Siết nhập khẩu thịt gà để ổn định chăn nuôi

Ngành chăn nuôi gà đang gặp nhiều khó khăn.
Mặt bằng giá giảm mạnh
Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của thịt đùi gà Mỹ giá rẻ, chi phí sản xuất mỗi kg gà là 26.000 - 27.000 đồng. Tuy nhiên, giá bán gà từ đầu năm 2015 đến nay luôn ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Theo ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, suốt mấy tháng qua, kể từ khi thịt gà nhập khẩu từ Mỹ vào thị trường Việt Nam được bán với giá dưới 20.000 đồng/kg, đã tạo nên một cú sốc cho ngành chăn nuôi cả nước.
Ông Nguyễn Minh Kha, chủ trang trại gà tại Đồng Nai chia sẻ, lượng thịt gà này tràn vào Việt Nam với giá bất hợp lý, có thể do nhiều doanh nghiệp chỉ tạm nhập để tái xuất hoặc khai báo giả để tránh đóng thuế nhập khẩu.
Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp phải nâng cao trình độ kỹ thuật chăn nuôi để giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là khâu tuyển chọn giống tốt.
Đối với các mặt hàng nhập khẩu, Cục Thú y phối hợp với Cục Chăn nuôi tăng cường kiểm tra đủ các tiêu chí về sản phẩm chăn nuôi an toàn, quản lý chất cấm, rà soát lại các loại phí và lệ phí để đảm bảo lượng hàng nhập khẩu đạt chất lượng cao phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.
Hơn nữa, trong năm 2014, ở Mỹ xảy ra đợt dịch gia cầm lớn, 30 quốc gia nhập khẩu thịt gà Mỹ đều ngưng nhập khẩu sản phẩm này, nhưng chỉ riêng Việt Nam cho phép nhập khẩu thịt gà Mỹ. Do đó, có khả năng các doanh nghiệp xuất khẩu của Mỹ để giảm chi phí tiêu hủy và bảo vệ môi trường đã liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam đưa lượng gà này vào tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Hiện nay, nguồn cung gà trong nước hiện khoảng 700.000 con/ngày, lượng thịt gà này không đủ cung cấp cho người tiêu dùng trong nước, nhưng lại không tiêu thụ được. Vì đa số người tiêu dùng chọn gà nhập khẩu giá rẻ.
Nghịch lý gà trong nước "ế" mà gà nhập khẩu lại chiếm lĩnh thị trường là do cách quản lý lượng thịt nhập khẩu còn lỏng lẻo, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước cho biết thêm.
Còn theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh có khoảng 3.000 trang trại chăn nuôi gà công nghiệp với vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng. Nếu không siết chặt hoạt động nhập khẩu đùi gà, ngành chăn nuôi trong nước sẽ đối diện với nguy cơ phá sản hàng hoạt.
Cần có hàng rào kỹ thuật
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn ngành chăn nuôi Việt Nam ổn định và phát triển bền vững, nhà quản lý cần phải thắt chặt quy định nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi hơn nữa.
Do vậy, vừa qua, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam kiến nghị, bên cạnh làm tốt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước còn cần siết chặt gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, đồng thời tiến tới xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với một số sản phẩm gia cầm nhập khẩu.
Hơn nữa, để ngành chăn nuôi trong nước phát triển thì bản thân các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi phải liên kết chặt chẽ, để bảo vệ lẫn nhau. Bởi, nếu có vài doanh nghiệp vì lợi nhuận lớn mà bất chấp hậu quả, bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng tiêu thụ hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng thì vô tình đang “giết chết” ngành chăn nuôi trong nước.
Còn theo ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ chia sẻ “Để tăng khả năng cạnh tranh của thịt gà trong nước thì phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, thay vì phải tìm cách ngăn cản lượng thịt nhập khẩu từ các nước khác, hướng đến giảm giá thành sản xuất thịt gà.
Có như vậy mới có dược nguồn cung thịt trong nước với giá thành thấp mà chất lượng cao để được người tiêu dùng lựa chọn. Trong giải pháp này cũng cần có sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp trong việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các cánh đồng lớn sản xuất nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô... để không phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao”.
Nếu quản lý nhà nước trong việc nhập khẩu lỏng lẻo thì thực phẩm kém chất lượng, giá rẻ sẽ thừa cơ hội tràn vào nước ta, khiến sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh. Ngành chăn nuôi trong nước bị phá sản, kịch bản tăng giá của các sản phẩm thịt ngoại sẽ được phát huy, trước nguồn cung trong nước thiếu hụt.
Có thể bạn quan tâm

Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) thời gian qua đã nghiên cứu thành công nhiều giống cây trồng mới. NNVN giới thiệu 10 giống điển hình.

Anh Nguyễn Văn Thuyết là thầy giáo trẻ (35 tuổi, ở P.1, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Do lương giáo viên thấp, không đủ trang trải chi phí gia đình nên anh tranh thủ thời gian nhàn rỗi, những buổi không đến lớp làm thêm nghề tay trái để tăng thu nhập. “Ban đầu tôi nuôi dê lấy thịt, sau đó nuôi nhím rồi chuyển sang nuôi chim bìm bịp để bán chim giống. Tuy nhiên, các vật nuôi trên chi phí cao và rủi ro cao, đặc biệt không hiệu quả kinh tế nên tôi bỏ nghề tay trái”, anh Thuyết cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong năm 2012, toàn tỉnh sẽ trồng mới 1.500 ha cây ca cao, diện tích đăng ký phân bổ tại các huyện: Giồng Trôm 450 ha, Bình Đại 50 ha, Mỏ Cày Nam 300 ha, Thạnh Phú 50 ha, Mỏ Cày Bắc 300 ha, Ba Tri 50 ha, Châu Thành 250 ha, Chợ Lách 20 ha và thành phố Bến Tre 30 ha. Trong năm 2011, toàn tỉnh đã trồng được 2.197 ha, đạt 80% so kế hoạch năm, nâng tổng diện tích ca cao trong tỉnh đến nay đạt trên 9.000 ha.

Đó là một trong những nội dung được nhiều xã, phường, thị trấn đặc biệt quan tâm và phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trung tâm Giống thủy sản, Hội Nông dân… tổ chức các lớp dạy nghề nuôi ếch, lươn, cá lóc… nhằm tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn, giúp nâng cao thu nhập kinh tế gia đình của các hộ nông dân.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây lớn nhất nước ta. Tuy nhiên, trong những năm qua, do kiến thức còn hạn chế nên hầu hết bà con nông dân sử dụng dinh dưởng cho cây trồng chưa hợp lý nên dẫn đến năng suất chất lượng cây trồng chưa cao