Sẽ Chấn Chỉnh Việc Nghiên Cứu Giống

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát trước tình trạng nghiên cứu giống cho sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, trong giai đoạn từ năm 2008-2013, bình quân mỗi năm ngân sách Nhà nước chi thông qua Bộ NNPTNT 1.041 tỷ đồng để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo đó, ngành đã tổ chức nghiên cứu 1.045 đề tài, trong đó có hơn 300 giống cây trồng, vật nuôi và các kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất, trong đó có 102 giống lúa.
“Mặc dù nhiều giống lúa mới như vậy, nhưng chất lượng gạo xuất khẩu của chúng ta vẫn không được nâng lên, một trong những lý do là các giống đó không có gì nổi trội hơn so với giống cũ. Tôi cũng đã đề nghị Bộ KHCN cùng phối hợp, đề xuất những chính sách thu hút mạnh mẽ hơn các lực lượng tham gia vào nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp, vì doanh nghiệp thường nghiên cứu gắn với thị trường nên sản phẩm đề tài sẽ được thương mại hóa nhanh hơn, có tính ứng dụng mạnh mẽ hơn trong sản xuất” – Bộ trưởng Phát cho biết.
Liên quan đến việc, vì sao nhiều năm liền chúng ta khuyến cáo nông dân đồng bằng sông Cửu Long không cấy giống IR50404, nhưng thực tế giống này vẫn chiếm đến 70% diện tích, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, có thực trạng này là do giống IR50404 rất dễ làm, có tính ổn định cao, năng suất cũng vượt trội so với nhiều loại giống lúa khác. Đặc biệt là khi thị trường thuận lợi, IR50404 vẫn bán được với giá không thấp hơn nhiều giống mà chúng ta vẫn gọi là chất lượng cao.
“Nông dân thấy hiệu quả thì họ vẫn làm, đó là điều đương nhiên. Lỗi ở đây là do chúng ta chưa đưa ra được cho nông dân những giống lúa vừa có chất lượng, vừa có năng suất vượt trội so với IR50404.
Tôi xin nhận khuyết điểm này và chúng tôi đã chấn chỉnh lại chương trình nghiên cứu giống. Đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu những giống lúa thay vì chỉ bán được với giá 400 USD/tấn, thì hãy làm ra những giống bán được với giá 600 – 800 USD/tấn, nhưng năng suất và độ bền vững phải không thua kém IR50404.
Chúng tôi đã đặt hàng như vậy và hy vọng mấy năm nữa các nhà khoa học sẽ đưa ra được những giống lúa thực sự xuất sắc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân” – Bộ trưởng Phát nói.
Trước đó, NTNN đã có loạt bài phản ánh tình trạng dù ngân sách hàng năm đầu tư nghiên cứu cho phát triển nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu giống, nhưng vẫn rất còn bất cập. Theo Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, cả nước hiện có 600.000 - 700.000ha lúa lai, nhưng có đến 70-80% diện tích sử dụng giống nhập khẩu.
Còn theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), do khả năng tự sản xuất hạt lúa lai tại Việt Nam chỉ đạt 3.500 - 4.000 tấn/năm (đáp ứng 24% nhu cầu) nên mỗi năm Việt Nam phải nhập khoảng 13.000 tấn hạt giống lúa lai.
Có thể bạn quan tâm

Trước đây, các hộ gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăn nuôi bò theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ thường nuôi từ 1 đến 2 con. Những năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên được các hộ gia đình đầu tư để phát triển đàn bò trên quy mô lớn, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con, nhiều hộ có đàn bò lên đến trên 20 con.

Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...

Theo tin từ Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản, đợt mưa lớn kéo dài trong các ngày từ 26 đến 28/7 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long đang đầu tư mở rộng từ 2.000 mét vuông tăng lên 3.000 mét vuông diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh ở Quảng Thừa, Đà Lạt, dự kiến đạt tổng sản lượng trên dưới 10 tấn/năm, trong đó chiếm 70% cá tầm và 30% cá hồi. Sau 4 năm (2006 - 2010) phát triển hiệu quả nghề nuôi cá nước lạnh, từ quy mô hộ gia đình đã vươn lên thành quy mô Doanh nghiệp tư nhân Thịnh Long với lợi nhuận thu về ổn định hàng năm trên dưới 100 triệu đồng/1.000 mét vuông.

Đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia. Qua gần một năm triển khai, các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.