Sẽ Sớm Ban Hành Chế Tài Xử Lý DN Bỏ Rơi Cánh Đồng Mẫu

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với NTNN về vụ việc doanh nghiệp ở Đồng Tháp không thu mua lúa cho nông dân dù đã ký kết hợp tác làm cánh đồng mẫu
Theo ông Ngọc, đây là một thực tế không thể tránh khỏi trong nền sản xuất nhỏ theo cơ chế thị trường và cơ quan chức năng đang từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật để quản lý.
Trước khi thử nghiệm làm cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở ĐBSCL, ông từng nói đã lường trước được các rủi ro. Thực tế đã có việc doanh nghiệp quay lưng với người nông dân tham gia sản xuất CĐML. Rủi ro này liệu có phải nằm ngoài dự tính ?
- Thực tế này đã được chúng tôi nhìn nhận và có những đánh giá xác đáng. Chính vì vậy, khi triển khai xây dựng CĐML, chúng tôi lựa chọn những doanh nghiệp có đủ năng lực cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn sản xuất... như Công ty Phân bón Bình Điền (An Giang), Tổng Công ty Lương thực Miền Nam...
Đối với những doanh nghiệp vi phạm hợp đồng, cần xử lý như thế nào ?
- Trước mắt cần phê phán các doanh nghiệp vi phạm, thiếu trách nhiệm với các nội dung đã cam kết, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp điển hình, điểm sáng trong việc cùng Nhà nước, nông dân thực hiện sản xuất CĐML. Hiện nay, chưa có chế tài xử lý những doanh nghiệp "xù" hợp đồng hay lật kèo người nông dân, vì thế sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất để sớm có những chế tài xử lý vi phạm. Đây là một "cuộc chiến" lâu dài, khá tốn kém, cần có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.
Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc có doanh nghiệp quay lưng lại với CĐML ?
- Tôi nghĩ số doanh nghiệp vi phạm không nhiều, chủ yếu là những doanh nghiệp không có đủ năng lực như thiếu máy sấy, kho chứa... nên khi thu hoạch rộ sẽ không thể bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân. Cũng có thể, doanh nghiệp chậm trễ thu mua nông sản để ép giá nông dân. Vì thế, đối với nông dân khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cần phải xem xét đến năng lực cũng như uy tín của doanh nghiệp để tránh được những rủi ro không đáng có.
Tuy nhiên, từ thực tế này cũng phải công bằng đánh giá nông dân đôi khi cũng gây sức ép với doanh nghiệp. Ngay khi Chính phủ có chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cũng đã xuất hiện hiện tượng nông dân găm hàng để chờ tăng giá.
Vậy cần giải pháp nào để đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân ?
- Trong tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay, theo tôi cần thiết và tập trung mạnh hơn cho tái đầu tư ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên tái đầu tư cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ trong việc xây dựng kho chứa, máy sấy... Đây là một bước đi đúng đắn, lâu dài và bền vững, tránh những hiện tượng doanh nghiệp "bỏ rơi" nông dân như hiện nay.
Ông Nguyễn Trí Ngọc
“Việc ký kết với doanh nghiệp làm CĐML 1 hay 2 mùa vụ còn tùy theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu quy trình, cơ cấu để có thể ký kết hợp đồng làm từ 2- 3 vụ”.
Có thể bạn quan tâm

Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đồng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Hiện nay, hơn 3,3 ha tôm nuôi trên địa bàn Diễn Châu (Nghệ An) đã xuất hiện bệnh. Một số đầm, tôm chết nhiều nên phải thu hoạch sớm.

Đang là mùa mưa nên nhiệt độ thường giảm xuống, các chỉ số môi trường thay đổi liên tục; Do đó người nuôi tôm ở Sóc Trăng cần theo dõi thông tin khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là thông báo quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, diễn biến thời tiết, cảnh báo dịch bệnh… để bà con có 1 vụ nuôi thành công.

Sò huyết Ô Loan là đặc sản của Phú Yên, nhưng nhiều năm nay loài thủy sản này gần như bị cạn kiệt. Nuôi sò huyết là công việc mới nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc hữu của đầm Ô Loan. Hiện Nhà nước đang đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi nhằm từng bước chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Theo báo cáo của Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 40 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Trong đó có 30 cơ sở nuôi cá tra, diện tích khoảng 224ha, 6 cơ sở tôm nước lợ, với khoảng 160ha.