Sốc Với Giá Bưởi Da Xanh

Trong khi hàng loạt trái cây như thanh long, chôm chôm, mít, nhãn, vải, xoài… rớt giá, thì nông dân trồng bưởi da xanh lại đang “hốt bạc” vì giá bán tại vườn lên tới 50.000 - 60.000 đ/kg!
Chúng tôi tìm đến trang trại trồng bưởi da xanh rộng 14 ha của chị Nguyễn Thanh Thủy, ở ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Khu nhà xưởng của chị mới xây khang trang, nằm giữa vườn bưởi gần 20 năm tuổi trĩu quả.
Đang vào thời kỳ thu hoạch nên rất nhiều người tập trung cắt bưởi, cho vào thùng nhựa đưa lên những chiếc xe rùa (xe cút kít) chuyển vào kho.
Trong xưởng, các nữ công nhân đang thoăn thoắt dán logo thương hiệu “Bưởi da xanh Thanh Thủy” cho vào túi lưới, đóng thùng, đóng kiện chuẩn bị xuất cho hệ thống siêu thị Metro ở TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội…
Chị Thủy cho biết, giá bưởi da xanh đang nóng lên từng ngày, nếu như tháng 4/2014 bán cho Metro là 50.000 đ/kg (bưởi từ 1,3 kg/trái trở lên) thì sang trung tuần tháng 5 và đầu tháng 6 đã lên 60.000 đ/kg. Ngoài thị trường, giá bưởi da xanh bán cho người tiêu dùng lên tới 80.000 – 90.000 đ/kg.
Theo chị Thủy, nguyên nhân giá tăng mạnh là do nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tiêu dùng rất lớn, trong khi đó thị trường XK bưởi da xanh cũng ngày càng gia tăng. Ngoài ra, do thời gian này là trái mùa, sản lượng bưởi da xanh rất thấp, chỉ những nhà vườn biết áp dụng kỹ thuật, tạo được mùa nghịch thì mới có trái bưởi thu hoạch bán vào thời điểm sốt giá này.
Việc hợp tác giữa các đơn vị thu mua, DN tổ chức sản xuất cung ứng và nông dân tại nhiều nơi đang giúp cho cây bưởi da xanh ngày càng có hiệu quả kinh tế cao.
Để tiếp tục năng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh, trang trại của chị Thủy đang chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGap và GlobalGap.
Đặc biệt trong quá trồng bưởi chị đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất phân vi sinh (làm từ phân gà) dành riêng bón cho cây bưởi da xanh; áp dụng kỹ thuật nải lá, điều khiển bưởi ra trái vụ, tăng năng suất đáng kể trong cùng một đơn vị đất nông nghiệp.
Năng suất bưởi da xanh của trang trại chị Thủy hiện đạt từ 25 - 30 tấn/ha/năm, có thời điểm đạt 40- 45 tấn bưởi/ha/năm. Hiện trung bình mỗi năm chị Thủy cung cấp cho thị trường khoảng 400 tấn bưởi thương phẩm và hàng vạn cây giống chất lượng cao.
Tương tự, anh Huỳnh Văn Thanh Phước, ngụ ấp 3, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, bưởi da xanh đang có giá bán rất tốt, giúp nhiều hộ có được thu nhập cao.
Chỉ riêng Chi Hội Nông dân ấp 3 do anh Phước làm Chi hội trưởng đã có 20 ha bưởi da xanh, trong đó có 10 ha đang cho trái bán. Theo anh Phước thì nhà anh có 1 ha bưởi da xanh, năng suất dự kiến đạt 30 tấn, giá bán khoảng 50.000 đ/kg, anh thu được bạc tỷ.
Theo tìm hiểu của PV, khoảng 3 năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ bưởi da xanh tăng rất mạnh, đã có nhiều công ty trong nước cũng như nước ngoài về đầu tư như: Cty Hương bưởi Miền Tây, Cty Sài Gòn Metro…
Các đơn vị này phối hợp với các DN cử kỹ sư về tận vườn để hướng dẫn cho nông dân từ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân, cách thu hái, tới cách thu mua đóng gói, bao bì, nhãn mác và kiểm tra chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn XK.
Có thể bạn quan tâm

Người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) gọi vụ sản xuất những tháng hè là “vụ tưới nước”, vì từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch phải tưới nước liên tục cho cây trồng. Trong khi các địa phương khác đang phải đối mặt với hạn hán gia tăng ở vụ này, thì ở Lý Sơn hiện tại tình hình nước tưới vẫn đảm bảo.

Từ tháng 3 năm 2013, Công ty TNHH Nông nghiệp VietGAP đã đầu tư hệ thống nhà lưới tại xã Yên Phong và Yên Ninh để sản xuất hoa, ươm giống rau và canh tác các loại rau hàng hóa trái mùa với tổng diện tích 4,2 ha. Tuy mới đi vào hoạt động, song các cơ sở của công ty đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 300.000 cành cúc, 2.000 chậu hoa dạ yến thảo...

Có lẽ thời điểm hiện tại giá khoai mỡ trên cánh đồng khoai lớn nhất của huyện Tân Phước (Tiền Giang) thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cũng chính vì điều này, câu chuyện lãi - lỗ, trồng hay bỏ cây khoai mỡ đang mang tính thời sự nóng bỏng của cả vùng đất bạt ngàn này.

Bên cạnh những diễn biến thất thường của thời tiết thì nguyên nhân diện tích trồng đạt thấp là do giá mủ cao su thời điểm hiện tại xuống thấp, ảnh hưởng đến tâm lý người trồng cao su, đồng thời công tác chỉ đạo của các địa phương chưa thực sự sâu sát, có chiều hướng buông lỏng đối với loại cây trồng này.

Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 6.550ha. Trong đó, trên 621ha ao và 46.948m3 bè nuôi thủy sản bị nhiễm bệnh (chỉ riêng tháng 7 có hơn 112ha ao và 14.394m3 bè nuôi bị nhiễm bệnh, tăng 3.600m3 bè so với tháng trước).