Sản xuất vụ Ðông Xuân 2015-2016 ở Hoài Nhơn: Mục tiêu lớn, quyết tâm cao

Nông dân Hoài Nhơn đang làm đất chuẩn bị sản xuất vụ ĐX 2015-2016
Theo kế hoạch, trong vụ này toàn huyện gieo sạ 5.840 ha lúa, gồm chân 3 vụ gần 3.400 ha, chân 2 vụ hơn 2.400 ha.
Trước khi bước vào vụ gieo sạ mới, công tác tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân được chú trọng, ngành chức năng của huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức gần 100 lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt nông dân.
Cùng với khâu làm đất, tranh thủ sau các đợt mưa lớn vào những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, bà con tập trung cày dầm vùi lấp mầm bệnh, cỏ dại.
Ngoài việc tiếp nhận và sử dụng 2.250 kg thuốc sinh học Biorat của huyện phân bổ để diệt chuột trước khi vào vụ, các địa phương phát động nông dân ra quân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, sử dụng bẫy, phát quang bụi rậm; bắt ốc bươu vàng và tiêu diệt trứng ốc.
Ông Huỳnh Biên, nông dân ở thôn Mỹ An 1, xã Hoài Thanh, cho biết: “Diệt chuột và diệt ốc bươu vàng là một trong những khâu thiết yếu để đảm bảo năng suất cả vụ, nên hầu hết bà con nông dân đều chú trọng, nhất là ở các chân ruộng trũng, ốc bươu vàng nhiều, nếu không diệt sạch thì khi sau xuống giống ốc sẽ cắn phá hết mầm lúa”.
Về cơ cấu giống cũng được ngành chức năng chỉ định các giống nguyên chủng, giống lúa lai khá cụ thể.
Để đảm bảo đủ giống cung ứng cho bà con gieo sạ trong vụ, ngay từ đầu tháng 11, Trạm Khuyến nông và các điểm cung ứng dịch vụ lúa giống trên địa bàn huyện đã nhập về hàng chục tấn lúa giống các loại để đáp ứng nhu cầu.
Ý thức là vụ lúa chủ lực, ngay sau khi kết thúc vụ Hè Thu, huyện tập trung chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương phải xây dựng phương án sản xuất cụ thể.
Cùng với sản xuất lúa theo kế hoạch đề ra, trong vụ này huyện sẽ triển khai xây dựng 1 cánh đồng lớn, 29 cánh đồng mẫu lớn và 30 cánh đồng kỹ thuật tiên tiến với tổng diện tích hơn 1.600 ha.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Thời gian qua, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng tiên tiến đã mang lại hiệu quả tích cực, năng suất lúa vượt trội, được nông dân hưởng ứng.
Vì vậy, trong vụ này huyện tiếp tục triển khai thí điểm 1 cánh đồng lớn quy mô 200 ha tại xã Hoài Mỹ”.
Huyện cũng đưa ra phương án sản xuất lúa vụ ĐX 2015-2016 trong điều kiện thiếu nước tưới, bởi đến nay lượng nước ở các hồ chứa khá thấp, mới đạt 43% dung tích thiết kế, thấp hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu từ nay đến đầu vụ sản xuất mà lượng mưa không đáng kể thì sẽ giảm gần 1.000 ha sản xuất lúa có nguy cơ thiếu nước để chuyển sang các loại cây trồng cạn.
Riêng đối với những chân ruộng trũng tại các xã Hoài Mỹ, Tam Quan Nam, Hoài Sơn, Hoài Đức, Hoài Hương, phương án thoát nước cũng được triển khai cùng lúc.
Ông Trần Văn Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Đức, cho biết: “Vụ ĐX thời tiết thường diễn biến phức tạp, ngoài việc triển khai phương án sản xuất cụ thể, xã chú trọng công tác nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra, hạn chế thấp nhất tình trạng mất giống đầu vụ”.
Có thể bạn quan tâm

Mới đây qua kiểm tra, Chi cục Thú y Đồng Nai đã phát hiện 15 cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Ngay sau đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc, giữ lại đàn heo của các trại này, xử lý thật nghiêm, không để ra thị trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu heo Đồng Nai.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.

Trong chăn nuôi heo, thức ăn chiếm 70 - 80% chi phí đầu tư. Do đó việc sử dụng nguồn thức ăn hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu dưỡng chất các loại heo ở giai đoạn khác nhau để cho sức sản xuất tối đa vừa bảo đảm chi phí thấp nhất nhằm tạo lợi nhuận cao nhất luôn là trăn trở của các nhà chăn nuôi. Gia đình ông Phùng Văn Bộ, ở ấp Tà Hách, xã An Phú, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước không ngoại lệ.
Ngày 5.8, trong khuôn khổ Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), chi nhánh Quảng Ngãi phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện Ba Tơ, Minh Long tổ chức trao tặng bò giống cho hộ nghèo.

Từ lâu, nhãn Sông Mã đã là một sản vật có thương hiệu trên thị trường, từ thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng kinh tế miền núi, những người dân Hưng Yên đã mang giống nhãn lồng lên trồng tại mảnh đất này.