Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tá hỏa phát hiện lúa giống không nảy mầm

Tá hỏa phát hiện lúa giống không nảy mầm
Ngày đăng: 23/11/2015

100 hạt chỉ có 1-2 hạt nảy mầm

Sáng 17.11, phóng viên đã gặp ông Phạm Văn Kiên ở ấp Cây Cách.

Ông Kiên cho biết, đến nay đã có 23 hộ dân phản ánh lúa giống do Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân (Công ty Đông Xuân, trụ sở tại huyện Càng Long) cung cấp không nảy mầm.

Trong đó, một số hộ đi mua lúa giống từ các công ty khác để kịp xuống giống theo lịch thời vụ, một số hộ chờ phía Công ty Đông Xuân đổi lại lúa khác.

Ông Lý Văn Dũng bức xúc sau khi ngâm thử lúa giống.

Còn ông Lý Văn Dũng (ngụ cùng ấp Cây Cách) thì cho biết, ông mua 215kg lúa giống OM4900 của Công ty Đông Xuân thông qua ngành chức năng của xã và huyện.

Tuy nhiên, khi lấy lúa về nhà, ông mở bao ra thì phát hiện lúa có dấu hiệu không sạch, lẫn tạp chất.

“Nghĩ chất lượng lúa giống có vấn đề nên tôi lấy một ít ngâm thử nhưng nhận được kết quả quá xấu.

Nếu 100 hạt lúa thì chỉ có từ 1-2 hạt nảy mầm.

Tỷ lệ nảy mầm như thế này thì làm sao chúng tôi sạ cho được.

Theo lịch xuống giống của huyện là ngày 19.11 đã rút nước ra khỏi đồng, ngày 21.11 gieo sạ nên hôm nay phải đem giống đi ngâm.

Trước thực trạng này, sẽ không có lúa giống ngâm nếu chính quyền địa phương và công ty cung cấp giống không giải quyết kịp thời” – ông Dũng nói.

Chuẩn bị đất kỹ càng chờ đến ngày sạ nhưng ông Phan Văn Bảy ở ấp Cây Cách lại buồn rầu vì lúa giống không nảy mầm, có tỷ lệ nảy mầm không đạt.

Ông Bảy bức xúc: “Tôi mua 130kg lúa giống OM4900 để sạ trên 1,2ha, thế nhưng tỷ lệ nảy mầm sau khi tôi ngâm thử vài kg là cực kỳ thấp, 100 hạt lúa thì chỉ có từ 1-2 hạt nảy mầm.

Tôi rầu lắm, lịch sạ tới nơi mà lúa giống thì thế này.

Nếu không can thiệp kịp thời thì cánh đồng lớn sẽ không còn, người sạ trước, người sạ sau, người sử dụng giống này, người sử dụng giống khác, thời gian bơm nước, phun thuốc không ai giống ai”.

Không riêng gì 3 hộ dân trên, hàng chục hộ dân khác trên địa bàn ấp Cây Cách đều “không thể tưởng tượng” về lúa giống chất lượng cao của một doanh nghiệp được ngành chức năng địa phương giới thiệu.

“Chúng tôi đã đem những bọc ngâm thử lúa giống không nảy mầm, có ghi tên cụ thể từng hộ ở bọc để chứng minh với cơ quan chức năng” – ông Bảy cho hay.

Lý giải của đơn vị cung ứng giống

Ông Nguyễn Văn Hoà – Chủ tịch UBND xã Bình Phú xác nhận việc nhiều hộ dân phản ánh lúa giống ngâm thử không nảy mầm, và xã đang tìm cách tháo gỡ khó khăn của bà con nông dân.

“Chúng tôi sẽ có biện pháp giải quyết sớm, làm sao có lúa giống chất lượng để bà con gieo sạ kịp lịch thời vụ vì thời gian quá cận kề.

Chúng tôi đã làm việc với phía công ty cung cấp lúa giống, nếu được bà con trả lúa giống lại để lấy lúa giống khác của công ty để sạ, hoặc bà con lấy lúa giống từ nơi cung cấp khác và được trả lại tiền” – ông Hoà cho biết.

Ông Hoà cũng thông tin thêm, cán bộ xã đã lấy giống mà bà con phản ánh ngâm thử và đang chờ kết quả.

Đây là vụ đông xuân – vụ chính trong năm cho năng suất cao - nên bà con rất lo lắng về chất lượng lúa giống.

Cánh đồng lớn duy nhất của xã nằm ở ấp Cây Cách với tổng diện tích trên 200ha.

Có khoảng 180 hộ đã đăng ký mua khoảng 26 tấn lúa giống của Công ty Đông Xuân.

