Sầu riêng nhúng thuốc sự thật và nỗi oan

Là người thường xuyên phải chăm lo thức ăn nước uống cho cả gia đình, tôi mang nỗi băn khoăn lo lắng đến ông chủ trang trại cây ăn trái, có cửa hàng “trái cây cao cấp” gần Siêu thị Co.op Mart, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) - là ông Dụng Quý Đông để tìm câu trả lời. Ông Đông tỏ ra rất bức xúc và cho rằng, việc các trang mạng đăng thông tin vô tội vạ đang “giết” nông dân trong nước.
Là người có 25 năm kinh nghiệm làm vườn, trong đó gần 20 năm có sầu riêng thu hoạch, ông Đông cho biết, có hai cách để thu hoạch sầu riêng. Một là để trái tự chín rụng. Cách này là để thu hoạch những trái đã chín hẳn, thời gian bảo quản chỉ 1 - 2 ngày là trái tách vỏ, phải ăn ngay. Với những trang trại lớn, việc hằng ngày phải đi lượm trái chín rụng, lại để được ít ngày sẽ tốn nhiều thời gian, công sức nên rất khó khăn. Thế nên hầu hết nông dân thu hoạch theo cách thứ hai, là chọn những trái gần chín để cắt. Vậy làm thế nào để nhận biết được những trái gần chín? Với kinh nghiệm làm vườn lâu năm, bằng mắt thường ông Đông có thể biết ngay. Nhưng với những người chưa có nhiều kinh nghiệm thì dựa vào âm thanh khi vỗ vào trái hoặc nhìn độ già của lá trên cành và các vân nổi trên trái sầu riêng là có thể nhận biết được trái sắp chín. Và khi xác định trái sầu riêng còn khoảng 2 - 3 ngày sẽ chín thì cắt. Những trái này có thể để trong 1 tuần mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nhận biết sầu riêng còn 2 - 3 ngày sẽ chín mà trong số trái đã cắt, có cả những trái 4,5 ngày hoặc cả tuần lễ mới chín. Trong trường hợp ấy, nông dân sẽ sử dụng một loại dung dịch sinh học pha loãng, dạng hỗ trợ kali để trái chín đều. Ông Đông vừa giải thích vừa đưa cho tôi xem chai thuốc có tên là Phân bón lá cao cấp HPC-97 HXN do Công ty cổ phần sinh học nông nghiệp HPC (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất. Phần “Cách dùng” có ghi: Điều khiển cho trái cây già chín nhanh và có cả hướng dẫn nồng độ pha dung dịch để hỗ trợ chín nhanh cho các loại trái cây như xoài, bơ, mít, chuối, sầu riêng... Phần “Công dụng” có ghi: Đặc biệt giúp trái sầu riêng già chín nhanh, không bị sượng”. Ở phần “Hướng dẫn an toàn” có ghi: Chỉ sử dụng cho trái cây già sắp thu hoạch... Loại phân bón này có giấy phép sản xuất, ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lưu hành và có bán rộng rãi ở các nhà thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc.
Tôi hỏi, nếu không may cắt phải trái chưa già thì khi được nhúng qua dung dịch hỗ trợ này trái có chín được không? Ông Đông trả lời dứt khoát: Ở Trung Quốc hay ở đâu thì tôi không biết, nhưng bằng kinh nghiệm bản thân, tôi khẳng định trái sầu riêng chín cơ bản là do tự nhiên. Nếu cắt phải trái chưa tới độ có thể chín thì dù có nhúng qua dung dịch hỗ trợ, trái vẫn cứ sống nhăn. Rồi ông ví von: Một đứa bé đang tập nói, bạn chăm sóc, cho ăn uống tốt để nó có sức mà tập nói chứ không phải vì cho ăn tốt mà nó biết nói!
Dù đã tận mắt đọc tất cả những thông tin trên chai dung dịch hỗ trợ trái chín mà ông Quý Đông đưa và nghe ông giải thích cặn kẽ nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Vì vậy, tôi đã hỏi ý kiến của anh Doãn Văn Chiến, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì anh cho biết: Hằng năm, chi cục đều tổ chức kiểm tra định kỳ và kiểm tra những vấn đề phát sinh về chất lượng, an toàn của thuốc bảo vệ thực vật. Những thông tin mà ông Quý Đông bức xúc phản ánh và những thông tin báo chí đưa, chi cục sẽ đưa vào nội dung kiểm tra phát sinh và trả lời trong thời gian sớm nhất.
Những thông tin về sầu riêng cũng như các loại trái cây “tẩm thuốc độc” đã làm dậy sóng cộng đồng thực ra là sự hiểu lầm giữa người trồng, người tiêu dùng và cả giới truyền thông. Hiện tượng một số nông dân sử dụng hóa chất độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc để làm chín nhanh hoặc bảo quản trái cây được lâu là có thật, nhưng không nhiều. Bởi thực tế, người ta có thể sử dụng dung dịch hỗ trợ trái chín sinh học được sản xuất trong nước, giá rất rẻ (chỉ hơn 40.000 đồng/chai 500ml để pha 20 lít dung dịch và có thể nhúng được hơn 2 tấn sầu riêng), lại an toàn thì không có lý gì phải tẩm chất độc hại vào trái cây để hằng ngày mình phải tiếp xúc. Thế nhưng phần vì không nắm được thông tin, phần vì quá lo lắng nên nhiều người tiêu dùng sợ; có người không dám ăn bất cứ loại trái cây nào nữa. Từ những thông tin trên mạng xã hội về “trái cây nhúng thuốc độc”, nhiều nông dân ngơ ngác không biết vì sao mình đã sử dụng thuốc hỗ trợ trái chín có nguồn gốc sinh học; đã sử dụng đúng quy trình hướng dẫn mà vẫn bị mang tiếng là làm hại cộng đồng!
Có thể bạn quan tâm

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình trình diễn nuôi thử nghiệm con Dúi sinh sản tại xã Nhị Hà (Thuận Nam - Ninh Thuận) đang đem lại những tín hiệu vui, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp người dân có thêm cơ hội làm giàu trên chính quê hương mình.

Đó là thông tin được Ông Trần Đình Luân, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đưa ra tại Hội nghị Sơ kết nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch nửa cuối năm 2014 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 29-7 tại TP.HCM.

Liên kết để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế và xa hơn là hướng đến chuỗi liên kết chăn nuôi thống nhất, tạo ra sản phẩm có thương hiệu đang là mục đích hướng đến của nông dân tỉnh Quảng Bình hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, tự phát và người nông dân vẫn phải “tự bơi” là chủ yếu. Để những mô hình này trở nên bền vững và đi vào chiều sâu, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp chính quyền và ban ngành liên quan.

Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cũng là một người gắn bó lâu năm với ngành Thủy sản, để phát triển thủy sản, không chỉ là những chính sách hỗ trợ đánh bắt ngoài khơi, ngành Thủy sản còn cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ trên bờ.

Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.