Ta hại ta

Vừa qua, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã phải ra sức chốt chặn không cho khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản nhằm tránh việc tiểu thương xứ này mông má thành “ khoai tây Đà Lạt” rồi bán đi khắp nơi làm hại người tiêu dùng.
Chuyện không ai muốn nhưng buộc phải làm.
Chỉ một lớp đất đỏ mà khoai tây Trung Quốc được hóa hình ngay trên đất Đà Lạt - xứ sở của khoai tây
. Từ đó được bán ra với giá ngang với khoai tây Đà Lạt chính hiệu.
Chuyện vỡ lở, niềm tin người tiêu dùng mất dần và không chỉ với khoai tây Đà Lạt mà còn với nhiều loại nông sản khác.
Cái hại ấy khôn lường cho một vùng đất mà thu nhập của người dân gắn liền với nông sản.
Lại một chuyện khác đang sôi sục: Đài Loan áp hàng rào kỹ thuật ngăn chè Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này vì có dư lượng fipronil (hợp chất diệt sâu bọ) vượt mức cho phép.
Doanh nghiệp có thể trách Đài Loan thiếu sòng phẳng, áp hàng rào kỹ thuật quá đường đột khiến họ không kịp trở tay.
Hậu quả, hơn chục doanh nghiệp đóng cửa, hoạt động cầm chừng.
Sau doanh nghiệp, cái khó đổ xuống nông dân do chè nguyên liệu không bán được và rớt giá.
Giá chè nguyên liệu giảm hơn 10% chỉ sau vài tháng vướng hàng rào của Đài Loan.
Trách người thì cũng nhìn lại ta. Hợp chất fipronil bị cấm dùng trên chè bằng văn bản của cơ quan chức năng đã nhiều năm nhưng người sản xuất chè vẫn cố dùng vì hiệu quả cao, giá rẻ...
Thị trường Đài Loan giờ đây gần như đã đóng cửa với chè Việt Nam. Doanh nghiệp và cơ quan chức năng lại vất vả đi tìm thị trường mới với bao nhiêu rủi ro, bất ổn.
Chỉ vì dùng những chai thuốc trừ sâu đã bị xếp vào diện cấm dùng, rẻ hơn vài ba đồng mà mất mát uy tín đã gầy dựng cả trăm năm, mất luôn thị trường truyền thống. Liệu có đáng không?
Mới đây tại kỳ họp Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương cũng đã lên tiếng tha thiết mong bà con nông dân đừng vì những cái lợi nhỏ mà dùng thuốc trừ sâu, thuốc chuột tẩm vào rau củ quả mang ra thị trường.
Đó là hành động đầu độc người dân.
Ông Đương khẳng định hành vi đánh tráo xuất xứ nông sản như biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt không chỉ lừa dối mà còn là không yêu nước.
Điều ông Đương nói không sai bởi làm nông sản gian dối là đùa cợt, âm thầm tước đoạt sức khỏe người dân.
Và không ai thông cảm được cho những kiểu kích chín, bảo quản trái cây, làm đẹp nông sản bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và hàng chục loại hóa chất độc hại.
Trước những rắc rối mà nông sản Việt Nam đang gặp phải, ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam) cũng bày tỏ sự buồn lòng. Ông bảo chúng ta đừng trách người tiêu dùng quay lưng, thị trường đóng cửa.
Chính ta đã hại ta khi đùa giỡn với những quy định sản xuất liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Kỷ luật sản xuất phải được siết chặt trên diện rộng bằng những quy định, chính sách và cần làm ngay để nông nghiệp phát triển theo hướng sạch, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.
Nhưng không quy định nào có thể giúp kiểm soát được từng khâu nho nhỏ trong chuỗi sản xuất nông nghiệp vốn nhiều công đoạn và phần lớn có sự tham gia của con người.
Do đó, chính người tham gia sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ kỷ luật sản xuất.
Thậm chí phải hà khắc với chính quy trình sản xuất của mình.
Trung thực trong sản xuất nông sản không phải vì ai xa xôi mà vì nồi cơm của chính mình.
Đừng tự vung tay làm vỡ nồi cơm đang vơi dần.
Thêm những cánh cửa đóng sầm lại thì tương lai nông nghiệp Việt Nam sẽ càng u tối, mờ mịt.
Nếu hậu quả ấy đến thì cũng đừng trách ai, bởi ta đã hại... ta mà thôi.
Có thể bạn quan tâm

Thời điểm khoảng 10 năm trước đây, diện tích cây mãng cầu ta tại Bình Thuận lên đến hơn 1.200 ha. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, nhất là do năng suất và chất lượng không như mong đợi nên người trồng chặt bỏ thay thế bằng cây trồng khác. Chính vì vậy mới đây, đơn vị chức năng ở địa phương đã tiến hành thực hiện đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tìm lại “chỗ đứng” cho cây mãng cầu ta…

Mấy ngày nay, giá thịt gà liên tục tăng. Theo các tiểu thương, thịt gà tăng giá không phải do nguồn cung khan hiếm mà do dịch cúm gia cầm đang khiến cho người chăn nuôi dè chừng khi bán ra nên giá có xu hướng tăng.

Trước đây, do chỉ độc canh cây lúa, hiệu quả thấp, đời sống gia đình anh Lê Hồng Phương (xã Tân Quý Tây, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thường thiếu trước, hụt sau. Năm 2001, khi về quê vợ ăn giỗ nghe nói ở đây có người “phất” lên nhờ trồng củ cải trắng, thế là anh khăn gói “tầm sư học đạo”.

Trước tình hình khó khăn trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân ở ĐBSCL, TCty Lương thực Miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đang khẩn trương triển khai hoặc chuẩn bị kế hoạch thu mua tạm trữ gần 3 triệu tấn quy gạo.

Cây trồng được cung cấp đầy đủ, cân đối và kịp thời những chất dinh dưỡng cần thiết để cho cây có đủ sức khỏe đạt năng suất cao, phẩm chất tốt; duy trì và không ngừng làm tăng độ phì nhiêu (độ màu mỡ) của đất; đem lại lợi nhuận cao nhất và ổn định cho người sản xuất; phù hợp với tập quán trình độ và điều kiện sản xuất hiện tại.