa, chứ không phải như lúa 6 tháng đến một năm mới thu hoạch”.
Theo nhiều bà con, trồng cỏ nuôi bò không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí mà từ việc chọn lựa các giống cỏ chất lượng đã góp phần tăng năng suất và chất lượng sữa, đặc biệt hạn chế rủi ro về mầm bệnh khi bà con tự chăm sóc cỏ bằng việc tận dụng các loại phân hữu cơ trong chăn nuôi. Chính vì thế mà diện tích trồng cỏ ngày càng tăng, địa phương cũng đang hướng đến việc quy hoạch vùng nuôi hợp lý và bền vững.
Ông Hồng Thanh Bằng – Chủ tịch UBND xã Tài Văn cho biết: “Việc trồng cỏ hiện nay trên địa bàn xã Tài Văn có đến 243 hộ, với diện tích là 43,6 ha. Với diện tích này thì hiện nay cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển đàn bò của xã. Ngoài ra cũng có định hướng cho một số hộ dân, địa phương cũng đã quy hoạch vùng đất không hiệu quả về trồng lúa, đất gò cao, khuyến khích bà con cũng nên trồng cỏ”.
Nếu tính lượng cỏ tươi hàng ngày 1 bò tiêu thụ từ 30 - 40kg, thì lượng cỏ phải cung cấp cho tổng đàn bò tại địa phương là rất lớn. Trong khi nghề nuôi bò đang phát triển, nhất là khi Sóc Trăng triển khai Đề án Phát triển đàn bò sữa, thì việc trồng cỏ nuôi bò cần được mở rộng theo hướng quy hoạch hợp lý, để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian sinh trưởng cực ngắn, kháng được nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm, cho năng suất vượt trội…, giống lúa lai mới HBO2 hứa hẹn sẽ mang lại cho nông dân xứ Quảng hiệu quả kinh tế cao. Đây được xem là một trong những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hôm qua 19.8, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam và Trường Đại học Nông lâm Huế phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm Phú Ninh tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả của mô hình “Sản xuất trình diễn giống đậu phụng L23 trên chân đất lúa chuyển đổi có sử dụng chế phẩm sinh học TP phòng trừ bệnh héo rũ” tại cánh đồng Bà Kiên thuộc thôn Dương Đàn, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh.

Dẫn chúng tôi đi xem ruộng lúa xứ Rộc Đồn (thôn Hòa Phước, xã Bình Trị) nằm sát con đường bê tông dẫn vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Công Tọa chua chát nói: “Trước đây, kênh mương nội đồng gần như ngang bằng với mặt đường, mưa lớn, nước còn rút đi kịp. Giờ mặt đường cao hơn mặt ruộng đến hơn 2m, mưa xuống, nơi đây chẳng khác gì biển nước”.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7, Khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông) và 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân trong tỉnh có nhiều khởi sắc…

Ông Hồ Thanh Tuyền, quê ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), nhưng lại trồng gừng ở ấp 1, xã Long Trị (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) dẫn chúng tôi ra ruộng gừng đang thu hoạch nhộn nhịp.