Sống Khỏe Nhờ Trồng Lúa, Nuôi Gà

Với diện tích gần 8.000m2 đất lúa, gia đình anh Nguyễn Văn Song (ấp Hà Đức, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) áp dụng khoa học- kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, nên lợi nhuận mang lại khá cao, đời sống gia đình luôn đủ ăn, khấm khá dần lên.
Bắt đầu từ năm 2011, khi huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa và tham quan thực tế, anh Song đã mạnh dạn áp dụng biện pháp sử dụng hợp lý phân bón, kết hợp dùng chế phẩm vi sinh phòng ngừa sâu bệnh, dịch hại. Kết quả, 2 vụ liên tiếp trong năm cho thu hoạch trên 10 tấn/ha, với giá lúa thị trường ở mức thấp (4.500 - 5.000 đồng/kg) anh Song vẫn có lãi khá từ 12 - 18 triệu đồng/ha. Từ đó, anh Song áp dụng kiểu canh tác này và hướng dẫn bà con hàng xóm làm theo.
Chỉ tính riêng việc sử dụng phân hợp lý, bón đúng, bón đủ và hạn chế dùng thuốc trừ sâu như trước đây, anh Song đã giảm gần 3 triệu đồng/ha, điều ấy đồng nghĩa với việc lợi nhuận gia tăng thêm 3 triệu đồng so với kiểu canh tác cũ. Mặt khác, nhờ canh tác khoa học nên cá thiên nhiên, cá đồng xuất hiện nhiều trên đồng lúa, anh giăng lưới, thả câu cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày.
Bước sang năm 2012, lợi nhuận từ trồng lúa lại gia tăng chủ yếu nhờ thay đổi cơ cấu giống. Vụ 1 anh Song canh tác lúa thơm ngắn ngày, vụ 2 anh cấy giống lúa tài nguyên địa phương. Cuối năm, trừ hết chi phí anh lãi thuần hơn 25 triệu đồng (chưa kể dành hàng trăm kg lúa dư nuôi đàn gà, vịt trên 100 con). Trong khi nhiều gia đình tìm mối bán lúa khó khăn thì gia đình anh Song có đầu mối tiêu thụ ổn định. Lý do theo anh cho biết là chọn giống tốt, ứng dụng canh tác hợp lý, hạt lúa no, sáng rực, thương lái mua vào, chà lúa đạt tỷ lệ gạo cao hơn nên họ luôn ưu tiên mua lúa của anh.
Thấy anh làm ăn tốt, Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu phối hợp Hội Nông dân đã đầu tư mô hình nuôi gà ta tại nhà anh Song, sử dụng thức ăn tận dụng chủ yếu từ lúa. Trồng lúa, nuôi gà giúp gia đình anh Song thu lãi chung hàng năm trên 30 triệu đồng. Hiện đàn gà anh Song đang gia tăng số lượng, anh tự nhân giống tại chỗ, lứa nhỏ nối lứa lớn, duy trì ở mức vài trăm con/lứa, được hậu thuẫn từ đám lúa ngoài đồng, đàn gà no béo và dễ bán.
Từ mô hình trồng lúa, nuôi gà ta ăn nên làm ra của anh Song, Huyện đoàn Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã tổ chức cho nhiều nhóm đoàn viên thanh niên tham quan, học hỏi và khuyến cáo nhân rộng mô hình hữu hiệu trên.
Có thể bạn quan tâm

Cười rất tươi, anh bảo: “Lúa vừa thu hoạch xong đã có thương lái thu mua ngay tại ruộng. Giống lúa lai của Bayer này tốt lắm, cho năng suất tới 1 tấn 300 kg/công (khoảng 10 tấn/ha) nên tổng thu được 30 tấn. Với giá bán tại ruộng là 4.400 đồng/kg, tôi có 132 triệu đồng, trừ chi phí phân, thuốc, công… còn lời 100 triệu”.

Với tổng diện tích cây tiêu trên địa bàn 2.567 ha, trong đó, diện tích tiêu kinh doanh khoảng 2.200 ha với tổng sản lượng hàng năm dao động từ 7.000 tấn đến 9.000 tấn, Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Lãnh đạo huyện Chư Pưh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện tập trung phát triển bền vững cây hồ tiêu trở thành thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện trong tương lai.

Hiện, huyện Bắc Hà đã gieo trực tiếp được 19,3 ha cây đương quy tại các xã: Nậm Mòn (6ha), Na Hối (5ha), Tà Chải (2ha), Lùng Phình (5ha), Bản Già (1,3ha). Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện đã gieo ươm được hơn 1,3 triệu cây đương quy giống, đủ trồng diện tích còn lại trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 1991, diện tích lúa lai cả nước chỉ khoảng 100ha. Đến nay con số này đạt trên 600.000 ha. Cũng theo báo cáo sơ kết mô hình thí điểm trong vụ Đông Xuân 2014 vừa qua, nông dân sản xuất giống lúa lai F1 thu lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha.

Năm nào cũng thế, cứ đến mùng 7 Tết là làng nghề trồng rau Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam) lại tưng bừng tổ chức lễ hội cầu bông. Dù là hội làng nhưng năm nào du khách cũng đến đông nghịt. Chính vì thế, là làng nghề chuyên làm nông nhưng nay người dân trong làng lại làm giàu bằng... du lịch.