Sẽ Có Sàn Đấu Giá Thủy Sản Việt Nam Tại Bỉ

Ý tưởng được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và Đại Sứ quán Vương quốc Bỉ cùng đưa ra.
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có buổi làm việc với Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet về nội dung xây dựng Trung tâm phân phối và sàn đấu giá hàng thủy sản Việt Nam tại cảng Zeebrugge, Bỉ.
Theo ông Bruno Angelet, để góp phần ổn định và thúc đẩy xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã cùng Đại Sứ quán Vương quốc Bỉ đưa ra ý tưởng Việt Nam và Bỉ hợp tác xây dựng một trung tâm phân phối và sàn đấu giá thủy sản tại châu Âu, tại cảng Zeebrugge, Bỉ.
Cảng Zeebrugge là cảng biển nước sâu lớn, hiện đại và nằm ở vị trí chiến lược của châu Âu, được coi là nơi lý tưởng để trở thành trung tâm phân phối cá tra.
Nếu ý tưởng này thành hiện thực, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển nhờ việc gom hàng để chuyển từng chuyến khối lượng lớn. Ngoài ra, họ cũng có cơ hội bán hàng trực tiếp với khối lượng ổn định cho các chuỗi siêu thị, các nhà bán lẻ lớn thay vì phải qua trung gian như hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, việc thành lập trung tâm phân phối và sàn đấu giá cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải minh bạch và đồng bộ hơn về giá cả, chất lượng, từ đó hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương rất hoan nghênh ý tưởng này. Tuy nhiên để hiện thực hóa đề án này cần có lộ trình cụ thể, chi tiết, cùng với sự tham gia của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai bên.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như các đơn vị liên quan phối hợp với phía Bỉ nghiên cứu đề án.
Trước mắt, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội tổ chức Hội thảo giới thiệu đề án này và Bộ Công Thương dự kiến sẽ thành lập nhóm nghiên cứu tính khả thi của đề án.
Có thể bạn quan tâm

Xác định Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao của TP là hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội.

Giá bưởi tết hiện đang ở mức cao kỷ lục. Đứng ở mức cao nhất là bưởi Tân Triều (Đồng Nai) với bưởi đường da xanh ruột hồng có giá 1,1-1,2 triệu đồng/chục; bưởi đường lá cam loại 1 có giá từ 800 - 900 ngàn đồng/chục; tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được trồng tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khoảng 7 năm trước, đến nay, cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn (gọi chung là cây có múi) đã đứng vững trên vùng đất này, diện tích đang tăng từng ngày. Xung quanh việc mở rộng diện tích cây có múi ở Lục Ngạn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Khoảng 4 năm nay, một số nhà vườn ở quận Ô Môn đã chịu khó học hỏi về kỹ thuật và tìm loại cây ăn trái giống mới thích hợp với vùng đất ở đây. Trong số đó, ông Trần Văn Hiện (Bảy Hiện) là người đầu tiên chuyển sang trồng cam xoàn tại khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn - TP Cần Thơ.

Khi người dân đẩy nhanh tiến độ cải tạo đất chuẩn bị cho một vụ tôm nuôi mới cũng là lúc thị trường tôm giống dần “nóng” lên. Để có được những vụ nuôi thành công trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay và tình trạng dịch bệnh gan tuỵ chưa được khống chế, hơn bao giờ hết người dân đang kỳ vọng sẽ có nguồn giống chất lượng để giảm đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.