Sau Tết, Rau Xanh Tăng Giá Vẫn Hút Hàng

Giá tất cả các loại thực phẩm từ thịt, cá đến rau, củ, quả… ngoài thị trường đều tăng giá (10-30%), trong khi siêu thị giá tốt hơn.
Sáng mùng 4 tết, không khí tại chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh đã nhộn nhịp như ngày thường, hầu hết các mặt hàng đều có mặt.
Khi tôi hỏi sao không nghỉ tết mà bán sớm vậy? Các tiểu thương khu vực kinh doanh rau củ và nông sản cho biết: Những ngày tết, ai cũng ngán các loại thức ăn chế biến từ thịt, cá, rồi ngày nào cũng rượu bia, lúc này, rau là lựa chọn số 1.
Chính vì thế, phải tranh thủ ra bán sớm. Và họ đã phán đoán đúng tình hình. “Bình thường, ở đây bán đến 7 giờ tối. Nhưng mấy ngày nay, tôi bán đến trưa là hết sạch. Hôm nào khỏe, bán luôn cữ chiều. Kiếm kha khá”, người phụ nữ tên Tuyết, tay cân rau cho khách, miệng nói liến thoắng.
Không chỉ hút hàng, giá các mặt hàng rau củ quả như cải bắp, bí xanh, rau muống, mồng tơi, đậu que, khổ qua, đậu bắp…cũng tăng hơn so với những ngày giáp tết từ 20 – 30%.
Ngày bình thường, một cây rau xà lách chỉ 1 ngàn đồng, nhưng nay tăng lên 1,5-2 ngàn đồng. Rau sống 20 ngàn đồng/kg, trong khi ngày 30 tết giá cao nhất chỉ 13-14 ngàn đồng. Cà rốt 16.000đ/kg, bắp cải, cải ngọt 10.000đ/kg, bắp cải trắng 12.000đ/kg (cao hơn từ 2-3 nghìn đồng/kg).
“Giá tăng là do nhà xe, họ tăng chi phí vận chuyển lên từ 30 -40% nên chúng tôi buộc phải tăng giá, nhà vườn cũng tăng, thực ra chúng tôi cũng chẳng lời hơn ngày thường bao nhiêu, chỉ sướng cái là bán nhanh hết thôi. Mà anh thấy đấy, những ngày tết mọi người nghỉ ngơi ở nhà, đi chơi, còn chúng tôi vẫn phải dãi nắng giữa trời như này, tăng giá chút cũng phải thôi”, bà Tuyết tiếp tục cao giọng phân tích.
Những ngày này, ngoài rau xanh, các loại tôm, cá là lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ. Nhưng rất nhiều ngư dân cũng nghỉ tết, khiến lượng hàng về giảm hẳn. Đồng nghĩa với việc giá bị đội lên.
Tại chợ Gò Vấp, giá một kg cá lóc nuôi có giá từ 70-85 ngàn đồng, trong khi ngày thường giá chỉ trên 50 ngàn đồng/kg. Các loại cá biển như cá nục, thu, ngừ hay cá da trơn nước ngọt như trê, tra…đều tăng giá tương tự.
Trong số các mặt hàng tăng giá, thịt heo là loại thực phẩm tăng giá nhẹ nhất. Tại hai chợ thịt lợn Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) hay An Lạc (Q.Bình Tân), sản lượng thịt cung ứng cho các chợ bán lẻ khá dồi dào do sẵn nguồn cung nên giá đã thấp hơn những ngày trước tết khá nhiều, chỉ còn tăng nhẹ, 45 – 50 nghìn đồng/kg (cân móc hàm).
Còn tại chợ bán lẻ Hòa Bình, quận 5, 1 kg thịt heo phi lê có giá từ 70-90 ngàn đồng/kg tùy loại, cao hơn ngày thường chỉ vài ngàn đồng/kg.
Theo ghi nhận, năm nay hầu hết các siêu thị lớn trong thành phố như hệ thống Big C, Co-opmart, Lotte Mart, chỉ nghỉ tết ngày mùng 1, từ sáng mùng 2 đã mở cửa bán trở lại, các mặt hàng được lựa chọn nhiều nhất vẫn là các loại rau, củ quả và tôm cá.
Do không tăng giá hoặc chỉ tăng nhẹ nên nhiều mặt hàng rẻ hơn bên ngoài, đã góp phần bình ổn giá thị thường.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, thời tiết diễn biến phức tạp, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn không thuận lợi cho nghề nuôi thủy sản. Tháng 4 và 5-2013 tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng có hiện tượng tôm chết. Trong tháng 6-2013, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 có gần 100ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng bị chết do sốc môi trường.

Thương vụ Úc tại Việt Nam ngày 10-12 đã thông tin chính thức về việc nguồn cung bò Úc giảm là do yếu tố “thời tiết”, chứ không phải do can thiệp của Chính phủ Úc.

Năm 2013, mô hình cải tạo đàn dông được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Thuận phối hợp với Phòng Kinh tế Phan Thiết thực hiện với quy mô 900m2 tại xã Thiện Nghiệp. Thông qua việc thay đổi bằng giống dông đực Khu Lê, nhằm hướng tới mục đích cải tiến chất lượng, làm tươi máu, tránh đồng huyết, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi tại địa phương...

Cứ tưởng rằng ở trên núi cao, rừng thẳm, người dân chỉ có cách chống đói, thoát nghèo dựa vào đất đai, lâm sản… nhưng thật bất ngờ và độc đáo, một lão nông được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã "phát tài" nhờ nuôi thành công con cá tầm. Ông tên là Hà Văn Vận, dân tộc Mường ở thôn Sui Quan, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Từ đầu năm đến nay, gia đình anh Dương Văn Trọng, ở tổ 12, phường Tích Lương, T.P Thái Nguyên vẫn nuôi 500 con lợn bột, 50 con lợn nái/lứa và không tăng đàn.