Sửa Tàu Vươn Khơi

Sau một năm vươn khơi vật lộn với sóng dữ, đương đầu với thiên tai, hoạn nạn trên biển, nhiều tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn cũng mang đầy “thương tích”. Tranh thủ những ngày biển động bà con ngư dân lại hối hả đưa tàu lên bờ “làm nước” để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi dịp cuối năm.
Có mặt tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền đầu tiên trên đảo Lý Sơn mới thấy được không khí khẩn trương sửa tàu của bà con ngư dân đảo này. Mặc dù thời tiết trên đảo không mấy thuận lợi, nhưng ngư dân Trần Văn Lang ở xã An Vĩnh cùng các bạn thuyền vẫn miệt mài để sớm hoàn thiện đôi tàu của mình và cho hạ thủy. Anh Lang là thuyền trưởng đôi tàu QNg 96527 TS hành nghề lưới vây rút chì, đây cũng là lần đầu tiên đội tàu anh được thay “áo mới” trên quê hương mình. Anh Lang chia sẻ, trước đây khi chưa có cơ sở sửa chữa tàu thuyền trên đảo, đến mùa biển động không thể đánh bắt hải sản được nữa thì anh lại cùng 4-5 bạn thuyền đưa tàu vào đất liền để tu sửa lại nên rất tốn kém.
Trong lần “làm nước” tàu này, anh đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng để sơn phết lại vỏ tàu và trám lại những vết nứt do sóng biển gây ra. Tu sửa tàu ở đảo Lý Sơn không những giúp anh Lang tiết kiệm được cả chục triệu đồng, mà còn giúp anh dễ dàng bảo quản được tài sản khi con tàu còn nằm trên đà. Ngoài việc sơn, kiểm tra lại máy móc, thiết bị, anh còn đầu tư thêm 100 triệu đồng để thuê thợ vá lại lưới và thay những tay lưới rách quá cỡ do quá trình hành nghề gặp phải.
Nằm cạnh đôi tàu cá anh Lang là tàu cá QNg 96374 TS của ngư dân Nguyễn Vỹ ở xã An Vĩnh. Sau một năm lênh đênh với sóng gió, tàu anh cũ đi nhiều, anh và các bạn thuyền đã quyết định trích 30 triệu đồng từ phiên biển vừa qua để đưa tàu lên đà sơn mới lại. Anh Vỹ chia sẻ, được “làm nước” tàu ngay quê hương mình là điều mà ngư dân chúng tôi mong đợi từ lâu, tuy nhiên cơ sở sửa chữa tàu trên đảo còn hạn chế về quy mô lẫn chất lượng, nên ngư dân chúng tôi mong sao một ngày không xa lĩnh vực hậu cần nghề cá trên đảo sẽ được đầu tư mạnh hơn.
Cơ sở sửa chữa tàu của ông Lê To là cơ sở đầu tiên trên đảo Lý Sơn nằm ngay Vũng neo trú tàu thuyền xã An Hải nên rất thuận lợi cho bà con ngư dân. Cơ sở sửa chữa tàu ra đời, cũng tạo điều kiện công ăn việc làm cho nhiều người. Ngoài người địa phương thì nhiều người làm nghề mộc trong đất liền cũng được thuê ra đây phục vụ.
Anh Nguyễn Văn Thanh quê huyện Tư Nghĩa chia sẻ: “Sau khi được chủ cơ sở là ông Lê To đặt vấn đề ra đảo phục vụ anh liền chấp thuận ngay. Mỗi ngày lao động tại cơ sở này anh có thu nhập khoảng 500 ngàn đồng (cao hơn 150 ngàn đồng so với các cơ sở sửa chữa tàu trong đất liền), mỗi tháng lao động tại cơ sở này khoảng 15-20 ngày, anh Thanh cũng có một khoản thu nhập không nhỏ để gửi về gia đình.
Ông Lê To- Chủ cơ sở sửa chữa tàu Lý Sơn cho biết, hiện nay trên đà của cơ sở ông có đến 14 tàu cá của ngư dân địa phương đang được sửa chữa, và nhiều tàu cá khác đang neo đậu dưới biển chờ để được lên đà “làm nước”. Do cơ sở còn nhỏ nên không thể đáp ứng được một lúc nhiều tàu thuyền được, nên tàu nào lên trước sẽ được thợ và ngư dân khẩn trương sửa chữa để sớm hạ thủy thay cho các tàu cá khác lên đà để tiếp tục thay “áo mới”.
Mùa sửa tàu năm nay, nhiều bà con ngư dân đảo Lý Sơn không còn đưa tàu vào đất liền nữa. Tuy quy mô và chất lượng cơ sở vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của ngư dân, song phần nào đã chứng minh cơ sở sửa chữa này đã giúp ngư dân tiết kiệm được chi phí mỗi năm và lĩnh vực hậu cần nghề cá ở đây đã đã bước đầu khởi sắc khi huyện đảo chính thức có điện lưới quốc gia.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi con đặc sản, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai thí điểm mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Trạm Bảo vệ thực vật Tp. Phan Thiết vừa tổ chức lớp tập huấn về phòng trừ ruồi đục trên quả thanh long cho 50 nông dân trên địa bàn xã Tiến Lợi, Tp. Phan Thiết.

Từ một dòng sông xanh trong, tàu bè tấp nập qua lại, trên sông còn có nhiều hộ nuôi cá bè quy mô lớn. Đến nay, sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (Tây Ninh) chỉ còn những đám lục bình trôi lấp mặt sông, với lác đác vài chiếc lồng nuôi cá vắng người chăm sóc.

Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế giỏi” đem lại hiệu quả thiết thực. Từ phong trào này, những người lính năm xưa lại tiếp tục phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận phát triển kinh tế.

Cà Mau là 1 trong 21 tỉnh, thành được chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) theo Quyết định 315 của Chính phủ. BHNN như nguồn động lực lớn khích lệ nông dân mạnh dạn đầu tư, tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm tính cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường