Tái Canh Cà Phê Còn Gặp Khó

Việc tái canh cho một diện tích lớn (khoảng 200.000 ha) cà phê già cỗi đang gặp khó khăn do nguồn vốn dành cho việc này đang có mức lãi suất cao, lên đến 10,5%/năm.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê-Cacao Việt Nam (Vicofa), trong số hơn 622.000 ha cà phê đang sản xuất trên cả nước hiện nay, có khoảng 86.000 ha trên 20 năm tuổi (chiếm 15% diện tích) và 140.000 ha từ 15 đến 20 năm tuổi (chiếm 25% diện tích) cần phải tái canh trong 5-10 năm tới.
Do diện tích cà phê già cỗi lớn nên năng suất trung bình của cây cà phê hiện chỉ ở mức 23,5 tạ/ha (cà phê già cỗi, năng suất chỉ đạt trên dưới 10 tạ/ha).
Tỷ lệ cà phê già cỗi lớn, sản lượng cà phê giảm đã khiến các doanh nghiệp phải nhập khẩu cà phê từ Lào, Indonesia để có đủ lượng xuất khẩu. Ngoài ra, theo Vicofa, trong mấy năm qua, hiện tượng thời tiết bất thường như thiếu nước tưới trước lúc cây ra hoa, song lại bị mưa sớm khi đang thu hoạch, hay mưa quá nhiều làm rụng quả non, kèm theo bệnh rỉ sắt, bệnh đục thân... kết hợp với việc phân bón không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng lớn đến năng suất vườn cây.
Vicofa cho biết có tới 90% diện tích cà phê cần tái canh thuộc về người dân, trong đó có 85% số hộ dân sở hữu vườn cà phê dưới 2 ha nên việc tái canh lại càng khó khăn hơn, vì phần lớn chi phí (như ăn, uống, học tập của con cái họ) đều phụ thuộc vào cây cà phê. Vì vậy, dù năng suất cà phê thấp nhưng người dân vẫn không muốn chặt bỏ để trồng lại bởi lãi suất vay ngân hàng để tái canh vẫn ở mức cao, lên đến 10,5%/năm.
Ông Lê Đức Thống, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, cho biết bên cạnh lãi suất cao, người trồng cà phê còn phải đối mặt với rủi ro tỷ lệ cây chết cao khi tái canh.
Cách đây hơn 2 năm, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã trồng thử nghiệm tái canh cà phê trên diện tích cà phê già cỗi, sau 1-2 năm cây cà phê bị tuyến trùng (loại bệnh phá hoại bộ rễ) tấn công nên bị chết hàng loạt (khoảng 88% diện tích).
Mới đây, Bộ NNPTNT đã lập Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam với một trong những nhiệm vụ chính là tìm các giống cà phê có chất lượng, năng suất cao cũng như phương pháp trồng để cây cà phê không bị ảnh hưởng của tuyến trùng; áp dụng đồng bộ thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Tuy nhiên, Ban Điều phối ngành hàng cà phê chủ yếu hỗ trợ người nông dân kỹ thuật tái canh cà phê, trong khi người dân còn lưỡng lự không muốn tái canh vườn cà phê là do lãi suất ngân hàng cao, điều này lại không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Điều phối.
Vì thế, chuyện tái canh vườn cà phê vẫn còn nan giải...
Có thể bạn quan tâm

Theo tin từ các hộ chăn nuôi tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, thời gian gần đây nhiều thương lái từ phía Bắc vào tìm mua heo mỡ tại các trang trại lớn trên địa bàn. Hiện giá heo mỡ đang được bán với giá 39 - 40 ngàn đồng/kg, tăng 6 - 7 ngàn đồng/kg so với trước đây.

Ngày 3-8, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá heo mỡ (heo từ 110 kg/con trở lên) được thương lái vào nhà dân lùng mua với giá 43 ngàn đồng/kg, tăng 2 ngàn đồng/kg so với ngày 2-8.

Đến nay, gia đình chị Phạm Thị Nở ở phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã thu hoạch xong 6.000 m2 lạc vụ đông xuân 2012 - 2013, sản lượng ước đạt hơn một tấn rưỡi. Đây là vụ lạc được mùa nhất từ trước đến nay, với năng suất bình quân khoảng 26 tạ/ha. Nếu giá sản phẩm ổn định như nhiều năm trước thì đây là vụ mùa thắng lợi.

Thất bại trắng tay với nghề kinh doanh bất động sản ở Đà Lạt, bà Phạm Thị Thu Cúc đến buôn Đạ Nghịt (xã Lát, Lạc Dương) tìm đất trồng trọt để sinh sống. Bà Cúc kể lại vào năm 2006, bà lần dò đến đây với số tiền vay mượn ít ỏi, chỉ đủ sang nhượng 1.000m2 đất đang trồng các loại cây “hoa màu nước trời” để chuyển sang trồng hoa lily cao cấp. Nhưng đã nghèo lại gặp cảnh “gieo neo”, sau hơn 100 ngày chăm sóc lứa hoa lily đầu tiên, bà Cúc bị lỗ hơn 50 triệu đồng.

Người dân nuôi cá điêu hồng trong bè ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đang phấn khởi vì trong vòng 1 tháng trở lại đây, cá điêu hồng liên tục tăng giá và đang đứng ở mức 41.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có lãi từ 6.000 - 10.000 đồng/kg; trung bình mỗi bè cá có sản lượng từ 5 tấn, nông dân có thể thu lãi 50 triệu đồng.