Sơn Tân mất mùa điều

Năng suất thấp
Chị Cao Thị Thảo (thôn Suối Cốc) cho biết, gia đình chị đã gắn bó với cây điều từ năm 1998 đến nay. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, cây điều sai quả, thu nhập từ vườn điều khá cao. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị bớt vất vả. Thế nhưng năm nay, vườn điều chỉ cho quả lưa thưa. “Nắng hạn, việc chăm sóc cây điều cũng gặp khó khăn, cây ra hoa ít, ngọn thì bị khô chết; trong khi đó sâu bệnh lại nhiều, hoa không thể đậu quả. Với diện tích hơn 1ha, những năm trước gia đình tôi có thể thu được đến 2 tấn điều, nhưng năm nay chỉ được 700 - 800kg, với giá bán hiện nay thì cả vụ gia đình tôi chỉ thu được khoảng 15 - 16 triệu đồng”, chị Thảo nói.
Gia đình anh Tro Tên (thôn Valy) đã 17 năm gắn bó với cây điều. Anh Tên chia sẻ: “Đầu vụ, nông dân chúng tôi rất vui vì giá điều cao hơn so với năm trước (22.000 đồng/kg, năm trước chỉ 15.000 đồng/kg). Thế nhưng, những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3 thì gặp nắng hạn, lại bị sương muối nên phần lớn diện tích đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả bị rụng hoa, thối quả”. Theo ước tính của anh Tên, năm nay năng suất điều giảm khoảng 60 - 70%, dự kiến chỉ thu được khoảng 1,5 tấn, tương đương khoảng 33 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 10 triệu/ha, anh thu lãi chỉ 6,5 triệu đồng/ha. “Hiệu quả cây điều mang lại ngày càng thấp nên tôi tính chuyển đổi 1ha sang trồng keo có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều hộ khác cũng đang tính bỏ cây điều để trồng keo, mì”, anh Tên cho biết.
Chuyển đổi giống cây trồng
Xã Sơn Tân hiện có 258 hộ dân; trong đó có đến 95% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương khá lớn với hơn 44,5% số hộ trong xã. Theo thống kê của địa phương, có đến 60% số hộ dân trồng điều, cuộc sống chủ yếu trông chờ vào cây điều. Năm nay điều mất mùa đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều hộ dân trong xã, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ khó khăn. Chị Cao Thị Thảo cho biết: “Vài năm được mùa, cứ tưởng cuộc sống khó khăn rồi sẽ qua đi, ai ngờ điều mất mùa. Tôi chưa biết phải làm gì để lo cho cuộc sống gia đình với 5 miệng ăn”.
Được biết, điều là một trong những cây trồng chủ lực của xã Sơn Tân. Tuy nhiên, diện tích điều tại địa phương đang giảm dần, từ 400ha nay chỉ còn khoảng 300ha. Diện tích điều chủ yếu được nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như keo, mì. Ông Cao Minh Sao - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết: “Cây điều là một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, giống điều được trồng chủ yếu là giống cũ, cây trồng đã lâu năm nên năng suất không cao. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh đã khiến hiệu quả cây điều mang lại thấp. Hiện nay, một số hộ dân đã chuyển đổi giống điều cũ sang giống điều ghép cho năng suất cao hơn. UBND xã đã kiến nghị huyện cho phép chuyển đổi diện tích điều giống cũ sang trồng giống điều ghép”.
Trước hiệu quả của cây điều ngày càng thấp, việc chuyển đổi giống cây trồng cũng như giống điều được địa phương xác định là việc làm cần thiết nhằm tránh tình trạng tái nghèo trong các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn vậy, địa phương cần sự trợ lực từ cấp trên và ngành nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) đã tập trung chỉ đạo, động viên bà con ngư dân tích cực đầu tư, nâng cấp phương tiện đánh bắt hải sản nhằm nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, toàn phường có 217 phương tiện đánh bắt hải sản các loại, với tổng công suất 54.000 CV, số lao động trực tiếp đi biển là 1.900 người.

Thấy rõ vấn đề trên Hội Nông dân huyện Nga Sơn đã chủ động phối hợp với Hội Làm vườn và Trang trại huyện tổ chức tuyên truyền, vận động và mở các đợt tập huấn, giúp hội viên nông dân nắm vững kiến thức bảo vệ môi trường và áp dụng công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Khoa học và Công nghiệp (KH&CN) Việt Nam cần bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của cả doanh nghiệp đầu tư và bà con nông dân cho doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp.

Hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, khép kín; hệ thống bể sản xuất và ương giống xây dựng theo kiểu nhà kính… Dự kiến, cuối năm 2015 sẽ đưa vào hoạt động, công suất 720 triệu post 12/năm, cung ứng khoảng 70% nhu cầu nuôi cho người nuôi ở vùng Ngũ Điền.

Năm 2014, từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, Trung tâm KNKN Vĩnh Phúc phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Bình Xuyên triển khai mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng từ tháng 4 - 10/2014, với quy mô 10.000 con/100 m3 lồng, cỡ cá giống khi thả là 240 con/kg.