Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Siêu thị vào cuộc giải cứu hành tím Vĩnh Châu

Siêu thị vào cuộc giải cứu hành tím Vĩnh Châu
Ngày đăng: 23/04/2015

Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) được biết đến là vựa hành tím hàng đầu của cả nước, với diện tích từ 4.000 - 7.000 ha, năng suất đạt khoảng 150.000 tấn sau 2 tháng gieo trồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Indonesia. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, Indonesia bất ngờ ngưng nhập khẩu hành tím khiến người trồng khóc ròng.

Giá 1kg hành tím không bằng gói mì tôm

Những ngày gần đây, tại địa bàn phường 1 và phường 2 thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), chúng tôi ghi nhận hành tím được chất đống ngoài ruộng chờ thương lái đến mua.

Tiếp xúc chúng tôi, bà Đào Thị Tuyết ở khóm Cà Lăng A, buồn bã nói: “Do giá cả bấp bênh từ 2 năm trước, khiến gia đình tôi trồng hành thua lỗ. Đến vụ này, tôi vay gần 10 triệu đồng cộng với tiền nhà tiếp tục đầu tư 2 công đất hành tím. Tuy thu hoạch được hơn 4 tấn nhưng chờ mòn mỏi mới có thương lái đến mua với giá rẻ mạt 3.500 đồng/kg. Tôi định không bán nhưng do sợ thương lái bỏ đi nên đành bán tháo bán đổ”.

Bà Tuyết còn cho biết Tết vừa qua, giá hành tím có lúc vọt lên kỷ lục 30.000 đồng/kg, sau đó giảm dần xuống còn khoảng 20.000 đồng/kg. Lúc đó, nông dân mừng hết lớn nhưng đến nay giá giảm mạnh khiến họ buồn thiu.

Theo tính toán của các nông hộ, hiện nay mỗi công đất hành tím nông dân phải đầu tư giống, cày xới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khoảng 15 triệu đồng. Thế nhưng, với giá bán như hiện tại, nông dân coi như trắng tay. “Giá 1kg hành tím là thành quả sau 2 tháng gieo trồng song mua không nỗi một gói mì tôm”- nông dân Thạch Thị Hậu nói với chúng tôi như muốn khóc.

Theo ông Nguyễn Minh Chí, Phó Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, trước đây, sản lượng hành tím của Vĩnh Châu xuất khẩu sang Indonesia đến 70 - 80%. Tuy nhiên, do Indonesia đã trồng được hành tìm nên việc xuất khẩu hành rất hạn chế. “Hiện nay, tại thị xã Vĩnh Châu còn tồn đọng khoảng 50.000 tấn hành tím” - ông Chí cho biết.

Tìm đầu ra cho nông dân

Để “giải cứu” hành tím, lực lượng Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tình nguyện của thành phố Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu đã chia thành 7 - 8 nhóm, phối hợp với Hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu tiến hành thu gom, đóng gói để cung cấp cho các thương lái, các công ty, trường học ở TP HCM… Ngoài ra, lực lượng ĐVTN còn đứng ra bán lẻ hành tím tại địa phương và khách du lịch.

Anh Quang Nhựt, một ĐVTN của Thị đoàn Vĩnh Châu, cho biết: “Hôm qua (21- 4), lực lượng ĐVTN đã cùng với Hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu đóng gói và đưa lên xe 30 tấn hành tím cho một công ty ở Hà Nội. Ngoài ra, một số trường học ở TP HCM cũng tham gia “giải cứu” hành tím bằng cách đặt mua về dùng”.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, hành tím là cây chủ lực của địa phương nên phải giải cứu bằng mọi cách. Ông Công cho biết thời điểm “vàng son” của hành tím Vĩnh Châu là vào năm 2006 - 2007. Lúc đó, giá hành tím đứng vững trong thời gian dài ở mức 26.000 - 30.000 đồng/kg. Với mỗi công đất trồng hành, nông dân “bỏ túi” khoảng 40 triệu đồng. Từ đó, nông dân đua nhau trồng hành tím dẫn đến tình trạng bế tắc đầu ra như hiện nay.

Cũng theo ông Công, hướng tới, ngành nông nghiệp của thị xã và tỉnh sẽ đi tìm đầu ra cho hành tím bằng cách xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đang kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng hành để cung không vượt quá cầu, chuyển sang trồng các loại cây khác như: cỏ, ớt, hành lá...

Tin vui cho bà con trồng hành tím Sóc Trăng, ngày 22-4, hệ thống siêu thị Co opMart và BigC đã vào cuộc thu mua hành tím cho bà con nông dân. Một doanh nghiệp sản xuất mì gói cũng đã liên hệ với chính quyền địa phương đặt vấn đề tiêu thụ hành tím - một tín hiệu đáng mừng ban đầu của hành trình “giải cứu” hành tím.


Có thể bạn quan tâm

Người “Khùng” Và Thương Hiệu “Cá Hồi Sa Pa” Người “Khùng” Và Thương Hiệu “Cá Hồi Sa Pa”

Ở Sa Pa hiện nay, số người làm nghề nuôi cá hồi đã lên đến con số vài chục, nhưng người biết nuôi cá và làm cho du khách đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác thì chỉ có Nguyễn Trung Hưng.

18/06/2014
Vàng Trắng Cao Su Nghịch Dị Trồng Nhanh, Chặt Thần Tốc Vàng Trắng Cao Su Nghịch Dị Trồng Nhanh, Chặt Thần Tốc

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800.000ha cao su nhưng đến hết năm 2012, tổng diện tích cao su cả nước đã là 915.000ha, vượt hơn 100.000 ha (13%).

09/07/2014
Bình Định Hạn Hán Gây Khó Khăn Cho Hoạt Động Nuôi Trồng Thủy Sản Bình Định Hạn Hán Gây Khó Khăn Cho Hoạt Động Nuôi Trồng Thủy Sản

Từ đầu năm đến nay, do lượng mưa thấp, nắng nóng gay gắt kéo dài, nên hầu hết các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh Bình Định bị khô kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS). Hiện nay, diện tích nuôi cá nước ngọt bị thu hẹp đáng kể, tình hình dịch bệnh tôm nuôi có nguy cơ bùng phát.

18/06/2014
Thanh Sơn Thử Nghiệm Mô Hình Cấy Mạ Ném Vụ Mùa Năm 2014 Thanh Sơn Thử Nghiệm Mô Hình Cấy Mạ Ném Vụ Mùa Năm 2014

Vụ mùa năm nay, Trạm khuyến nông huyện Thanh Sơn đã đưa vào thử nghiệm cấy mạ ném theo phương pháp gieo mạ khay (hay còn gọi là cấy đứng) diện tích 0,5ha tại khu Bần, xã Võ Miếu với giống lúa lai 3 dòng CT 16. Ưu điểm của phương pháp gieo mạ khay cấy ném là đơn giản, dễ làm, có thể áp dụng trên mọi chân ruộng, trong mọi điều kiện.

09/07/2014
Chỉ Đạo Đẩy Nhanh Tiến Độ Gieo Cấy Lúa Vụ Mùa Chỉ Đạo Đẩy Nhanh Tiến Độ Gieo Cấy Lúa Vụ Mùa

Trung tâm Khuyến nông và Chi cục BVTV đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ngâm ủ hạt giống lúa để tăng tỷ lệ nảy mầm, bón phân đủ lượng, chăm sóc lúa sau gieo cấy; tiếp tục chỉ đạo triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa.

09/07/2014