Tắc Đầu Ra Cho Nghêu Ở Xã Phú Hải (Quảng Ninh)

Thời điểm này ở Quảng Ninh, tại khu vực bãi triều thôn Nam, mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch nghêu nhưng đến đây chúng tôi thấy chỉ có lác đác một số hộ thu với số lượng nhỏ để bán lẻ tại các chợ, một số hộ khác đang nhặt ngao chết, nghêu quá lứa để tránh tình trạng nghêu chết hàng loạt.
Bởi theo các hộ nuôi nghêu thì khi nghêu quá lứa, chuyển sang thời kỳ sinh sản thì rất dễ bị chết. Mà khi đã có nghêu chết rải rác sẽ dẫn đến bị chết hàng loạt. Anh Phạm Văn Sinh, thôn Trung, xã Phú Hải cho hay: Gia đình tôi mới nuôi nghêu được 2 năm nay. Với diện tích 2ha, năm 2010 tôi đầu tư thả nuôi 1ha nghêu, trừ chi phí đã cho lãi vài trăm triệu đồng. Năm ngoái, tôi tiếp tục đầu tư mở rộng nuôi với diện tích 1,5ha. Trong khi giá nghêu giống quá đắt thì giá nghêu thịt lại giảm mạnh. Với diện tích 1,5ha, năm nay gia đình tôi sẽ thu được khoảng trên 10 tấn nghêu thương phẩm. Trong tháng 4, gia đình đã thu hoạch được khoảng một nửa diện tích đã cho 6 tấn nghêu nhưng do giá nghêu tụt xuống chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg nên doanh thu bị giảm đi một nửa. Trong điều kiện như hiện nay, nghêu thì quá lứa, không thu hoạch thì chết, mà thu về chẳng biết có bán được không?
Những hộ nuôi nhỏ lẻ đã khó khăn, những hộ nuôi với diện tích lớn, nuôi tập trung càng thiệt hại hơn. Như HTX Nuôi trồng thuỷ sản Suối Tiên đã thả nuôi hơn 50 triệu nghêu giống trên diện tích 20ha. Đến thời điểm này, HTX đã thu hoạch được hơn 20% diện tích. Anh Nguyễn Việt Thành, Chủ nhiệm HTX cho biết: Với diện tích 20ha, dự kiến năm nay HTX sẽ thu được hơn 500 tấn nghêu thịt. Mặc dù, đã thu được hơn 20% diện tích với hơn 100 tấn nghêu thương phẩm nhưng giá bán nghêu quá thấp nên chỉ đủ bù chi phí con giống, nhân công lao động. Theo kinh nghiệm của người nuôi nghêu nhiều năm và khuyến cáo của ngành thuỷ sản để tránh tình trạng nghêu chết hàng loạt thì nghêu thương phẩm phải thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến trước tháng 3, tháng 4 năm sau. Nhưng đến nay, do giá thấp, không bán được, nghêu của HTX đã quá lứa, chết hơn 30% diện tích, thiệt hại hàng tỷ đồng. Lứa, giống này, nghêu của HTX đã ế suốt từ tháng 7-2012 đến nay, khả năng thua lỗ đã cầm chắc trong tay.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết: Từ năm 2007, trên cơ sở rà soát lại diện tích bãi triều của xã, UBND huyện đã quy hoạch thành 2 vùng, gồm gần 400ha dành cho khai thác tự nhiên và hơn 400ha quy hoạch cho nuôi trồng thuỷ sản. Tại đây, huyện giao bãi triều cho 72 hộ gia đình để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, chủ yếu là nuôi nghêu, sản lượng nghêu thịt hàng năm của xã đạt hơn 1.000 tấn. Tuy nhiên do những khó khăn về thị trường, dịch bệnh nên xã đã khuyến cáo bà con giảm mật độ nuôi, nuôi giãn vụ, tránh tình trạng đầu tư nuôi ồ ạt, hạn chế những rủi ro về dịch bệnh cũng như thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Hàng chục hộ dân của hai thôn Bàu Giêng và Thắng Hải, xã Thắng Hải (Hàm Tân - Bình Thuận) đang gửi đơn kêu cứu, vì không thể chịu đựng được tình trạng ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp. Với mức độ xả nước thải dày đặc từ những hồ nuôi tôm thẻ chân trắng có diện tích rộng từ 2.000 - 3.000 m2 nơi đây, nếu không có giải pháp xử lý, khả năng sẽ ngày càng ô nhiễm nặng đến nguồn nước sinh hoạt.

Những ngày qua, ngư dân tại các vùng biển đồng loạt bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Ngành chức năng Quảng Nam cũng đã đề ra nhiều giải pháp để đồng hành với các chuyến xa khơi của ngư dân.

Mấy năm nay, những lúc nông nhàn, ông Ngô Quang Thạo, ở xã Minh Tân (huyện Kiến Thụy - Hải Phòng) có thêm nghề quay mật cho những hộ nuôi ong trong vùng. Cứ đến mùa thu hoạch, ông Thạo lại đạp xe rong ruổi khắp làng trên xóm dưới quay mật giúp mọi người. Ông ít khi lấy tiền công quay mật nên mọi người thường cảm ơn bằng cách gửi biếu con gà, đôi vịt, lít mật ong...

Anh Phan Thanh Nhã, ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt đầu việc nuôi cút từ năm 2001, lúc đầu gia đình anh nuôi khoảng 4.000 con cút giống, sau 3 tuần đàn cút bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu cút thường xuyên bị chết do mắc một số bệnh thông thường. Thế nhưng anh không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cút khác, từ đó anh có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời nên về sau đàn cút luôn khỏe mạnh và cho trứng khá đều.

Sau thời gian dịch bệnh tôm nuôi kéo dài, người nuôi tôm lẫn các trại giống đều mòn mỏi đợi chờ một kết cục sáng sủa hơn. Bởi, hiện các trại sản xuất giống trong tỉnh Cà Mau ế, không bán được, một số đứng trước nguy cơ đóng cửa.