Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Loay Hoay Tìm Lối Đi

Dù được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng về chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhưng hiện giờ, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp xem ra vẫn loay hoay tìm lối đi khi bắt tay thực hiện…
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án và đề nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 4%, giá trị sản xuất trên 65 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40%, độ che phủ rừng đạt 50%, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề nông nghiệp tối thiểu đạt 80%...
Đã xác định đối tượng...
Nhận định của Sở NN&PTNT, loại cây dẫn đầu nhóm có lợi thế cạnh tranh và còn khả năng tăng giá trị gia tăng hiện nay là lúa, bắp và hành, tỏi Lý Sơn. Theo đó, diện tích canh tác cây lúa định hướng đến năm 2030 sẽ giữ ổn định ở mức 35.500ha, giảm 3.300ha so với hiện nay. Riêng cây bắp định hướng đến năm 2020 sẽ mở rộng lên 6.500 ha, tăng 2.000 ha so với hiện nay.
Lý giải cho kế hoạch “giảm lúa tăng bắp” này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, hiện có không ít diện tích canh tác lúa một vụ kém hiệu quả do thiếu nước, điều kiện sản xuất khó khăn.
Trong khi đó, cây bắp lại ưa những chân đất cao, ít nước, mà quy trình sản xuất cũng không quá cầu kỳ. Đặc biệt là đầu ra, nông dân không phải thấp thỏm lo lắng. Bởi theo thông báo của Bộ NN&PTNT thì năm 2014, cả nước phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn bắp.
Con số này vào năm 2020 sẽ là 11 - 12 triệu tấn nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Rõ ràng, bắp đang là lựa chọn số một trong quá trình điều chỉnh quy mô sản xuất các loại cây trồng theo hướng “giảm giá thành sản xuất; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập cho nông dân”, ông Tô khẳng định.
Nếu như trồng trọt có lúa, bắp, hành tỏi thì chăn nuôi có heo, bò, trâu. Nhưng đối tượng được cho chiếm lợi thế nhất trong chăn nuôi nông hộ hiện nay là bò.
Vì vậy nên hiện giờ, cùng với việc khuyến khích nông dân tăng đàn, hỗ trợ người nuôi bò kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ; ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình cải tạo giống bò thịt (Zêbu hóa đàn bò) nhằm nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò thịt. Định hướng đến năm 2020, tổng đàn bò có 320 nghìn con, trong đó có 60% bò lai.
... chỉ đợi “giấy bảo hành”
Về mặt lý thuyết, các đối tượng cây, con trên có nhiều lợi thế cạnh tranh. Song, thực tế thì chưa hẳn vậy. Đơn cử như bắp, loại cây đang được Bộ NN&PTNT khuyến khích “thay” lúa ở những chân ruộng sản xuất kém hiệu quả. Thế nhưng, hiện người dân khá e dè, thận trọng với việc trồng bắp.
Ông Trương Tài, thôn Long Bàn, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) cho hay, ngoài chuyện “được mất... nhờ trời”, người trồng bắp lâu năm như ông chưa bao giờ được yên giấc mỗi khi đến vụ thu hoạch. Lý do, bất kỳ giá bắp cao hay thấp, họ cũng bị thương lái ép giá. Ấy nên khi nghe tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng bắp, ông Tài nói thẳng: “Trước khi hô hào chúng tôi trồng nhiều bắp, các ngành chức năng hãy cho bà con chúng tôi những địa chỉ thu mua uy tín cái đã”.
Trong khi đó, những người chăn nuôi bò thịt cũng không khỏi băn khoăn: Nuôi một vài con, chuyện bán buôn không thành vấn đề; nhưng nếu tăng đàn thì bán cho ai, ai mua? Bởi nói như ông Nguyễn Dùm ngụ thôn An Thổ, xã Phổ An (Đức Phổ), thực tế nuôi bò vỗ béo mà người ta hay gọi là “mua da bán thịt” cũng giống như “đánh bạc” vậy. Nghĩa là nó phụ thuộc vào sự nhạy bén cũng như kỹ thuật nuôi của mỗi người.
“Thế nên nếu kêu gọi chúng tôi tăng đàn, cấp trên cũng phải giúp dân kiếm... chỗ bán - mua. Chứ cứ nói suông như lâu nay thì ai mà dám làm”, ông Dùm bày tỏ.
Rõ ràng, dù đã “chỉ mặt đặt tên” đối tượng ưu tiên phát triển, nhưng nếu sản phẩm của nó chưa có “giấy bảo hành”- tức là thiếu cái bắt tay của doanh nghiệp, cách thức sản xuất không gắn với nhu cầu thị trường, nông dân đơn độc... thì, “vùng trũng trong nông nghiệp” ở tỉnh ta sẽ khó được lấp đầy trong quá trình tái cơ cấu.
Có thể bạn quan tâm

Tại thôn Mai Dương, thôn có diện tích cũng như số hộ nuôi trồng thủy sản nhiều nhất của xã Quảng Phước, ngoài tiến hành thu tỉa những diện tích thuỷ sản đã thả nuôi, nhiều hộ còn bắt đầu thả thêm lứa cua mới để tăng thêm nguồn thu trước mùa mưa bão. Toàn thôn có 120 hộ nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là mô hình nuôi xen ghép tôm, cua, cá kình, cá dìa.

Ông Yukio Kikuchi cho biết dự án này sẽ được triển khai tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa với 180 chiếc, mục tiêu nâng cao thu nhập cho ngư dân VN bằng cách giảm chi phí đánh bắt bằng phương tiện, công nghệ hiện đại và tăng giá bán sản phẩm bằng việc nâng cao chất lượng cá.

Những năm qua, nhiều loại cây nông sản chủ lực của tỉnh Bình Phước liên tục rớt giá, khiến thu nhập của nông dân bấp bênh. Nhiều hộ rơi vào vòng luẩn quẩn chặt - trồng - chặt rồi bế tắc không biết trồng cây gì. Do đó, ngành chức năng cần định hướng và chính nông dân phải biết tính toán trước khi chuyển đổi, chọn loại cây phù hợp.

Nhiều nhà vườn tại Bến Tre hiện đang chặt bỏ cây cacao do năng suất thấp, không hiệu quả. Diện tích cây cacao ở địa phương này giảm một nửa so với trước đó.

Nhờ nuôi cá lồng, bè trên sông và hồ chứa, hàng nghìn hộ nông dân ở Phú Thọ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí có nhiều hộ lên đến cả tỷ đồng.