Sức Sống Mới Từ Dự Án 600

Sau hơn hai năm, 53 thành viên đầu tiên thuộc dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch (PCT) tại 53 xã thuộc sáu huyện miền núi Quảng Ngãi đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống những người dân vùng cao.
Họ đã rất nỗ lực vượt qua những bỡ ngỡ về ngôn ngữ, tập tục giao tiếp. Qua thời gian, các PCT trẻ đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Các bạn đã thể hiện được sức trẻ của mình khi dám nghĩ dám làm
Anh ĐẶNG MINH THẢO (Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi)
Đổi thay kinh tế
Hơn hai năm làm PCT UBND xã Sơn Cao (huyện Sơn Hà), anh Trần Đình Vũ đã làm được nhiều việc mà cấp trên và người dân mong đợi. Nhớ lại thời mới lên nhận nhiệm vụ, Vũ tâm sự: “Hồi đó lên đúng vào mùa giáp hạt, người dân phải mua gạo độn khoai sắn ăn cầm chừng và chờ Nhà nước cứu trợ. Nhìn mà không cầm được nước mắt”.
Vũ bỏ thời gian tìm giống lúa, rồi xuống bản giới thiệu để thay đổi giống lúa mà bà con sử dụng lâu đời. Để bà con tin, anh cùng xuống ruộng trồng thí điểm 2ha. Năng suất mùa đầu đạt 55 tạ/ha (trước chỉ 37 tạ/ha). Thấy bà con tin tưởng, Vũ huy động dân làm mới hệ thống thủy lợi để tưới cho trên 30ha lúa theo mô hình mới.
Tiếp đó, Vũ thay đổi tập quán nuôi bò của bà con, làm chuồng trại, trồng cỏ VA60 thành công ngoài mong đợi. Thừa thắng xông lên, các mô hình khác như trồng mía cao sản, nuôi cá nước ngọt... lần lượt ra đời và đem lại hiệu quả.
“Nhờ có Vũ mà kinh tế xã thay đổi hẳn, giờ không còn chuyện thiếu ăn nữa” - ông Đinh Văn Bát, chủ tịch UBND xã Sơn Cao, nói.
Trong khi đó, PCT UBND xã Trà Xinh (huyện Tây Trà) Lê Minh Vương vốn xuất thân từ cán bộ Đoàn, ngoài việc quan tâm kinh tế, còn trăn trở việc làm cho thanh niên. Vương đã đưa gần 100 thanh niên đi học nghề và xuất khẩu lao động.
“Thanh niên là nòng cốt, sử dụng được sức trẻ thì mới tính đến thoát nghèo bền vững được” - Vương nói.
PCT UBND xã Sơn Nham (huyện Sơn Hà) Lê Thị Thanh Điểm thì cùng bà con tận dụng nguồn nước sông Trà Khúc, áp dụng mô hình nuôi cá lồng bè.
“Bà con đã nuôi rồi nhưng hiệu quả không cao. Mình phải nhờ chuyên gia về hướng dẫn bà con nuôi đúng kỹ thuật, hiệu quả cao hơn trước nhiều” - Điểm cho biết.
Đưa công nghệ lên núi
Đi qua nhiều xã vùng cao, công nghệ thông tin giờ “phủ sóng”. Các cán bộ trẻ đã thay đổi phương thức làm việc cán bộ xã nơi mình nhận nhiệm vụ. Chuyện làm việc trên máy tính, chuyển thư bằng email, họp qua mạng nhiều nơi đã sử dụng quen.
Anh Nguyễn Anh Khoa, PCT UBND xã Ba Điền (huyện Ba Tơ), kể hồi đó cả xã chỉ một vài người biết sử dụng máy tính. Mỗi lần nhận chỉ đạo của huyện hay gửi báo cáo phải chạy một quãng đường dài hàng chục cây số. Khoa tham mưu xây dựng dự án tin học hóa công tác quản lý, mở lớp dạy sử dụng máy tính, đọc thông tin, chuyển thư qua Internet.
“Lúc hướng dẫn nhiều cô chú lớn tuổi cũng nản bởi còn xa lạ, giờ ai cũng biết làm việc trên máy tính” - anh Khoa nói.
Không chỉ quan tâm đến kinh tế, các hoạt động về tinh thần cho bà con đồng bào, nhất là thanh niên cũng nhận được sự quan tâm. Chị Đinh Thị Biên, PCT UBND xã Sơn Thủy (huyện Sơn Hà), vốn là người đồng bào nên chị hiểu rõ thanh niên ngoài giờ làm việc chỉ có nhậu nhẹt.
“Mình đề nghị xã dành một khoảng đất rộng làm sân thể thao. Nhờ đó mà khi vận động làm việc gì thanh niên cũng đến đông đủ” - chị Biên cho biết.
Đánh giá về các trí thức trẻ lên ở vùng cao, anh Đặng Minh Thảo, phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết: “Họ đã rất nỗ lực vượt qua những bỡ ngỡ về ngôn ngữ, tập tục giao tiếp. Qua thời gian, các PCT trẻ đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. Các bạn đã thể hiện được sức trẻ của mình khi dám nghĩ dám làm”.
Ông Nguyễn Ngọc Linh, phó giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi, chia sẻ các cán bộ xã trong đề án đã thể hiện được bản lĩnh của mình ở cương vị mới, họ là nòng cốt thúc đẩy sự phát triển của các xã.
Có thể bạn quan tâm

Phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn từ những vụ sản xuất trước, vụ xuân năm nay huyện Cẩm Khê chỉ đạo nhân rộng cánh đồng sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, ba cùng: Cùng trà, cùng giống, cùng áp dụng biện pháp kỹ thuật ở 12 xã, thị trấn với tổng diện tích thực hiện là 768ha.

Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Điện Phong đã huy động hơn 54 tỷ đồng tập trung bê tông hóa 54km đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kiên cố hóa 11km kênh mương thủy lợi cùng nhiều công trình phúc lợi xã hội khác.

Cuối tuần rồi, lên xã Tam Dân thuộc huyện Phú Ninh dự tiệc mừng nhà mới của đứa bạn thời sinh viên, Tư tôi thấy vợ chồng anh Sáu Ngọc Tú cùng mấy người làm công đang thu hoạch vườn chuối mốc. Gia đình anh Sáu có 1 sào đất vườn, hàng chục năm nay quanh đi quẩn lại họ cũng chỉ biết trồng sắn. Tuy nhiên, do năng suất củ sắn tươi đạt không cao, giá bán sản phẩm lại quá thấp nên vụ nào loại cây trồng này cũng cho mức lãi ròng rất ít, thậm chí có mùa thâm luôn cả vốn.

Trước thực trạng dịch bệnh hoành hành trên những vườn tiêu Tiên Phước và sự khan hiếm nguồn giống gốc sạch bệnh, thời gian qua, đã có nhiều đề tài, mô hình, dự án nghiên cứu nhằm phục hồi và phát triển loài cây bản địa này. Giai đoạn 2012 - 2013, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng đã tiến hành một số mô hình liên quan tới phục hồi và phát triển giống tiêu bản địa.

Ngày 21.12.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định Số 35/2012/QĐ-UBND quy định thực hiện “Cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015” (gọi tắt là Cơ chế 35). Sau 2 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.