Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sốt Với Cây Hồ Tiêu

Sốt Với Cây Hồ Tiêu
Ngày đăng: 09/08/2013

Những năm gần đây, hồ tiêu là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Giá hồ tiêu luôn ở mức cao khiến nhiều hộ đua nhau mở thêm diện tích. Người chặt bỏ vườn cà phê, người tìm mọi cách phá rừng để lấy đất trồng hồ tiêu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo song người dân không mấy để tâm. “Cơn sốt” này được dự báo là sẽ đi kèm với nhiều rủi ro khó lường.

Cây hồ tiêu mới phát triển trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) trong một vài năm trở lại đây, nhưng đã nhanh chóng trở thành một loại cây trồng được ưa chuộng nhất hiện nay. Tổng diện tích hồ tiêu toàn huyện đã tiến đến con số 550ha và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Hầu như năm nào số diện tích hồ tiêu trồng mới cũng vượt trên 300% kế hoạch của huyện. Nguyên nhân khiến bà con nông dân liên tục mở rộng diện tích trồng mới là do trong trong thời gian qua, giá hồ tiêu luôn ở mức cao. Và như vậy, nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại phá bỏ vườn cà phê kém năng suất để thay thế bằng loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao này.

Nông dân Nguyễn Ngọc Thiện, ở thôn 7, thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi trồng thử hơn 500 trụ tiêu. Vụ thu hoạch vừa rồi, sau khi trừ đi chi phí đầu tư cũng thu được trên 200 triệu đồng tiền lãi. So với nhiều cây trồng khác như cà phê, điều, trồng tiêu hiệu quả hơn nhiều. Năm nay, gia đình tôi quyết định sẽ đầu tư thêm 200 triệu đồng để xuống giống khoảng 800 trụ tiêu nữa”.

Hơn một tháng qua, do nhu cầu tăng cao nên dây tiêu giống cũng không ngừng tăng giá. Nếu như trước đây, dây tiêu giống chỉ dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/dây, thì nay đã tăng lên 15.000 - 25.000 đồng/dây. Tuy nhiên, không phải người nào cũng tìm mua được dây tiêu giống vừa ý. Bà Phạm Thị Loan, một người trồng hồ tiêu ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) ngao ngán: “Gần một tháng nay, tôi dạo hết các vườn tiêu nhưng vẫn chưa mua được giống về ươm trồng. Cứ đến vườn tiêu ưng ý nào thì y như rằng nhận được câu trả lời đã có người đặt mua rồi. Kiểu này không biết tôi có kịp vụ không nữa”.

Ngoài “sốt” dây tiêu giống, giá đất nông nghiệp cũng không ngừng leo thang từng ngày. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại giá đất nông nghiệp trên thị trường tăng hơn 3 - 4 lần so với vài năm trước. Nhất là những vùng đất thích hợp để trồng cây hồ tiêu, với địa thế thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì giá càng được đôn lên cao đến 400 - 500 triệu đồng/ha. “Cơn sốt” đất trồng tiêu không ngừng leo thang khiến nhiều cánh rừng đã bị người dân triệt hạ không thương tiếc, điển hình là việc phá rừng thông phòng hộ ở huyện Mang Yang.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, thời gian gần đây đã có hơn 43ha rừng thông và đất lâm nghiệp bị 80 hộ chiếm (trong đó, có gần 35ha rừng thuộc vùng lõi bị lấn chiếm), thay vào đó là hàng chục vườn tiêu đã bắt rễ. Trước tình hình này, hạt đã có công văn gửi UBND huyện Mang Yang, đề nghị huyện chỉ đạo xã Đắk Djrăng và các cơ quan chức năng có liên quan của huyện tập trung phương án và tổ chức cưỡng chế, nhổ bỏ toàn bộ cây trồng trên diện tích 43ha đất bị lấn chiếm tại khu vực rừng thông thuộc các tiểu khu 499, 501, xã Đắk Djrăng. Thế nhưng, cho đến nay tình hình vẫn chưa ngã ngũ.

Giá tiêu tuy tăng cao nhưng thực tế nhu cầu về tiêu trên thế giới tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, nạn đốt phá rừng lấy đất trồng tiêu đã làm rừng bị xâm hại nghiêm trọng, gây nhiều tác hại đến môi trường.


Có thể bạn quan tâm

Giá Bưởi Năm Roi Tăng Cao Giá Bưởi Năm Roi Tăng Cao

Với sản lượng đưa ra thị trường khoảng 35.000 tấn bưởi/năm, sau khi trừ các khoản chi phí công chăm sóc, phân bón, thuốc trừ sâu… nông dân có thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, nhiều hộ canh tác hiệu quả có thu nhập từ 250- 300 triệu đồng/ha/năm.

14/03/2014
Sẽ Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Lòng Hồ Thủy Điện Đăk Đrinh Sẽ Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Lồng Trên Lòng Hồ Thủy Điện Đăk Đrinh

Huyện cũng đề nghị hỗ trợ thả 50 vạn giống cá các loại xuống lòng hồ thủy điện để tái tạo nguồn lợi thủy sản sau này giúp người dân vùng tái định cư thủy điện ở Đăk Nên phát triển “nghề” đánh bắt, nuôi thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, huyện cũng đã quy hoạch bến neo đậu tàu, thuyền và sau này sẽ trở thành bến cá.

14/03/2014
Hơn 10.000 Ha Tôm Thẻ Nuôi Tự Phát Ở Vùng Bắc Quốc Lộ 1A Hơn 10.000 Ha Tôm Thẻ Nuôi Tự Phát Ở Vùng Bắc Quốc Lộ 1A

Từ năm 2013 đến nay, Sở NN&PTNT đã nhiều lần gởi công văn đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về vấn đề này, nhưng tỉnh vẫn chưa nhận được câu trả lời.

14/03/2014
Agribank Tiếp Sức Cho Ngư Dân Bám Biển Agribank Tiếp Sức Cho Ngư Dân Bám Biển

Quá trình đầu tư để phát triển các phương tiện đánh bắt cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá trong những năm qua tại Quảng Trị có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị).

06/10/2014
Nông Sản Với Bài Toán Nông Sản Với Bài Toán "Giành" Và "Giữ" Thị Trường

Nông sản xuất khẩu Việt Nam vừa liên tiếp nhận tin vui: Sau khi Nga quyết định mở cửa trở lại cho bảy doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đến lượt Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định từ ngày 6-10, Việt Nam sẽ được xuất khẩu thêm nhãn, vải và có thể sẽ tiếp tục là vú sữa, xoài...

06/10/2014