Sốt cau non bán sang Trung Quốc

Ngày nào các thương lái cũng lùng sục vườn cau ở các địa phương miền Trung để mua cau non. Giá cau từ 10.000 đồng/buồng đã tăng lên gấp 3 lần, nhiều người bán cả vườn cau cho thương lái.
Mua cau làm kẹo?
Nhà ông Trần Hải (ngụ xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có 2 hàng cau khoảng 20 cây trồng làm cảnh.
Mọi năm không thấy ai mua, năm nay, thương lái cứ nườm nượp kéo đến. Giá cau theo đó cũng tăng dần, đến nay, mỗi buồng có giá khoảng 20.000 đồng.
Ngay từ tháng 12-2014, các thương lái đã đến nhà bà Nguyễn Thị Năm (ngụ xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) đặt cọc với giá 200.000-300.000 đồng/cây cau/năm.
Cau ra buồng nhiều họ lợi, mất mùa thì thương lái chịu. Nghe xuôi tai nên bà Năm bán luôn cả vườn cau cho thương lái.
Cau non sau khi sấy sẽ được bán sang Trung Quốc và một bì kẹo cau.
Tại một điểm thu mua cau non trên Quốc lộ 1 ở xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, cảnh mua bán diễn ra nhộn nhịp.
Bà Nguyễn Thị Rọ, chủ điểm thu mua ở xã Diên Thạnh, cho hay từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày thu mua từ 1-2 tấn cau non rồi bán lại cho tư thương, kiếm lời mỗi tháng từ 5-10 triệu đồng.
“Cau thu mua phải là cau non, có nước thì mới sấy được để làm kẹo cau” - bà Rọ nói.
Ông Lê Thanh Minh (ngụ xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), chủ điểm thu mua, cho biết: “Cau sau khi tập kết sẽ được sấy khô, rồi bán sang Trung Quốc. Chúng tôi chỉ là điểm thu mua và ăn hoa hồng. Nghe họ nói để làm kẹo cau thôi chứ sao biết thực hư là gì”.
Ông Nguyễn Văn Linh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão, tỉnh Bình Định - xác nhận khoảng 1 tháng qua, thương lái khắp nơi đổ về địa phương thu mua cau bán lại cho Trung Quốc nên giá cau tăng vọt.
Hiện giá cau ở đây là 18.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với những năm trước.
Toàn huyện An Lão hiện có 68 ha cây cau đang thời kỳ thu hoạch trái, bình quân 3.000 cây cau/ha, cho thu hoạch khoảng 15 kg trái/cây/năm.
Đây cũng là địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh Bình Định. Không riêng gì An Lão, thương lái còn đến các huyện lân cận như Hoài Ân, Hoài Nhơn để mua cau.
Coi chừng vỡ nợ!
Các thương lái sau khi thu mua sẽ chuyển cau non đến một “lò” chế biến để tách buồng, luộc chín, sấy khô 5 ngày trước khi đóng bao xuất bán sang Trung Quốc.
Lò cau lớn nhất ở huyện Diên Khánh nằm tại xã Diên Bình với gần chục người làm.
Chủ “lò” này là bà Đồng Thao (quê xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cho biết
“Cau sấy khô sẽ được chất lên xe tải đưa đến cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) rồi xuất qua Trung Quốc”. Để chứng tỏ Trung Quốc mua cau để làm kẹo, bà Thao cho chúng tôi xem vỏ bì đựng kẹo làm từ cau bằng chữ Trung Quốc.
“Làm ăn với Trung Quốc bấp bênh lắm, phải dè chừng. Năm 2013, tôi bị tồn hơn 50 tấn cau, mất gần 700 triệu vì thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng.
Bây giờ, tôi cũng rút kinh nghiệm rồi, thậm chí phải lấy tiền trước mới mua cho họ” - bà Thao nói.
Ông Lại Văn Tài, Phó Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, khuyến cáo dù giá cao sẽ có lợi nhưng người dân cần thận trọng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Linh, việc thương lái Trung Quốc thu mua cau là rất bất thường, không ổn định.
“Cách đây vài năm, thương lái Trung Quốc cũng triển khai một đợt mua cau ồ ạt rồi sau đó dừng luôn, khiến nhiều người trồng cau phát triển thêm diện tích và phải chặt bỏ.
Việc này chúng tôi cũng đã từng khuyến cáo bà con nhưng nhiều người không nghe” - ông Linh lo lắng.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2010, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1973) ở ấp 4, xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên (Bình Dương) đã mạnh dạn chuyển một phần đất trên diện tích cao su của gia đình sang trồng dưa leo, khổ qua. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Hùng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ năm 2011, khi các Dự án về nuôi cá giòn được triển khai ở địa phương, các chủ hộ được tập huấn kỹ thuật luyện cá nuôi thường (cá trắm và chép) thành cá giòn, đã giúp người dân nuôi hiệu quả hơn và nghề này ngày càng phát triển.

Để bảo vệ vườn chuối, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị địa phương tổ chức tập huấn cho người trồng chuối về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại chuối, đồng thời tiến hành áp dụng mô hình trồng chuối cao sản để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Đến thời điểm này, vụ vải thiều năm 2014 đã kết thúc. Theo tổng hợp của ngành chức năng, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 191 nghìn tấn, tăng hơn 60 nghìn tấn so với năm 2013.

Một trong những hộ nuôi ong mật thành công trên địa bàn huyện là là anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Tân Tiến. Hiện anh Thanh đang sở hữu khoảng 1.000 thùng ong với 6 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật và anh là thành viên của hội nuôi ong tại địa phương.