Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sức sống mới ở Đông Thạnh

Sức sống mới ở Đông Thạnh
Ngày đăng: 12/10/2015

Giao thông thuận lợi

Nét đổi thay dễ nhận thấy nhất của Đông Thạnh hôm nay chính là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư mở rộng ngày một khang trang.

Do xác định việc phát triển hệ thống giao thông sẽ là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện nhiều tiêu chí còn lại; thời gian qua, Đông Thạnh đã tranh thủ mọi nguồn lực, nhất là thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nên người dân trong xã đồng tình, hưởng ứng bằng việc hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của để mở rộng và xây mới nhiều tuyến đường giao thông.

Bà Đặng Thị Lắm, ở ấp Thạnh Thuận, bộc bạch:

“Thấy được quyền lợi cũng như tầm quan trọng của nông thôn mới (NTM), bà con nơi đây ai cũng nhiệt tình hiến đất, tham gia ngày công để các công trình giao thông hoàn thành sớm.

Nếu so với 5 năm trước, vào mùa mưa đi lại khó khăn thì hiện tại đường làng đều thông thoáng”.

 

Chanh không hạt đang là cây trồng xóa nghèo hiệu quả của xã NTM Đông Thạnh.

Vào thời điểm từ năm 2010 trở về trước, hầu hết các tuyến đường chính trên địa bàn xã có bề rộng mặt đường và cầu rất chật hẹp, nhiều tuyến đường liên ấp còn lầy lội vào mùa mưa, từ đó, gây nhiều khó khăn trong việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Thế nhưng, sau 5 năm tập trung đầu tư, đến nay, toàn xã có 9,5/9,5km đường liên xã được cứng hóa bằng nhựa, hơn 8/11km đường liên ấp được cứng hóa bằng bê tông đúng theo quy định của tiêu chí, 100% đường ngõ, xóm và nội đồng không còn lầy lội vào mùa mưa.

Qua đây, đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Tổng kinh phí thực hiện cho giao thông trong 5 năm qua ở Đông Thạnh gần 14 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 5 tỉ đồng.

Khi hệ thống giao thông ngày càng khang trang thì việc xây dựng cảnh quan môi trường như: trồng hàng rào bằng cây xanh, trồng cây cảnh và hoa ven hai bên đường đã được người dân hưởng ứng mạnh mẽ.

Điển hình là tuyến đường nối từ Cái Chanh đi qua các ấp Đông Thuận và Phước Thạnh về trung tâm xã được phủ xanh bằng hàng cau vua (cau bụng) hai bên đường, đây được xem là tuyến đường đẹp nhất xã và luôn để lại nhiều ấn tượng khó phai cho những ai mỗi khi chạy qua tuyến đường này.

Kinh tế phát triển

Song song với công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu thì việc phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng NTM ở Đông Thạnh.

Là địa phương có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thích hợp phát triển vườn cây ăn trái, do đó, khi thực hiện công tác quy hoạch xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương đã chú trọng xây dựng các vùng cây ăn trái đặc sản và có thế mạnh của tỉnh.

Một trong những cây trồng đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao và là cây xóa nghèo hiệu quả cho người dân Đông Thạnh chính là cây chanh không hạt.

Hiện tại, toàn xã Đông Thạnh có gần 1.000ha vườn cây ăn trái, trong đó chanh không hạt có khoảng 300ha.

Điều mà nhà vườn cảm thấy an tâm khi gắn bó với cây chanh không hạt là thị trường đầu ra ổn định, khi thu hoạch xong đều có hợp tác xã trên địa bàn xã hoặc công ty đến thu mua.

Riêng về giá cả luôn hấp dẫn, trung bình từ 15.000-18.000 đồng/kg.

Theo ước tính của bà con, một công chanh (4 năm tuổi) có thể cho thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm.

Với nguồn thu nhập hấp dẫn từ cây chanh trong thời gian qua đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Đông Thạnh từ 11,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên gần 30 triệu đồng/người/năm (năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,28% (năm 2011) xuống còn 4,26% (năm 2015).

Ông Lê Vĩnh Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết: “Chúng tôi rất mừng khi hoàn thành được các tiêu chí NTM theo quy định.

Có được kết quả này là cả một sự cố gắng nỗ lực cộng với sự đoàn kết thống nhất cao của Đảng bộ xã, sự phối hợp đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân. Đặc biệt, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh, huyện nên Đông Thạnh đang trên đường thay da đổi thịt”. 

Đến Đông Thạnh hôm nay, ai cũng có một cảm giác đầy bất ngờ khi bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi, hệ thống điện, đường, trường học, y tế, nhà văn hóa ấp,… được xây dựng mới khang trang, sạch đẹp; nhiều ngôi nhà kiên cố san sát mọc lên, cuộc sống của người dân Đông Thạnh đang dần ấm no hơn, diện mạo của một làng quê với cuộc sống sung túc đang hiện trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây. 


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Vườn Cà Phê Già Cỗi Làm Giàu Từ Vườn Cà Phê Già Cỗi

Khoảng thời gian trống đó biết lấy gì để sống? Thế là anh quyết định đầu tư thâm canh thông qua việc chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước đúng cách và không quên bón phân sau thu hoạch để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tránh tình trạng năng suất năm được năm mất.

02/02/2015
Giá Mì Khô Chỉ 3.500 Đồng/kg Giá Mì Khô Chỉ 3.500 Đồng/kg

Theo một số nông dân ở Khánh Sơn, năm nay năng suất mì chỉ đạt khoảng 80 - 85% so với năm trước, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thất thường, cây mì vào giai đoạn phát triển, ít mưa nên sản lượng đạt thấp. Ngoài ra, do giá mì dao động ở mức thấp trong 2 năm gần đây nên người dân các địa phương đang có kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng mì sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn quả, keo...

02/02/2015
An Giang Phát Triển Nuôi Cá Rô Phi Trong Lồng Vèo An Giang Phát Triển Nuôi Cá Rô Phi Trong Lồng Vèo

Nhằm đa dạng con nuôi thủy sản nước ngọt cung cấp cho người tiêu dùng và xuất khẩu, tỉnh An Giang đã tạo điều kiện cho ngư dân, doanh nghiệp đa dạng hóa và mở rộng diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, trong đó nhiều nhất là con cá rô phi hiện đang có thị trường xuất khẩu tốt.

02/02/2015
Nông Dân Vĩnh Châu Bước Vào Vụ Nuôi Artemia 2015 Nông Dân Vĩnh Châu Bước Vào Vụ Nuôi Artemia 2015

Năm nay theo kế hoạch Vĩnh Châu sẽ thả nuôi 550 ha Artemia, dự kiến sản lượng đạt trên 35 tấn trứng. Để đạt được kết quả trên, thời gian qua bằng các nguồn lực, thị xã đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để nạo vét lại tuyến kênh Bảy trăm, khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con làm muối và nuôi artemia.

02/02/2015
Thu Tiền Tỷ Từ Nuôi Ong Lấy Mật Thu Tiền Tỷ Từ Nuôi Ong Lấy Mật

Khởi nghiệp từ vốn vay mượn, anh Giang Văn Dương (22 tuổi), ngụ ấp 3, xã Đồng Tâm (Đồng Phú - Bình Phước) đã mạnh dạn đầu tư 1,5 tỷ đồng mở trang trại nuôi ong lấy mật. Đến nay, anh Dương đã có 1.000 thùng ong cho thu khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm.

02/02/2015