Sốc Với Giá Bưởi Da Xanh

Trong khi hàng loạt trái cây như thanh long, chôm chôm, mít, nhãn, vải, xoài… rớt giá, thì nông dân trồng bưởi da xanh lại đang “hốt bạc” vì giá bán tại vườn lên tới 50.000 - 60.000 đ/kg!
Chúng tôi tìm đến trang trại trồng bưởi da xanh rộng 14 ha của chị Nguyễn Thanh Thủy, ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Khu nhà xưởng của chị mới xây khang trang, nằm giữa vườn bưởi gần 20 năm tuổi trĩu quả.
Đang vào thời kỳ thu hoạch nên rất nhiều người tập trung cắt bưởi, cho vào thùng nhựa đưa lên những chiếc xe rùa (xe cút kít) chuyển vào kho.
Trong xưởng, các nữ công nhân đang thoăn thoắt dán logo thương hiệu “Bưởi da xanh Thanh Thủy” cho vào túi lưới, đóng thùng, đóng kiện chuẩn bị xuất cho hệ thống siêu thị Metro ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội…
Chị Thủy cho biết, giá bưởi da xanh đang nóng lên từng ngày, nếu như tháng 4/2014 bán cho Metro là 50.000 đ/kg (bưởi từ 1,3 kg/trái trở lên) thì sang trung tuần tháng 5 và đầu tháng 6 đã lên 60.000 đ/kg. Ngoài thị trường, giá bưởi da xanh bán cho người tiêu dùng lên tới 80.000 – 90.000 đ/kg.
Theo chị Thủy, nguyên nhân giá tăng mạnh là do nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tiêu dùng rất lớn, trong khi đó thị trường XK bưởi da xanh cũng ngày càng gia tăng. Ngoài ra, do thời gian này là trái mùa, sản lượng bưởi da xanh rất thấp, chỉ những nhà vườn biết áp dụng kỹ thuật, tạo được mùa nghịch thì mới có trái bưởi thu hoạch bán vào thời điểm sốt giá này.
Việc hợp tác giữa các đơn vị thu mua, DN tổ chức sản xuất cung ứng và nông dân tại nhiều nơi đang giúp cho cây bưởi da xanh ngày càng có hiệu quả kinh tế cao.
Để tiếp tục năng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh, trang trại của chị Thủy đang chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGap và GlobalGap.
Đặc biệt trong quá trồng bưởi chị đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất phân vi sinh (làm từ phân gà) dành riêng bón cho cây bưởi da xanh; áp dụng kỹ thuật nải lá, điều khiển bưởi ra trái vụ, tăng năng suất đáng kể trong cùng một đơn vị đất nông nghiệp.
Năng suất bưởi da xanh của trang trại chị Thủy hiện đạt từ 25 - 30 tấn/ha/năm, có thời điểm đạt 40- 45 tấn bưởi/ha/năm. Hiện trung bình mỗi năm chị Thủy cung cấp cho thị trường khoảng 400 tấn bưởi thương phẩm và hàng vạn cây giống chất lượng cao.
Tương tự, anh Huỳnh Văn Thanh Phước, ngụ ấp 3, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, bưởi da xanh đang có giá bán rất tốt, giúp nhiều hộ có được thu nhập cao.
Chỉ riêng Chi Hội Nông dân ấp 3 do anh Phước làm Chi hội trưởng đã có 20 ha bưởi da xanh, trong đó có 10 ha đang cho trái bán. Theo anh Phước thì nhà anh có 1 ha bưởi da xanh, năng suất dự kiến đạt 30 tấn, giá bán khoảng 50.000 đ/kg, anh thu được bạc tỷ.
Theo tìm hiểu của PV, khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ bưởi da xanh tăng rất mạnh, đã có nhiều công ty trong nước cũng như nước ngoài về đầu tư như: Cty Hương bưởi Miền Tây, Cty Sài Gòn Metro…
Các đơn vị này phối hợp với các DN cử kỹ sư về tận vườn để hướng dẫn cho nông dân từ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, cách thu hái, tới cách thu mua đóng gói, bao bì, nhãn mác và kiểm tra chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn XK.
Có thể bạn quan tâm

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có từ 40-60 sản phẩm địa phương được thương mại hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các nghề nuôi, trồng đưa những loại đặc sản trở thành thương phẩm trên thị trường. Trong số đó, có nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất (Hoành Bồ).

Tận dụng trong mùa lũ nguồn cua đồng ngoài tự nhiên dễ tìm và giá thấp, nhiều nông dân ở ấp Khánh Nhơn và Khánh An, xã Tân Khánh Trung đầu tư mua cua và nuôi giữ đợi đến thời điểm giá cua lên cao mới thu hoạch. Hầu hết những nông dân thực hiện mô hình này đều có kinh nghiệm nuôi cua từ một vài năm trước nên có sự chuẩn bị tương đối tốt cho vụ nuôi năm nay.

Vụ bí đỏ năm nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được mùa, nhưng người trồng bí lại lỗ nặng vì giá quá rẻ. Hàng chục nghìn tấn bí đã thu hoạch từ hơn nửa tháng nay đang nằm chất đống, một lượng không nhỏ có nguy cơ bị thối…

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn ngoại thuộc quy mô nhất huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) của anh Trịnh Quốc Huy, sinh năm 1958, ở thôn 1 Bình Hòa, xã Cẩm Bình, mới thấy rõ được tiềm năng to lớn của đất đai vùng sơn cước khi được đầu tư đúng hướng.

Với ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Lãng ở xóm 12, xã Kim Định (huyện Kim Sơn - Ninh Bình) đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm linh chi đem lại hiệu quả kinh tế cao với trên 200 triệu đồng/vụ.