Sản Xuất Vụ Đông Ở Định Hóa Những Chuyển Biến Tích Cực

Tuy không phải vụ chính nhưng sản xuất cây vụ đông ở huyện Định Hóa những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con với việc mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất...
Vụ đông năm nay, huyện Định Hóa có kế hoạch trồng 921ha cây màu các loại, trong đó ngô là 350ha, khoai tây 60ha, khoai lang 205ha, rau các loại là 280ha... Chị Hoàng Thị Lê, ở xóm 7, xã Tân Dương cho biết: Gia đình tôi trồng 7 sào ngô lai xen lẫn với bí xanh.
Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa sớm, cả nhà đã tập trung làm đất, đến nay cây ngô và bí đều đang phát triển tốt... Còn ông Trần Văn Cam, ở xóm 4, xã Tân Dương thì chia sẻ: 14 sào ruộng của gia đình đều trồng ngô xen lẫn cây bí xanh. Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu được trên 2 tấn ngô, gần 3 tấn bí xanh từ diện tích này. Đây là mô hình được bà con trong xã thực hiện từ nhiều năm nay, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Chúng tôi làm đất và trồng ngô, bí song song. Khi cây ngô cao và ra bắp thì quả bí cũng đã to. Ưu điểm nổi bật của mô hình này là tận dụng được nguồn phân bón dư thừa từ bí để phát triển cây ngô. Ngược lại, lá cây ngô có tác dụng ngăn cản gió rét, giữ cho lá bí không bị táp và còn có tác dụng ngụy trang, giúp cho hoa, quả bí không bị các loại sâu bệnh gây hại…
Một số loại cây trồng khác như: Khoai tây, cà chua, các loại rau xanh cũng được bà con trong huyện đưa vào trồng, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng qua việc trồng cây mầu. Ông Trần Doãn Sơn, xóm Bãi Á 1 cho biết: Vụ đông nào gia đình tôi cũng dành gần 1 sào ruộng để gieo rau giống.
Mỗi vụ gieo được 3 lứa rau giống, mỗi lứa khoảng 5 vạn cây rau (như: su hào, cải bắp, súp lơ, các loại rau cải...), qua đó tạo cho gia đình tôi thu nhập gần 30 triệu đồng.
Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây trồng vụ đông, UBND huyện Định Hóa đang tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ với định mức 20 nghìn đồng/sào đối với ngô lai; 300 nghìn đồng/sào đối với khoai tây; 130 nghìn đồng/sào đối với bí xanh; 100 nghìn đồng/sào đối với trồng cây cà chua, dưa chuột, ớt...; ngân sách huyện hỗ trợ định mức 10 nghìn đồng/sào đối với các loại ngô lai...
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn còn phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Chị Trần Thị Thắng, cán bộ phụ trách địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường xã Kim Phượng cho biết: Vụ đông năm nay, xã có kế hoạch trồng 8ha ngô, 6ha khoai lang, 10ha rau, 20ha khoai tây. Đến nay, các chỉ tiêu này đều đạt và vượt. Có được kết quả này là do Ban Chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp của xã đã chỉ đạo rất sát sao.
Các cơ chế hỗ trợ sản xuất của tỉnh, huyện cũng đã góp phần khuyến khích, tạo thêm động lực cho người người dân mạnh dạn tăng diện tích các loại cây trồng. Đặc biệt, xã đã tạo được mối liên kết với Doanh nghiệp Huy Hùng (Đồng Hỷ) trong việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho khoai tây.
Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp các xã rà soát lại diện tích đất màu, đất lúa mùa sớm, mùa trung có khả năng trồng cây vụ đông. Khuyến cáo bà con khẩn trương thu hoạch lúa mùa, để làm đất gieo trồng cây vụ đông.
Bố trí loại cây trồng theo từng chân ruộng để đảm bảo kịp thời vụ. Cụ thể: đối với diện tích lúa thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, thì trồng các loại cây ưa ấm như: ngô, đỗ tương, bí xanh, lạc.
Những diện tích lúa thu hoạch vào nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11 thì trồng cây ưa lạnh như: khoai tây và một số rau, màu khác. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn cũng đã khuyến cáo bà con tận dụng đất soi bãi, đất vườn để mở rộng diện tích trồng các loại rau màu; trồng cây vụ đông tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng; chủ động trữ nước...
Nhờ có các giải pháp cụ thể như trên, đến nay toàn huyện đã trồng được 712ha cây vụ đông, đạt 77,3% kế hoạch. Ban Chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp các xã tiếp tục khuyến cáo bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Bao thai, khẩn trương làm đất trồng khoai tây và các loại rau màu khác.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình tôm - lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) đã khẳng định được tính hiệu quả cũng như tính thích nghi đối với khu vực ven biển ĐBSCL; tiềm năng mỗi năm có thể mở rộng SX lên 200.000 - 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1 triệu tấn lúa hữu cơ, đặc sản và trên 100.000 tấn tôm sạch phục vụ nhu cầu chế biến XK.

Trong khi một số nhà máy sản xuất hạt điều xuất khẩu lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thiếu nguyên liệu, phải thường xuyên nhập khẩu thì nông dân trồng điều lại không dễ dàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nghịch lý trên tồn tại nhiều năm qua, một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Thời gian qua, mặt hàng nhãn tiêu da bò chủ yếu xuất khẩu, việc tiêu thụ ở nội địa rất hạn chế do có ít người ăn. Theo nhiều tiểu thương thu mua nhãn tiêu da bò, giá nhãn tiêu giảm là do đầu ra trong xuất khẩu đang yếu, giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh làm không ít nhà vườn ngán ngại đầu tư, chăm sóc vườn nhãn. Trong khi đó, hiện bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn tiếp tục gây hại, làm giảm năng suất, sản lượng cho trái của nhiều vườn nhãn tại ĐBSCL.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, việc nhập lậu cá tầm thương phẩm qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra rất phức tạp, cá tầm nhập khẩu vào Việt Nam không qua kiểm dịch thú y, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản và nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mua nhím giống với giá hơn chục triệu đồng/con, sau mấy năm chăm sóc, nhím trưởng thành có trọng lượng gần 20 kg bán được mức giá tròm trèm vài triệu đồng. Hàng loạt chủ trại nhím ở các tỉnh vùng cao Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… đang điêu đứng vì giá bán nhím giảm mạnh.