Sẻ chia kỹ năng bảo vệ môi trường

Hội thi do Trung tâm Môi trường nông thôn thuộc T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp Hội ND tỉnh Bình Định tổ chức đã thu hút 48 thí sinh của 6 đội đại diện cho hội viên, ND các huyện Tuy Phước, Phù Cát và thị xã An Nhơn (Bình Định).
Nói không với ô nhiễm
Tại hội thi, các thí sinh đã thể hiện tài năng của mình qua 2 phần thi “Lời chào nông dân” và “Kiến thức nông dân”.
Dù bận rộn với công tác hội tại cơ sở, việc đồng áng, thế nhưng các thí sinh vẫn đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng cho phần dự thi của mình.
Thông qua các tiết mục dí dỏm và câu trả lời đậm chất ND, thí sinh đã truyền tải sinh động thực trạng ô nhiễm tại vùng quê và ý nghĩa của việc ND tham gia bảo vệ môi trường.
Chị Nguyễn Thị Kiều My, hội viên ND phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) thổ lộ: “Liên hệ thực tế môi trường tại địa phương, đội thi của tôi phải mất gần 10 ngày mới hoàn tất kịch bản rồi chuyển thể sang các tiết mục biểu diễn để truyền tải sinh động đến người xem…”.
Qua các tiết mục dự thi, chị My muốn mang tới đông đảo hội viên, ND thông điệp nói không với ô nhiễm, hãy chung tay, góp sức bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như thu gom rác thải tại đồng ruộng, đấu tranh với hành vi xả thải trái phép ra môi trường...
Là một thí sinh “lão làng” của hội thi, bà Đinh Thị Lan Hương (59 tuổi), đến từ Hội ND huyện Tuy Phước chia sẻ: “Mới thu hoạch lúa xong nên anh chị em có nhiều thời gian tập luyện.
Thông qua các hoạt động như thế này, chúng tôi được trang bị kiến thức về luật bảo vệ môi trường và vận dụng thiết thực trong cuộc sống hàng ngày”.
Vì nông thôn xanh, sạch, đẹp
Năm 2015, hội thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường được Hội ND tỉnh Bình Định chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức từ cấp huyện.
Chính vì điều này, đến với hội thi cấp tỉnh, kiến thức, kỹ năng biểu diễn của các thí sinh đã được nâng cao rõ rệt.
Theo bà Lê Thị Kim Mai- Chủ tịch Hội ND Bình Định, những năm qua các cấp Hội ND trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần bảo vệ môi trường nông thôn như tập huấn kiến thức, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, hội thi tìm hiểu pháp luật.
Bảo vệ môi trường là nội dung được lồng ghép vào sinh hoạt chi, tổ hội.
Qua đó, nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên, ND về bảo vệ môi trường có chuyển biến rõ nét.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, Hội ND đã phối hợp xây dựng hơn 700 mô hình điểm về bảo vệ môi trường; 7.500 hố thu gom rác thải ngoài đồng ruộng; hơn 10.000 hố rác tại gia đình và trồng mới hàng ngàn cây xanh.
Về hội thi tìm hiểu pháp luật về môi trường, bà Lê Thị Kim Mai khẳng định: “Đây là sân chơi bổ ích để cán bộ, hội viên ND trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về cách thức xử lý chất thải trong sản xuất, trong sinh hoạt, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động gắn với bảo vệ môi trường trong cán bộ, hội viên, ND…”.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải Nhất cho các thí sinh phường Phò An (đội An Nhơn 1); giải Nhì cho các thí sinh xã An Hành Tây (đội Phù Cát 1), 2 giải Ba được trao cho các thí sinh xã Mỹ Cang (đội Tuy Phước 1) và xã Phụng Sơn (đội Tuy Phước 2)…
Có thể bạn quan tâm

Cụm ngành thủy sản là thế mạnh của kinh tế Cà Mau trong giai đoạn phát triển hiện nay và thời gian tới, với hạt nhân là nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Ngày 20/8, Trung tâm giống thủy sản nước ngọt (Sở NN&PTNT) đã tổ chức tham quan, đánh giá mô hình ương giống cá Chép tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Tôm hùm bông (Panulirus ornatus) là 1 trong 7 loài tôm hùm phân bố ở vùng biển Việt Nam. Với những ưu điểm nổi trội như tăng trưởng nhanh, kích thước lớn, chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao so với các loài khác, tôm hùm bông là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cao cho nhiều người dân khu vực ven biển miền trung. Cho đến nay, công nghệ nuôi tôm hùm lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao chỉ có ở Việt Nam, mà ở đó con giống được khai thác từ tự nhiên.

Do nghề nuôi cá tra xuất khẩu gặp khó khăn, được sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của chính quyền, ngành chuyên môn, nhiều hộ ở Vĩnh Long đã chuyển đổi đối tượng và mô hình nuôi, quay sang nuôi thủy đặc sản và nuôi thủy sản nội địa.

Tại hội thảo “Phát triển tôm hùm bền vững khu vực miền Trung” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Nha Trang mới đây, nhiều đại biểu cho rằng nếu không giải quyết được những tồn tại hiện nay để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị và thương hiệu tôm hùm nước ta sẽ bị thu hẹp dần.