Sống Khỏe Nhờ Trồng Lúa, Nuôi Gà

Với diện tích gần 8.000m2 đất lúa, gia đình anh Nguyễn Văn Song (ấp Hà Đức, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) áp dụng khoa học- kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nên lợi nhuận mang lại khá cao, đời sống gia đình luôn đủ ăn, khấm khá dần lên.
Bắt đầu từ năm 2011, khi huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa và tham quan thực tế, anh Song đã mạnh dạn áp dụng biện pháp sử dụng hợp lý phân bón, kết hợp dùng chế phẩm vi sinh phòng ngừa sâu bệnh, dịch hại. Kết quả, 2 vụ liên tiếp trong năm cho thu hoạch trên 10 tấn/ha, với giá lúa thị trường ở mức thấp (4.500 - 5.000 đồng/kg) anh Song vẫn có lãi khá từ 12 - 18 triệu đồng/ha. Từ đó, anh Song áp dụng kiểu canh tác này và hướng dẫn bà con hàng xóm làm theo.
Chỉ tính riêng việc sử dụng phân hợp lý, bón đúng, bón đủ và hạn chế dùng thuốc trừ sâu như trước đây, anh Song đã giảm gần 3 triệu đồng/ha, điều ấy đồng nghĩa với việc lợi nhuận gia tăng thêm 3 triệu đồng so với kiểu canh tác cũ. Mặt khác, nhờ canh tác khoa học nên cá thiên nhiên, cá đồng xuất hiện nhiều trên đồng lúa, anh giăng lưới, thả câu cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày.
Bước sang năm 2012, lợi nhuận từ trồng lúa lại gia tăng chủ yếu nhờ thay đổi cơ cấu giống. Vụ 1 anh Song canh tác lúa thơm ngắn ngày, vụ 2 anh cấy giống lúa tài nguyên địa phương. Cuối năm, trừ hết chi phí anh lãi thuần hơn 25 triệu đồng (chưa kể dành hàng trăm kg lúa dư nuôi đàn gà, vịt trên 100 con). Trong khi nhiều gia đình tìm mối bán lúa khó khăn thì gia đình anh Song có đầu mối tiêu thụ ổn định. Lý do theo anh cho biết là chọn giống tốt, ứng dụng canh tác hợp lý, hạt lúa no, sáng rực, thương lái mua vào, chà lúa đạt tỷ lệ gạo cao hơn nên họ luôn ưu tiên mua lúa của anh.
Thấy anh làm ăn tốt, Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu phối hợp Hội Nông dân đã đầu tư mô hình nuôi gà ta tại nhà anh Song, sử dụng thức ăn tận dụng chủ yếu từ lúa. Trồng lúa, nuôi gà giúp gia đình anh Song thu lãi chung hàng năm trên 30 triệu đồng. Hiện đàn gà anh Song đang gia tăng số lượng, anh tự nhân giống tại chỗ, lứa nhỏ nối lứa lớn, duy trì ở mức vài trăm con/lứa, được hậu thuẫn từ đám lúa ngoài đồng, đàn gà no béo và dễ bán.
Từ mô hình trồng lúa, nuôi gà ta ăn nên làm ra của anh Song, Huyện đoàn Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã tổ chức cho nhiều nhóm đoàn viên thanh niên tham quan, học hỏi và khuyến cáo nhân rộng mô hình hữu hiệu trên.
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này, hồ chứa nước Thới Lới ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã xuống đến mực nước “chết”. Còn các giếng nước trên huyện đảo này hầu như bị nhiễm mặn khiến 130 ha hoa màu có khả năng bị hạn…

Khoảng 4 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở xã Thụy Liên (Thái Thụy - Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình anh Bùi Sỹ Trạng, thôn Cam Ðoài đang cho thu nhập rất ổn định, bình quân thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười nhìn thấy một biểu giá đi lên của loại thịt đại gia súc này: “Năm 1980, giá thịt bò chỉ bằng nửa giá thịt heo. Năm 1990, giá thịt bò bằng thịt heo. Năm 2000 giá đã gấp đôi, và đến năm 2010 thì đã gấp 4 lần!”.

Mấy năm trước, trong chuyến đi Quảng Trạch (Quảng Bình) nghe giới thiệu giống lúa mới, anh Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình (TCTNNQB) cho biết cùng với giống lúa, công ty đang tìm kiếm giống lạc mới nhằm thay thế giống lạc cũ năng suất quá thấp… Bước đầu công ty đã lai tạo được giống SVL1 bắt đầu trồng thử nghiệm...

Từ năm 2005 đến nay, huyện Tuy Phước (Bình Định) đã triển khai khá tốt Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp (DA WB3), phủ xanh rừng trồng trên đất trống, đồi núi trọc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.