Sử Dụng Lá Bạch Đàn Phòng Ngừa Bệnh Heo Tai Xanh

Cách pha trộn thức ăn với lá cây bạch đàn rất đơn giản, không chỉ phòng ngừa bệnh heo tai xanh hiệu quả mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí tiêm phòng vắc xin khá lớn.
Nhiều năm qua, anh Tạ Hoàng Thạch (sinh năm 1978) ở ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã sử dụng lá cây bạch đàn để ngừa bệnh heo tai xanh. Nhờ phương pháp này anh không phải mất cả trăm triệu đồng mỗi năm để mua vắc xin tiêm phòng cho trang trại heo nhà mình.
Anh Thạch kể: năm 2006, tình cờ có một cây bạch đàn ngã vào chuồng có heo đang bị bệnh cúm và chúng ăn những lá bạch đàn. Không ngờ những ngày sau đó, những con heo có ăn lá bạch đàn dần khoẻ mạnh và khỏi bệnh. Thấy vậy, anh Thạch liền áp dụng thử nghiệm. Bước đầu anh sử dụng 3kg lá bạch đàn cùng với 6 lít nước và đường cát rồi nấu trong thời gian 30 phút, để nguội pha với cám cho heo ăn liên tục. Kết quả là đàn heo của anh không bị nhiễm bệnh.
Sau đó, anh Thạch bắt đầu tạo ra các sản phẩm thức ăn phòng ngừa bệnh heo tai xanh bằng lá bạch đàn. “Nhờ kết hợp phương pháp phòng bệnh heo tai xanh bằng cách chế biến thức ăn pha trộn lá bạch đàn nên từ năm 2011 đến nay, không chỉ trang trại của tôi mà cả ở một số hộ sử dụng phương pháp này không hề xảy ra dịch bệnh trên đàn heo”- anh Thạch khẳng định.
Anh Thạch chia sẻ, cách pha trộn thức ăn với lá cây bạch đàn rất đơn giản, không chỉ phòng ngừa bệnh heo tai xanh hiệu quả mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí tiêm phòng vắc xin khá lớn. Để minh chứng điều đó, anh Thạch cho biết: “Từ khi tôi áp dụng phương pháp phòng bệnh này, trang trại của tôi đã tiết kiệm được khoảng 600 triệu đồng tiền mua vắc xin phòng ngừa bệnh tai xanh”.
Cũng ở ấp Phước Lễ, anh Vũ Hà Thu- một trong những người chăn nuôi heo được anh Thạch chia sẻ kinh nghiệm sử dụng lá bạch đàn để ngừa bệnh tai xanh cho biết: “Nhờ anh Thạch chỉ cách ứng dụng này mà hơn 2 năm nay đàn heo nhà tôi không bị bệnh tai xanh như trước nữa. Đặc biệt, từ lúc áp dụng phương pháp này, tôi không phải tốn tiền mua vắc xin heo tai xanh”.
Theo anh Thu, cách đây khoảng 3 năm, gia đình anh cũng như nhiều người chăn nuôi heo khác bị khốn đốn vì dịch heo tai xanh. Nay thì anh yên tâm hơn.
Mới đây, phương pháp phòng ngừa bệnh heo tai xanh bằng cách pha trộn lá bạch đàn vào thức ăn của anh Tạ Hoàng Thạch được Huyện đoàn Dương Minh Châu vận động đăng ký tham gia Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh năm 2012 - 2013. Rất mong các nhà khoa học nghiên cứu trường hợp này, để có kết luận chính xác giúp bà con nông dân
Có thể bạn quan tâm

Không biết từ khi nào, rau sắng đã trở thành món ăn nổi tiếng của núi rừng Hương Sơn, là món quà không thể thiếu của du khách thập phương mỗi khi hành hương về miền đất này.

Cù lao Tân Qui (xã An Phú Tân - huyện Cầu Kè, Trà Vinh) được mệnh danh là cù lao triệu phú. Bởi đây là “vương quốc” cây ăn trái của tỉnh Trà Vinh.

Trong vụ đông xuân 2013-2014, tỉnh Đồng Tháp bị ảnh hưởng khá nặng nề do muỗi hành gây hại với tổng diện tích trên 11.600ha. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự. Mức gây hại của muỗi hành cao nhất lên đến 70-80% diện tích, còn lại phổ biến ở mức 30-40%.

Tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ, hiện heo giống loại tốt có giá khoảng 1,3 triệu đồng/con (15-17 kg/con); còn loại xấu hơn có giá 1,1-1,2 triệu đồng/con. Giá heo giống tăng do gần đây giá heo hơi tương đối ổn định, người chăn nuôi có lời nên nhiều người dân có xu hướng tái đàn, phát triển nuôi heo trở lại.

Từ năm 1996, khi nghề trồng nấm được nhiều người quan tâm và thị trường tiêu thụ có nhu cầu khá dồi dào, ông Út tìm tòi học cách sản xuất meo giống nấm bào ngư qua nhiều kênh thông tin. Ông tận dụng phần đất vườn của gia đình trồng nấm bào ngư.