Mặc dù vụ việc ngâm thử lúa giống không lên mộng theo tỷ lệ như mong muốn xảy ra ở nhiều hộ dân, thế nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Á – Phó phòng NNPTNT huyện Càng Long cho biết chỉ mới nhận được thông tin có 1 hộ ở ấp Cây Cách báo mua phải lúa giống có nhiều lép, lúa lẫn.

“Vụ việc này, ngành chức năng của tỉnh đã đến hộ dân lấy mẫu về kiểm tra.

Tuy nhiên khi nào có kết quả thì huyện chưa nắm được” – ông Á nói.

Liên quan đến tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Đông – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân thừa nhận lúa giống do công ty cung cấp cho bà con ấp Cây Cách gieo sạ, trước thực trạng như người dân phản ánh, công ty có trách nhiệm xử lý sớm.

Trước mắt, công ty sẽ đổi lại số lượng lúa giống mà con phản ánh, còn hộ nào không chịu đổi thì sẽ được trả lại tiền.

Về nguyên nhân bà con ngâm lúa giống không nảy mầm thì ông Đông giải thích: “Hạt giống là cơ thể sống, có thể ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân dẫn đến không nảy mầm như khâu sấy lúa giống bên công ty không đạt, hoặc khâu sản xuất lúa giống có sử dụng chất kích thích sinh trưởng.

Cũng không thể loại bỏ khâu ngâm ủ giống của bà con có vấn đề về chất lượng nguồn nước, ngâm hạt lúa dưới nước không đủ 36 giờ, khi ủ không đảm bảo đủ nhiệt độ…

Theo ông Đông, thời gian này là ngày ngắn đêm dài, nhiệt độ thấp nên người dân phải ủ đậy bằng cao su và trước khi đem lúa giống ngâm phải đem phơi một nắng nhẹ.

Ông Nguyễn Văn Đông – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân thừa nhận lúa giống do công ty cung cấp cho bà con ấp Cây Cách gieo sạ, trước thực trạng như người dân phản ánh, công ty có trách nhiệm xử lý sớm.

Trước mắt, công ty sẽ đổi lại số lượng lúa giống mà con phản ánh, còn hộ nào không chịu đổi thì sẽ được trả lại tiền.


Có thể bạn quan tâm

Tỷ Phú Rau Thơm Tây Tỷ Phú Rau Thơm Tây

Sau nhiều lần thất bại dẫn đến trắng tay với nghề kinh doanh bất động sản, bà Phạm Thị Thu Cúc đã trải qua nhiều nghề cũng như bao thăng trầm trong cuộc sống, cuối cùng khi đến thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương bà đã tìm cho mình hướng đi riêng, đó là trồng rau thơm Tây, hiện mỗi năm bà thu về hơn 1 tỷ đồng.

25/08/2014
Đưa Hàng Nông Sản Ra Nước Ngoài Đưa Hàng Nông Sản Ra Nước Ngoài

Miệt mài đưa nông sản của nhà nông qua chế biến “made-in Quảng Ngãi” đi đến nhiều nước, những doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không ngừng đầu tư để nâng cao chuỗi giá trị của hàng nông sản. Đây là những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín, vừa được Bộ Công thương bình chọn.

04/09/2014
Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh Đánh Thức Tiềm Năng Cây Lê Ở Trà Lĩnh

Lê Trà Lĩnh được các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá có hàm lượng đường dinh dưỡng cao nhất so với các giống lê trong tỉnh. Cây lê được nhân dân huyện Trà Lĩnh trồng từ rất lâu đời, nhưng trải qua thời gian, cây lê gần như bị mai một, chỉ còn rải rác ở một số ít địa phương trong huyện.

25/08/2014
Vũ Hòa Nỗ Lực Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu Vũ Hòa Nỗ Lực Xây Dựng Cánh Đồng Mẫu

Xã Vũ Hòa (Kiến Xương) triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu từ vụ xuân năm 2012 với tổng diện tích 50 ha. Sau 2 năm thực hiện, cánh đồng mẫu ở Vũ Hòa đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

04/09/2014
Trồng Màu Trên Bờ Bao Nuôi Tôm Trồng Màu Trên Bờ Bao Nuôi Tôm

Nhận thấy, vào mùa lũ các loại rau, củ, quả thường có giá khá cao nên những năm gần đây, khi bắt đầu vụ tôm càng xanh mùa lũ, hàng trăm hộ dân ở huyện Lấp Vò đã tận dụng diện tích đất bờ bao nuôi tôm, để trồng các loại rau màu ngắn ngày như bầu, bí đỏ, khổ qua, dưa hấu, đậu bắp, cà tím...

25/08/2014