Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Súp-Lơ Ra Bông Sớm Tại Giống Hay Canh Tác Chưa Hợp Lý?

Súp-Lơ Ra Bông Sớm Tại Giống Hay Canh Tác Chưa Hợp Lý?
Ngày đăng: 07/01/2014

Mới đây, một nông dân tại xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho rằng, đại lý tại chợ thị xã đã bán giống súp-lơ “dỏm” làm ông thiệt hại nhiều triệu đồng. Sự việc này vẫn chưa có kết luận.

Súp- lơ ra bông sớm

Những ngày này, ông Nguyễn Thuận (thôn Lạc Hòa, xã Ninh An) rất xót xa mỗi khi đi thăm mấy đám ruộng súp-lơ. Súp-lơ mới trồng hơn 15 ngày, còn lẹt đẹt dưới đất nhưng đã “đẻ non”, cây nào cũng ôm bông trắng. Lo lắng vì súp-lơ nở bông sớm, ông Thuận chia sẻ: “Tôi dự tính bán súp-lơ vào tháng Giêng để không bị “đụng” hàng Tết, nhưng giờ này súp-lơ đều đã trổ bông. 6 triệu đồng mua giống và công làm đất của tôi coi như đi tong”.

Nhiều năm trồng súp-lơ, ông Thuận biết rõ quy luật của thị trường. Vụ Tết thường bị dư hàng, nên ông chia ra diện tích trồng súp-lơ bán Tết và sau Tết để dễ có đầu ra. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao súp-lơ vụ sau Tết đã nở bông sớm một cách bất thường. Theo ông Thuận, hồi tháng 8-2013, ông có mua 8 gói hạt giống súp-lơ tại đại lý Hồng Hải (chợ Ninh Hòa). Trên bao bì có ghi: Hạt giống cải bông White corona F1, khối lượng 10g, nguồn gốc Nhật Bản.

Ông chia ra 4 gói trồng cho thu hoạch tháng Chạp (bán vụ Tết) và 4 gói trồng cho thu hoạch tháng Giêng (bán sau Tết). Thông thường, súp-lơ sau khi ươm 1 tháng thì đưa ra ruộng trồng, sau 50 - 60 ngày cây ra bông và tiến hành thu hoạch. 4 gói giống gieo trước, cây phát triển tốt và đang chuẩn bị thu hoạch. Thế nhưng, 4 gói giống gieo sau (2.000m2), mới trồng được 15 ngày đã có bông.

Với kinh nghiệm của người trồng súp-lơ lâu năm, ông Thuận nhận định, ra bông sớm thế này là hỏng, bởi lá súp-lơ còn quá nhỏ không thể che được bông. Khi bị nắng, súp-lơ sẽ nhanh chóng chuyển sang màu tím và thối rữa, còn nếu có thu hoạch được thì bông quá nhỏ nên cũng không ai mua. Các nông dân có kinh nghiệm trồng súp-lơ trong thôn cũng khẳng định, kiểu ra bông khác thường này coi như bị mất trắng.

Súp-lơ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân trong thôn. Bình quân giá bán 7.000 - 8.000 đồng/búp, lúc thấp nhất cũng được 5.000 đồng/búp, sau khi trừ hết chi phí, 2.000m2 có thể lãi được 10 - 15 triệu đồng.

Chưa thể kết luận

Ngạc nhiên trước hiện tượng súp-lơ ra bông sớm, ông Thuận gọi điện phản ánh với đại lý. Tuy nhiên, cách trả lời của đại lý cũng không giúp ích được gì. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thu Hồng - chủ đại lý cho biết, hạt giống lấy từ một công ty nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, có đầy đủ nhãn mác, xuất xứ, chỉ tiêu, chất lượng được cấp có thẩm quyền cấp phép. “Lô hàng này đã bán hết. Tôi động viên nông dân gọi điện cho công ty khiếu nại, bởi chỉ có nông dân mới hiểu rõ tình hình thế nào để phản ánh. Tôi cũng rất xót khi nông dân bị thiệt hại nhưng chẳng biết làm gì hơn” - bà Hồng nói.

Ông Lê Văn Tánh - Phó Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) thị xã cho biết: “Bước đầu, chúng tôi chưa thể kết luận được điều gì. Với cách canh tác xịt thuốc sâu kết hợp bón rong biển theo quy trình của ông Thuận là những loại đều kích thích ra bông, có thể gặp thời tiết lạnh nên súp-lơ cho bông sớm. Tuy nhiên, còn phải đợi giám định của Chi cục BVTV. Trước mắt, đề nghị nông dân gửi đơn về Trạm BVTV thị xã. Sau đó, chúng tôi sẽ mời chủ đại lý làm việc và liên hệ với công ty để có hướng hỗ trợ thiệt hại cho nông dân...”.

Việc xác định giống súp-lơ dỏm hay cách canh tác của nông dân chưa hợp lý vẫn còn phải chờ.


Có thể bạn quan tâm

Chinh phục bằng chất lượng Chinh phục bằng chất lượng

Cá tra được xem là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vấn đề nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới được quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây. Với Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ Về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (Nghị định 36), cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến phải được nuôi từ cơ sở nuôi cá tra thương phẩm đáp ứng theo các điều kiện quy định.

14/04/2015
Hiệu quả sử dụng đất ngập nước trồng lúa để xử lý nước ô nhiễm của ao ươm cá tra Hiệu quả sử dụng đất ngập nước trồng lúa để xử lý nước ô nhiễm của ao ươm cá tra

Nhóm nghiên cứu Đặng Quốc Cường, Công ty cổ phần BVTV Delta, Cần Thơ; Trương Thị Nga, khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ và Trần Thị Diễm Phúc, Công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cần Thơ đã nghiên cứu “Hiệu quả sử dụng đất ngập nước trồng lúa để xử lý nước ô nhiễm của ao ươm cá tra”, với mục đích tận dụng lại nguồn dưỡng chất có trong nước thải ao ươm cá tra giống cung cấp cho quá trình phát triển của cây lúa, góp phần hạn chế ô nhiễm nước mặt từ quá trình ươm cá tra giống.

14/04/2015
Hơn một tỷ đồng hỗ trợ nuôi cá thâm canh cao Hơn một tỷ đồng hỗ trợ nuôi cá thâm canh cao

Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển trang trại thủy sản thâm canh cao giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh Bắc Giang, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đang chuẩn bị các điều kiện để xây dựng 3 mô hình nuôi cá thâm canh cao tại 3 huyện: Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa.

14/04/2015
Làm giàu từ nuôi cá và ba ba Làm giàu từ nuôi cá và ba ba

Không khuất phục trước khó khăn, bằng sức trẻ, sự siêng năng cần cù cộng với lợi thế đất đai của gia đình, chị Nguyễn Thị Duyên, 34 tuổi, ở xã Cát Minh – huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá và ba ba, tạo thu nhập đáng kể cho gia đình, được nhiều người mến phục.

14/04/2015
Nỗi lo tôm giống Nỗi lo tôm giống

Với diện tích thả nuôi năm 2014 gần 603 ha, huyện Tam Nông được xem là “thủ phủ” tôm càng xanh (TCX) tại Đồng Tháp.

14/04/2015