Hiệu Quả Bước Đầu Từ Cây Mắc Ca Ở Thạch Thành

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua huyện Thạch Thành đã đưa vào trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca (Macadamia), xuất xứ từ Australia.
Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.
Được sự giới thiệu của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, khi ông vào thăm huyện Thạch Thành về cây mắc ca, ông Tú đã mày mò tìm hiểu thông tin về loại cây này qua các phương tiện truyền thông. Nhận thấy đây là loại cây mới, có giá trị kinh tế cao, có thể tận dụng trồng trên đất đồi dốc, nên năm 2006, ông đã ra Trạm Nghiên cứu Giống cây trồng Ba Vì (nay là Viện Nghiên cứu Giống cây trồng Hà Nội) mua 500 cây giống với giá 40.000 đồng/cây về trồng thử trên diện tích 2 ha.
Trạm nghiên cứu đã cử cán bộ hỗ trợ ông kỹ thuật trồng, chăm sóc ban đầu. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên đến năm 2011, lứa cây mắc ca đầu tiên đã cho quả bói. Đến năm 2013, cho quả đại trà với tổng sản lượng đạt gần 2 tấn.
Với giá bán tại vườn 60.000 đồng/kg cho các công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội và miền Nam đến thu mua chủ yếu để làm giống, gia đình ông đã có thu nhập hơn 120 triệu đồng. “Dự kiến năm 2014, thu nhập từ cây mắc ca sẽ tăng gấp đôi, vì năng suất quả và giá bán cao hơn” - ông Tú khẳng định.
Từ hiệu quả bước đầu, năm 2014, gia đình ông Tú đã trồng thêm 1 ha cây mắc ca. Qua một thời gian trồng, chăm sóc, theo dõi, ông Tú khẳng định: Cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí ít, nếu trồng trên đất bằng phẳng thì cây phát triển rất tốt, ít gặp sâu bệnh.
Bên cạnh đó, mắc ca là loại cây lâu năm, có thể cho thu hoạch hơn 60 năm, thân gỗ của mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
Trong 3 đến 4 năm đầu khi mắc ca chưa khép tán, có thể xen canh các loại cây như cà phê và nhiều loại cây hoa màu, cây dược liệu ngắn ngày để tăng thu nhập cho người dân.
Theo các tài liệu khoa học mà chúng tôi có được, mắc ca là một loại cây quả khô quý hiếm. Trong đó, bộ phận ăn được của trái mắc ca là nhân, có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc nhân, hạnh nhân, hạnh đào.
Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, khi ăn vào giảm được cholesteron, có tác dụng phòng trị xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2% gồm 20 loại axit amin, trong đó có 8 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể con người.
Chính vì thế, mắc ca được coi là một loại thực phẩm cao cấp ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng, dùng để chế biến nhân bánh, sôcôla, nước uống, dầu salat, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu... được ưa chuộng ở thị trường thế giới và trong nước. Tuy là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay diện tích trồng mắc ca trong nước cũng như ở Thanh Hóa chưa được phổ biến.
Ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, cho biết: “Với hiệu quả và tiềm năng của cây mắc ca, từ năm 2012 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành đã mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên 30 ha ở các xã: Thành Vân, Thành Mỹ, Thành Sơn... chủ yếu là chuyển đổi từ diện tích đất trồng luồng bị suy thoái, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện Thạch Thành đang nghiên cứu, có kế hoạch khảo nghiệm cây mắc ca ở một số địa phương có thổ nhưỡng phù hợp”.
Có thể bạn quan tâm

Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.

Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.

Ngày 27/5, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm khai thác tối đa lợi thế đất đai, khí hậu của vùng đất phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh bao gồm 03 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, tỉnh khẩn trương xây dựng Đề án Hỗ trợ phát triển cà phê chè tại các huyện này.