Suy kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ

Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Trong những năm qua, nghề khai thác, đánh bắt thuỷ sản của tỉnh có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay là sự suy kiệt nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, nhất là giống các loài thuỷ sản do sự khai thác huỷ diệt của người dân. Nhiều phương tiện đánh bắt ven bờ bằng lưới ba màng, xung điện, mắt lưới nhỏ hơn mức quy định… làm nguồn cá, tôm và các loài thuỷ sản còn non bị suy kiệt nghiêm trọng, nhất là vào mùa sinh sản.
Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 4.666 phương tiện khai thác thuỷ sản. Trong đó, số phương tiện có công suất dưới 20 CV là 1.352 phương tiện, chiếm 28,97%. Số này tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, U Minh… đa phần là đẩy te, đáy biển, lưới kéo, câu, lưới rê, lú Huế và ốc mực.
Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, đánh giá, nguồn lợi thuỷ sản khu vực gần bờ trên vùng biển của tỉnh đang giảm dần cả về trữ lượng, sản lượng; kích cỡ cá, tôm đánh bắt được có xu hướng nhỏ dần. Mặc dù tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm sau cao hơn năm trước, nhưng chất lượng thì không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước.
Ðể khai thác được nhiều loài thuỷ sản, với phương châm đánh bắt được càng nhiều càng tốt phục vụ mưu sinh, ngư dân sẵn sàng làm các nghề cấm để đạt được mục đích khai thác.Trong đó, nhiều nhất vẫn là tình trạng khai thác trong vùng cấm, sử dụng mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác.
Gần 10 năm lập gia đình, cũng ngần ấy thời gian anh Nguyễn Trường Giang, xã Khánh Hội, huyện U Minh bám biển cạn để sống. Ðêm thì anh đặt lú Huế, ngày giăng lưới ba màng. Không chỉ có hộ anh Giang mà nhiều người dân nơi đây ai cũng bám biển để sống. Nhiều người dân làm nghề trong khu vực cấm khai thác vẫn biết việc làm của họ đang vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản. Có người cho biết, họ từng bị các lực lượng chức năng nhắc nhở và phạt tiền, nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên làm liều.
Ông Phạm Thế Tài kiến nghị, ngành thuỷ sản phải đánh giá trữ lượng thuỷ sản trong vùng biển để định lượng khai thác và bảo tồn, tái tạo. Ðặc biệt, cơ cấu lại các nghề khai thác theo hướng chọn lọc cho phù hợp với trữ lượng thuỷ sản. Song song đó, các ngành chức năng cần có những định hướng và giải pháp cụ thể để tạo công ăn việc làm phù hợp với ngư dân ven biển.
Quan trọng nhất là phải có cơ chế, chính sách về vốn, nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đến các tầng lớp Nhân dân./.
Có thể bạn quan tâm

Ông Trần Văn Vinh (thường gọi là Bảy Vinh) đến với nghề ương nuôi nghêu giống bắt nguồn từ sự đam mê và nhu cầu thực tế. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Gò Công (Tiền Giang), từng công tác ở ngành Thủy sản, cả cuộc đời gần như gắn bó với nghề. Sau khi nghỉ hưu, ông đã bắt tay vào việc nghiên cứu đặc điểm sinh sản tự nhiên của nghêu, đồng thời thử nghiệm quy trình sinh sản nghêu nhân tạo.

Nếu như trước đây, tỷ lệ nhiễm bệnh MBV (hay còn gọi là bệnh còi) trên tôm sú giống khá phổ biến, chiếm từ 60 đến 65%, thì đến thời điểm này đã giảm xuống dưới mức 30%. Đây là kết quả có được sau khi Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp một số đơn vị sản xuất giống thủy sản thực hiện quy trình sản xuất giống hạn chế nhiễm bệnh MBV.

Với 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho 23 hộ ND ở phường Thủy Biều, thành phố Huế vay để thực hiện dự án trồng gừng trong bao.

Trái với mọi năm, sau đợt dịch bệnh, tôm thẻ chân trắng thường hút hàng với giá khá cao vì nguồn nguyên liệu khan hiếm trong thời gian dài. Tuy nhiên, năm nay tôm thẻ chân trắng đang rớt giá thê thảm dù các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều than thiếu nguyên liệu và hầu hết tôm thẻ chân trắng ở miền Trung lẫn miền Tây vẫn đang nằm trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

UBND huyện Tuy An và Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên đã tiến hành quy hoạch 40ha trên đầm Ô Loan để thực hiện mô hình thả nuôi sò huyết.