Sẽ Thành Lập Sàn Giao Dịch Cá Tra Tại Châu Âu

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ này đang phối hợp với các bộ ngành và tổ chức liên quan để đẩy nhanh đề án thành lập Trung tâm phân phối và sàn đấu giá cá tra tại châu Âu.
Trao đổi với phóng viên ngày 18-8, ông Mạnh cho hay, Tổng cục Thuỷ sản đang phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương và thương vụ Việt Nam tại Bỉ để làm việc với cơ quan thương mại vùng Flanders, cảng vụ Zeebrugge cùng một số công ty đối tác của Bỉ để đẩy nhanh đề án thành lập trung tâm phân phối và sàn đấu giá cá tra tại châu Âu.
Về vấn đề này, ông Trương Đình Hoè – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep), một trong những đơn vị được giao để thực hiện đề án cho hay, giữa Vasep và cảng vụ Zeebrugge đã ký một dự án về việc thành lập Trung tâm phân phối cá tra Việt Nam tại Bỉ nhưng hiện vẫn đang vướng một số thủ tục.
Trong đó, theo ông Hòe, vướng mắc nhất là quy định 80% tổng sản lượng cá tra xuất khẩu vào châu Âu phải đi qua trung tâm này. Trong khi việc có chuyển hàng bán và gửi ở trung tâm hay không lại phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
“Đây thực sự là một vướng mắc lớn” – ông Hòe nói, cái quan trọng nhất là ai sẽ điều phối để tất cả cá tra Việt Nam đều đi qua cảng vụ Zeebrugge. Do vậy, muốn thực hiện được đề án cần phải có hàng loạt chính sách, quy định cụ thể để cá tra được đưa vào trung tâm và cá tra đó phải đồng nhất về chất lượng, giá cả.
Sau đó, từ trung tâm này, cá tra sẽ được phân phối đến tất cả các đầu mối tiêu thụ ở châu Âu.
Cũng theo ông Hoè, đề án trên nếu được thực hiện sẽ đem lại lợi ích lớn cho ngành cá tra do Trung tâm này sẽ có chức năng thay thế các nhà nhập khẩu để đưa trực tiếp sản phẩm cá tra Việt Nam đến nhà bán lẻ của Bỉ và châu Âu thông qua một cảng duy nhất là Zeebrugge ở Bỉ. Trên cơ sở đó sẽ giải quyết vấn đề trung gian, giảm chi phí, các đơn vị bán lẻ muốn có hàng sẽ liên hệ trực tiếp với Trung tâm cá tra này.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Tổng cục Thuỷ sản, đề án muốn thành công cần có sự đồng thuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Hiện Tổng cục Thuỷ sản đang chờ Đại sứ quán Việt Nam tại châu Âu trình Thủ tướng Chính phủ về tính khả thi của đề án.
Zeebrugge hiện là cảng cá quan trọng nhất của Bỉ và các sản phẩm cá tại đây sẽ được vận chuyển đến các nước trong khu vực châu Âu.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, con tôm thẻ chân trắng đã đem lại cho nhiều hộ dân của tỉnh giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cùng với những cái được ấy là nguy cơ người dân đua nhau nuôi tôm thẻ chân trắng làm phá vỡ quy hoạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.

Vùng nuôi tôm hùm Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) những ngày này thật u ám, bởi tôm hùm đang chết liên tục. Trên cầu cảng Đầm Môn, người dân hỏi han nhau về bệnh của tôm, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm trước nguy cơ một vụ tôm thua lỗ .

Ngày 24/10, huyện Quảng Điền phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tổng kết dự án “Huy động sự tham gia của người dân để bảo vệ môi trường phá Tam Giang”.

Việc thu hoạch rẹm chỉ trong thời gian từ 7 đến 10 ngày, không chỉ giúp nông dân vùng chuyển đổi sản xuất bảo vệ được vuông tôm, ruộng lúa, mà từ nguồn lợi được thiên nhiên ưu đãi, việc giăng bắt rẹm sẽ giúp cho người dân có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.

Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT vừa tổ chức Hội thảo đầu bờ trình diễn kết quả mô hình “Nuôi cá rô phi hồng thương phẩm” tại hộ ông Đặng Thanh Vân, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho các cán bộ kỹ thuật, quản lý và một số hộ nuôi trồng thủy sản vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình.