Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sử dụng kém hiệu quả đất nông lâm trường

Sử dụng kém hiệu quả đất nông lâm trường
Ngày đăng: 25/09/2015

Địa phương báo cáo hời hợt

Ngày 22.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông- lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014”.

Nông dân thu hoạch chè tại Nông trường chè Mộc Châu, Sơn La.

Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá: “Việc sử dụng đất nông- lâm trường kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực (tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông- lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng)”.

Nêu ý kiến về khoản đóng góp này, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng đây là con số đáng lo ngại.

“Trừ những diện tích đất không sử dụng thì các nông- lâm trường cũng có trong tay khoảng 2 - 3 triệu ha đất, nhưng nộp tất cả các loại thuế cho Nhà nước trong vòng 10 năm chỉ có hơn 1.800 tỷ đồng, chia ra mỗi năm là 180 tỷ đồng, đóng góp không bằng một nhà máy, hiệu suất đất đai thế này thì hỏng rồi.

Tính ra 1ha đất chỉ đóng 90.000 đồng, như vậy nhà nước chỉ thu được khoảng 10kg gạo loại thường thường” - ông Hiển nói.

Trưởng đoàn giám sát Ksor Phước cho rằng, con số đóng góp ngân sách trên ông thấy có nghi ngờ nhưng không có gì để bác bỏ. Cũng theo ông Ksor Phước, một số địa phương làm báo cáo hời hợt nên con số trên phải kiểm tra lại.

Thu hồi đất, giao cho dân

Báo cáo của Chính phủ đã nhận định, tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông- lâm trường, công ty nông- lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, trong thời gian dài và nhiều vụ việc phức tạp.

Có tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông- lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc (điển hình là một số nông- lâm trường ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và trên địa bàn Hà Nội).

“Hiện cả nước có 54 công ty nông- lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai, trong đó diện tích có tranh chấp  hơn 18.300ha; 76 đơn vị xảy ra tình trạng lấn chiếm, với diện tích gần 60.000ha; 34 đơn vị đang cho mượn, chuyển nhượng đất, với diện tích hơn 5.000ha; 6 đơn vị đang cho thuê lại đất với diện tích hơn 8.700ha” - ông Ksor Phước cho hay.

Để giải quyết những sai phạm trên, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang kiến nghị, cần phải tổ chức thanh tra xử lý vi phạm trong sử dụng đất đai của các nông- lâm trường trọng điểm, chủ yếu là ở khu vực Tây Nguyên. “Đề nghị Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì việc này, chúng tôi sẽ tham gia.

Tất nhiên chỉ làm trọng điểm, có lực lượng Thanh tra Bộ TNMT, lực lượng các địa phương và sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ thì mới xử lý được những tồn tại, vướng mắc và xử lý được những vi phạm” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, những năm qua về cơ bản nhiều nông- lâm trường làm ăn không hiệu quả, lãng phí rất lớn đất đai, tài nguyên:

"Lãng phí tài nguyên, lãng phí tiền của thì Chính phủ phải kiên quyết thu hồi. Về cơ bản, chúng ta không quản lý được đất đai nông- lâm trường. Phải yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi, giao lại đất cho  người dân canh tác”. 

Giai đoạn 2004 - 2014, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện 8 cuộc thanh tra có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông- lâm trường, phát hiện sai phạm về kinh tế 229 tỷ đồng và 679.056ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 126 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 103 tỷ đồng. 


Có thể bạn quan tâm

Hàng ngàn ha cây trồng bị hạn Hàng ngàn ha cây trồng bị hạn

Những ngày qua, nắng nóng kéo dài đã làm hàng ngàn ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) bị hạn. Hiện một số cây trồng như lúa, bắp, mì… của người dân đang bị khô héo từng ngày vì thiếu nước. Trong thời gian tới nếu nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ đại hạn và vụ mùa trắng tay là điều rất khó tránh khỏi.

29/08/2015
Bưởi da xanh đang lấn các cây trồng Bưởi da xanh đang lấn các cây trồng

Tại Giồng Trôm và Châu Thành, diện tích trồng mới bưởi da xanh (BDX) tăng rất nhanh trong 6 tháng đầu năm 2015, đã gần bằng diện tích BDX hiện có của TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre (khoảng 610ha). Ở nhiều nơi khác trong tỉnh, nhiều hộ dân cũng đang trồng mới BDX. Thực trạng này, nhiều người lo lắng, hiện việc tăng diện tích trồng BDX như thế có phá vỡ quy hoạch khi Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang được triển khai?

29/08/2015
Sẽ có nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh Vũng Liêm Sẽ có nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh Vũng Liêm

Mới đây, Hội Nông dân huyện Vũng Liêm được UBND tỉnh Vĩnh Long chấp thuận việc sử dụng độc quyền địa danh “Vũng Liêm” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Vũng Liêm”.

29/08/2015
Năng suất nhãn xuồng cơm vàng giảm Năng suất nhãn xuồng cơm vàng giảm

Thời điểm này, 60ha diện tích đất trồng nhãn tại vùng chuyên canh xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng đạt hơn 750 tấn. Theo một số hộ dân ở đây cho biết, năng suất giống nhãn xuồng cơm vàng đạt từ 8 - 9 tấn/ha giảm 1 tấn/ha so với cùng kỳ.

29/08/2015
Hạ Hòa Khắc Phục Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Đông Hạ Hòa Khắc Phục Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Đông

Trong những năm gần đây diện tích ngô vụ đông trên địa bàn huyện Hạ Hòa giảm dần. Nguyên nhân do yêu cầu khắt khe về thời vụ, ngô phải gieo trước ngày 30-9, trong khi đó lao động đi làm ăn xa, hoặc chọn công việc khác thu nhập cao hơn dẫn đến thiếu lao động khi vào mùa vụ. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch lúa mùa, gieo trồng ngô đông thường mưa nhiều nên cũng làm chậm tiến độ sản xuất.

27/11/2014