Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Doanh Nghiệp FDI Chiếm Lĩnh

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng trưởng tốt nhờ chăn nuôi đang dần phục hồi. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, ước cả năm 2014, sản lượng đạt khoảng 14 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với năm 2013.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn là các đại gia nắm quyền chi phối trong ngành này. DN nhỏ và vừa đang chật vật tìm hướng để tồn tại trong giai đoạn hội nhập.
* Tăng trưởng tốt hơn
Khảo sát thị trường thức ăn chăn nuôi cho thấy, sản phẩm do các tập đoàn FDI, như: CP, Cargill, Emivest... hiện đang chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, sự chuyển hướng từ chăn nuôi tư nhân sang chăn nuôi gia công cho các công ty FDI là lợi thế cạnh tranh không nhỏ.
Ông Bùi Đình Bưởi, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, cho biết hiện chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình đang dần được thay thế bằng chăn nuôi trang trại với quy mô lớn. Trong đó, trên 90% trang trại chăn nuôi gia cầm đều nuôi gia công cho DN FDI. Chăn nuôi heo gia công cũng đang có chiều hướng tăng, hiện chiếm khoảng 20% trên tổng số trang trại ở địa phương.
Theo các chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, thị trường thức ăn chăn nuôi ngày càng cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, tham gia cuộc đua này chủ yếu là các tập đoàn, DN lớn do nước ngoài đầu tư. Ngoài cạnh tranh về giá, các thương hiệu lớn đang giữ chân khách hàng bằng dịch vụ, chiến lược khuyến mãi.
Đại diện của Công ty cổ phần Việt Pháp (Proconco) nhận xét, gần 1 năm nay, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đang dần khởi sắc khi người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư, tái đàn nhờ giá tốt.
Giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm mạnh, các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi đang chạy đua thu hút khách bằng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi. Dự đoán, từ nay đến cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi sẽ khá ổn định.
* Doanh nghiệp nhỏ chật vật tìm cơ hội
Thức ăn chăn nuôi nội địa chủ yếu do các DN nhỏ và vừa đầu tư đang chiếm vị trí khá khiêm tốn trên thị trường, vì đối tượng khách hàng chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần bị thu hẹp. Không ít DN đối mặt với nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản.
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH VaCo (huyện Vĩnh Cửu), lo lắng: “DN sản xuất thức ăn chăn nuôi nội địa đang “chết” dần vì không cạnh tranh được trên thị trường do thua về vốn, công nghệ, quản trị…”.
Giai đoạn sản xuất - kinh doanh tốt, trung bình mỗi tháng Vaco cung cấp ra thị trường khoảng 500 tấn thức ăn gia súc nhưng 2 năm trở lại đây chỉ sản xuất cầm chừng, có giai đoạn ngừng hẳn. “Để tìm cơ hội trong giai đoạn khó khăn, VaCo hiện đang tham gia làm thành viên xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi của Hợp tác xã Đồng Hiệp.
Ngoài khó khăn về vốn, chúng tôi đang gặp nhiều trở ngại về thủ tục hành chính trong chuyển đổi hoạt động. DN nhỏ và vừa rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng các chính sách, cơ chế ưu đãi thiết thực, cụ thể” - ông Nguyễn Văn Anh nói.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, cũng cho rằng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã bão hòa. Mặt khác, những bất hợp lý trong hoạt động vận tải khiến việc tổ chức sản xuất tại chỗ đang có nhiều lợi thế nên người chăn nuôi chuyển hướng đầu tư tự trộn thức ăn chăn nuôi. DN nhỏ và vừa trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì đang đối mặt với áp lực cạnh tranh tứ bề như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, nhiều diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên) bị hư hại nặng, phải nhổ bỏ. Theo xác định của chuyên gia Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT), một loài ấu trùng sâu non họ bửa củi (bọ cánh cứng) đã gây hại cây sắn.

Đã qua nửa tháng thu hoạch nhưng gần 20 ha ngô Sugar 75 (ngô ngọt) mà một số nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Tín Đạt Thành vẫn chưa được thu hoạch vì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm cho nông dân như cam kết ban đầu.

Cùng với việc giá quế vỏ tăng cao, năm nay, người trồng quế ở tỉnh Quảng Ngãi còn đón nhận niềm vui mới, khi một nhà máy chế biến tinh dầu từ cành, lá quế được đầu tư xây dựng ngay trên đất quế Trà Bồng.

Năng suất bình quân đạt hơn 7,38 tấn/ha, nếp tươi được thương lái mua tại ruộng dao động từ 4.900 - 5.000 đồng/kg. Với năng suất đạt và giá nếp cao như hiện nay, bà con nông dân rất phấn khởi, vì lợi nhuận đem lại từ cây nếp trong vụ này cao hơn vụ trước gần 7 triệu đồng/ha.

Thực hiện chỉ đạo của thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ xác định một số giống khoai mì mới, khuyến cáo đưa các giống khoai mì năng suất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện hạn hán vào trồng đại trà ở Tây Nguyên, gồm: KM 140, KM 98-5, KM 98-7, KM 419, SM 939-26.