Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sử Dụng Phương Tiện Cơ Giới Trong Sản Xuất, Chế Biến Cà Phê Ở Hướng Hóa

Sử Dụng Phương Tiện Cơ Giới Trong Sản Xuất, Chế Biến Cà Phê Ở Hướng Hóa
Ngày đăng: 17/11/2014

Với tình hình giá cả xuống thấp như hiện nay, người trồng cà phê ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang tăng cường sử dụng các phương tiện cơ giới trong một số công đoạn sản xuất và chế biến để tiết giảm tối đa chi phí đầu tư cho vườn cây, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trong một vài năm trở lại đây, khi diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa bắt đầu bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ sản xuất thì nhu cầu tái canh cũng theo đó tăng mạnh. Nếu như khoảng 10 năm trước, để tái canh thì công đoạn nhổ bỏ cây già, làm đất, đào hố hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, thời gian kéo dài với chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến thu nhập thì nay những công việc đó gần như đã được thay thế bằng các phương tiện cơ giới.

Với diện tích cà phê lên đến 5.000 ha, chủ yếu là giống cà phê chè Catimor, trong đó gần 2.000 ha đã già cỗi cần phải được nhổ để tái canh thì nhu cầu sử dụng các phương tiện cơ giới trong khâu làm đất thời gian qua là rất lớn. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp là bài toán tất yếu trong việc tiết giảm chi phí đầu tư, cũng như chủ động được thời gian trong việc tái canh đúng mùa vụ. Gia đình ông Lý Hợp ở thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp có 1,5 ha cà phê trồng từ năm 1992, năm nay ông quyết định phá bỏ vườn cây để trồng mới.

Ông cho biết: “Trước đây để trồng mới vườn cà phê này, riêng khâu làm đất, đào hố cho 1,5 ha phải mất gần một tháng với 4 đến 5 nhân công làm việc liên tục, chi phí từ 15 đến 20 triệu đồng, ở thời điểm đó giá nhân công còn rẻ. Hiện nay nếu làm thủ công chắc chắn chi phí sẽ đội lên rất cao do giá nhân công cao hơn hẳn. Bây giờ chỉ cần gọi điện cho các chủ máy cày và chỉ trong vòng hai ngày là xong, nhanh gọn mà chi phí giảm đi gần một nửa”.

Cũng giống như ông Hợp, người trồng cà phê ở Hướng Hóa hiện nay muốn tái canh thì chỉ cần có yêu cầu là những người chuyên làm nghề sẽ dùng cưa máy để cắt bỏ cây già, sau đó máy cày sẽ tiến hành cày rạch hàng, nông dân chỉ tốn ít sức để nhổ bỏ phần rễ sau đó tiến hành cày ải đất.

Theo tính toán của nhiều nông dân thì riêng chi phí làm đất cho mỗi héc ta vào khoảng 6 đến 8 triệu đồng rẻ hơn từ 3 đến 4 triệu đồng so với cách dùng sức người như lâu nay, trong khi thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn 2 ngày thay vì cả tháng như trước. Tuy nhiên việc sử dụng máy móc chỉ phù hợp ở những vùng đất đai bằng phẳng, độ dốc thấp và diện tích lớn.

Việc cơ giới hóa trong khâu làm đất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng cà phê đã từng tái canh, nếu sử dụng máy cày thì đất sẽ tơi xốp hơn, các loại cỏ dại sẽ bị chôn sâu và đất được giữ ẩm tốt hơn giúp cho việc trồng xen các loại cây ngắn ngày như lạc, ngô…đạt năng suất cao hơn hẳn khi làm đất bằng phương pháp thủ công.

Không chỉ cơ giới hóa trong khâu làm đất, hiện nay người trồng cà phê ở Hướng Hóa đã bắt đầu sử dụng rộng rãi các loại máy làm cỏ trong khâu chăm sóc cà phê. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí nhân công trong điều kiện giá cà phê xuống thấp như hiện nay. Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn thay thế cách làm cỏ thủ công nhưng đây là dấu hiệu chứng tỏ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang được người dân tích cực ứng dụng.

Tỷ lệ thuận với các khâu trồng và chăm sóc, hoạt động chế biến cà phê cũng đang được cơ giới hóa nhiều công đoạn. Hiện huyện Hướng Hóa có 17 đại lý thu mua và chế biến cà phê với các loại máy móc hiện đại bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản lượng cà phê hàng năm của người dân trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, nhờ hệ thống giao thông đã phủ kín về tận 100% thôn bản nên việc vận chuyển cà phê đã được cơ giới hóa hoàn toàn, không còn cảnh người dân phải gùi cõng đến những trục giao thông chính để bán cho thương lái như trước. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Hướng Hóa thì tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất cà phê hiện nay đã lên đến khoảng 35 - 40%, trong đó cao nhất là ở các khâu làm đất, vận chuyển và chế biến. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong điều kiện Hướng Hóa là một địa phương vùng núi, địa hình chia cắt, khả năng tiếp cận các loại máy nông nghiệp hiện đại của người dân vẫn còn hạn chế.

Tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện mới. Từ lâu vấn đề này đã được sự quan tâm của toàn xã hội và cũng là xu thế mà nông dân nói chung, người trồng cà phê ở Hướng Hoá nói riêng đang hướng tới bởi tiết giảm được chi phí sản xuất trong khi hiệu quả kinh tế được nâng cao rõ rệt. Việc sử dụng các loại phương tiện cơ giới, thiết bị máy móc vào sản xuất, chế biến cà phê nói riêng và trong nông nghiệp nói chung sẽ giúp nông dân xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, hướng đến một nền sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88352


Có thể bạn quan tâm

Thái Lan có sản lượng tôm dự kiến đạt 210.000 tấn năm 2015 Thái Lan có sản lượng tôm dự kiến đạt 210.000 tấn năm 2015

Sản lượng tôm của Thái Lan sẽ không thể quay trở lại được mức cao trước đây do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh EMS/AHPND (dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành tôm nước này từ năm 2012) vẫn chưa được giải quyết triệt để.

10/08/2015
Đại hội Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận Đại hội Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận

Ngày 5/8/2015, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2015 - 2020) nhằm đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua, đề ra phương hướng nhiệm kỳ tới. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã tham dự Đại hội.

10/08/2015
Tập huấn bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP Tập huấn bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP

Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 8 năm 2015, tại thị trấn Phước Bửu – Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” cho 30 học viên là cộng tác viên khuyến nông, chủ trang trại và bà con nuôi tôm trong tỉnh.

10/08/2015
Hướng phát triển nào cho ngành nuôi thủy sản Thái Bình? Hướng phát triển nào cho ngành nuôi thủy sản Thái Bình?

Làm thế nào để người dân nâng cao hiệu quả và năng suất, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (ntts) tỉnh - đó là trăn trở của các cán bộ chuyên trách địa phương và của các chuyên gia lâu năm trong ngành ntts.

10/08/2015
Mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao Mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao

Vốn đầu tư thấp, tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác… là những lợi ích mang lại từ mô hình lúa - tôm kết hợp. Việc nhân rộng mô hình này đã giúp nông dân trong vùng chuyển đổi ổn định cuộc sống.

10/08/2015