Sơn Dương (Tuyên Quang) Chú Trọng Thâm Canh Mía

Phát triển vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã và đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư thâm canh, phát triển vùng nguyên liệu mía.
Thực hiện kế hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu, hàng năm UBND huyện phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, tập trung điều tra, khảo sát diện tích đất có thể trồng được mía để lập kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị, các xã vùng nguyên liệu mía triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra.
Phát triển diện tích, giống mía và vật tư là các khâu quan trọng. Niên vụ 2013 - 2014, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã điều chuyển, cung ứng 5.988 tấn mía giống; 9.500 tấn phân vi sinh hữu cơ; 5.200 kg thuốc bảo vệ thực vật để xử lý đất và bố trí 20 máy làm đất để hỗ trợ bà con.
Cùng với đó công ty cũng phân công cán bộ nông vụ, hướng dẫn các hộ gia đình trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại mía. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu cho vùng sản xuất mía trên địa bàn huyện năm 2014 là 41,7 tỷ đồng.
Kết quả, năm 2014, toàn huyện đã trồng mới được 887,34 ha, nâng tổng số diện tích mía toàn huyện lên 3.517,1 ha. Trong đó, có 2.400 ha là các giống mía có chất lượng cao, chiếm 68,2% tổng diện tích mía hiện có, với các giống: Roc 10; Viên lâm 6; Roc 22; Liễu hành; QD 21; QD 15; YT 006... Hiện một số diện tích mía chín sớm đã cho thu hoạch, năng suất mía đồi ước đạt 51,2 tấn/ha, riêng mía soi bãi, ruộng 1 vụ ước đạt trên 56 tấn/ha, tăng 0,9 tấn/ha so với năm 2013 và ước sản lượng toàn vùng đạt khoảng 182.853 tấn.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng nguyên liệu mía thiếu tính ổn định, không tập trung, làm tăng chi phí đầu tư sản xuất, vận chuyển; một số giống mía năng suất, chất lượng thấp do không phù hợp thổ nhưỡng...
Hiện nay diện tích trồng trên đất đồi là 2.974 ha, chiếm 84,5%. Cùng với đó là diện tích mía phế canh còn rất cao, với 1.157,7 ha, chiếm 32,9% tổng diện tích, tập trung ở các xã: Tuân Lộ, Đại Phú, Đông Lợi, Phú Lương, Hợp Hòa, Văn Phú, Sơn Nam, Hào Phú. Bên cạnh đó, là những vướng mắc trong thu mua, vận chuyển nguyên liệu, thanh toán vẫn còn xảy ra khá phổ biến làm ảnh hưởng đến tâm lý người trồng mía và khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu.
Để tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh đạt 4.317 ha vào năm 2015, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển vùng mía nguyên liệu, huyện và Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng vấn đề về giống, vật tư; xây dựng mô hình thâm canh trên từng loại đất, chuyển đổi cơ cấu giống mía, lựa chọn mía giống năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn để đưa vào sản xuất thay thế các giống cũ năng suất thấp, chất lượng kém; áp dụng các biện pháp bảo đảm không để thiếu mía giống trên diện rộng; khuyến khích, nhân rộng mô hình câu lạc bộ 80 tấn/ha tại các xã vùng nguyên liệu.
Riêng đối với việc thu mua, vận chuyển mía, huyện cũng đã làm việc với các địa phương, ngành chức năng gồm: Công an, Đội Quản lý thị trường kiểm tra ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp thu mua, vận chuyển mía không đúng hợp đồng, vi phạm vùng quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Giá tôm thẻ chân trắng năm 2013 tại ĐBSCL, đặc biệt ở Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… chạm mốc kỷ lục 200.000 đ/kg. Người nuôi tôm lời hàng trăm triệu đồng chỉ sau 3 tháng thả nuôi. Con tôm thẻ chân trắng đã “soán ngôi” con tôm sú về năng suất, sản lượng.

Mục tiêu của Dự án là cải tiến, nâng cao chất lượng đàn bò thịt tại Bến Tre nhằm đưa cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao từ 3% (năm 2010) lên 15% (năm 2015), góp phần làm thay đổi cơ cấu giống bò, hình thành ngành sản xuất chăn nuôi bò thịt.

Rời quê hương Bắc Giang với hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Văn Minh (khu phố Ba Đình, thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên - Bình Dương) đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai để lập nghiệp. Với mô hình VAC (vườn - ao - chuồng), hàng năm ông Minh đã thu được tiền tỷ và là một trong những gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 5 năm liền của tỉnh.

Thời gian qua, việc mạnh dạn chuyển đổi vật nuôi, cây trồng không chỉ làm đa dạng mô hình sản xuất mà nó còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những ngày biển động, khi nhiều tàu đánh bắt nằm im gối bờ thì tàu đánh bắt cá chuồn, cá mập của ngư dân Nghĩa An (Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) bắt đầu vào "mùa làm ăn". Công việc nguy hiểm, thời tiết không được thuận lợi, nhưng bù lại cho những nhọc nhằn là phiên biển "trúng đậm".