Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản xuất thành công rau thủy canh theo công nghệ châu Âu

Sản xuất thành công rau thủy canh theo công nghệ châu Âu
Ngày đăng: 22/07/2015

Vui buồn chuyến xuất ngoại

Là một trong những nhà vườn xuất sắc trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng, cuối năm 2014, bà Phạm Thị Thu Cúc vinh dự được Công ty Rijk Zwaan của Hà Lan (đơn vị chuyên cung cấp hạt giống), mời sang Malaysia tham quan một số mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu.

Chuyến đi này đã để lại trong bà Cúc nhiều niềm vui và cũng lắm trăn trở, âu lo. Vui là được tiếp cận, làm quen với công nghệ sản xuất rau theo phương pháp mới, cho năng suất, chất lượng vượt trội, mở mang kiến thức. Nhưng với bà, nỗi buồn lại có phần nhiều hơn, vì khi nghĩ về cách sản xuất nông nghiệp ở quê nhà, trong đó có gia đình bà đã quá lạc hậu so với những mô hình mà mấy ngày qua bà được tham quan ở Malaysia.

Được tiếp cận, học hỏi phương pháp sản xuất nông nghiệp mới, tiên tiến, hiện đại nhưng khi biết để sản xuất được rau thủy canh theo công nghệ châu Âu có giá đầu tư không dưới 800 triệu đồng/1.000m2, thì bà Cúc bắt đầu lo lắng nhiều hơn. Không phải vì gia đình bà không đủ tiền để đầu tư mà với giá này, trồng rau muốn có lãi sẽ phải đội giá thành sản phẩm lên cao, trong khi mặt bằng chung của các loại rau thông thường tại Việt Nam rất thấp, bán rau thủy canh với giá cao liệu có được thị trường trong nước chấp nhận? Mô hình này có thể làm được ở Việt Nam hay không? Với suy nghĩ như thế khiến bà Cúc trăn trở, lo lắng trên chuyến bay trở lại Việt Nam.

“Nếu cứ lo thất bại thì chẳng thể nào có ngày thành công. Tôi quyết định tung tiền ra thử một phen. Lợi thế lớn của tôi là đã có nhà kính đạt tiêu chuẩn (trị giá 200 triệu đồng/1.000m2), có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các loại rau công nghệ cao…”- bà Cúc chia sẻ.

Tháng 10/2014, bà Cúc nâng cấp 1.000m2 nhà kính từ việc nhập các thiết bị của Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ, như ống máng, dây dẫn nước, van khóa, giá thể đựng cây… cùng hạt giống xà lách nhập khẩu, tổng trị giá lô hàng đầu tiên này là 600 triệu đồng vào một cuộc thử nghiệm táo bạo.

Thành công từ thất bại

Lứa rau thủy canh đầu tiên theo công nghệ châu Âu thất bại là tình huống mà bà Cúc đã lường trước được sự việc, đó là vào tháng 3/2015. Trong lứa rau này, gia đình bà Cúc hầu như không thu hoạch được gì vì cây phát triển không đồng đều, chết yểu, nửa còn lại hư hỏng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng (tiền giống, điện…). Biết một mình không thể tự mày mò sản xuất rau thủy canh theo công nghệ châu Âu, bà Cúc đã “cầu cứu” phía Công ty Rijk Zwaan. Công ty này sau đó đã cử chuyên gia kỹ thuật qua Việt Nam để hướng dẫn và tư vấn để bà tiếp tục sản xuất.

Lần này, với những kiến thức cơ bản đã tích lũy từ lần thất bại của lứa rau trước, với sự giúp sức của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, bà Cúc tự tin bước vào gieo trồng lứa rau thủy canh thứ hai. Nhờ gieo trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình, lứa rau tiếp theo của gia đình bà Cúc đã phát triển rất nhanh, cây đồng đều, lá tươi xanh mơn mỡn từ gốc lên ngọn.

Trong 1.000m2 bà Cúc trồng được 25.000 cây rau xà lách. Các dưỡng chất cho cây được cung cấp hòa theo nước chảy luân hồi 24/24 giờ từ nguồn cung của 3 bồn nhựa loại 5.000 lít kết nối với hệ thống máy bơm, máy phát điện dự phòng... Trung bình sau 30 - 35 ngày là có thể thu hoạch. Rau thủy canh thu hoạch tại vườn nhà bà Cúc có trọng lượng mỗi cây trên dưới 200g, 1.000m2 có thể thu 5 tấn mỗi đợt. Ưu điểm của mô hình mà bà Cúc đang làm là tỷ lệ hư hao rất ít, gần như lá nào cũng dùng được do khâu bảo quản tốt và tuyệt nhiên không bị lấm đất. Đặc biệt, trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào nên người sử dụng không bao giờ phải băn khoăn về chất lượng sản phẩm.

Hay tin người phụ nữ này trồng thành công rau thủy canh theo công nghệ châu Âu, hệ thống siêu thị Metro và VinMart đã liên hệ nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg, tùy loại xà lách. Với giá bán này, trung bình bà Cúc thu trên 230 triệu đồng cho 1.000m2 mỗi đợt và lãi trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bà Phạm Thị Thu Cúc cho biết, với thành công này, hiện gia đình bà đang khẩn trương mở rộng diện tích trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu.


Có thể bạn quan tâm

Đà Lạt Đà Lạt "Xứ Sở" Đông Trùng Hạ Thảo?

Đó là tương lai không còn xa, khi mà loại dược liệu quý hiếm - Đông trùng hạ thảo đã được trồng thành công và sản xuất hàng loạt theo hướng công nghiệp tại thành phố hoa. Theo các chuyên gia nghiên cứu, với điều kiện khí hậu rất phù hợp, Đà Lạt là vùng đất lý tưởng cho Đông trùng hạ thảo phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng.

16/01/2015
Người Cor Thay Đổi Tập Quán Chăn Nuôi Người Cor Thay Đổi Tập Quán Chăn Nuôi

Những năm trở lại đây, thay vì thả rông trâu bò ngoài núi, người Cor ở xã Trà Giang (Trà Bồng - Quảng Ngãi) đã mạnh dạn chăn nuôi theo hình thức chuồng trại, trồng cỏ VA06 làm thức ăn cho bò. “Cũ người, mới ta”, mô hình này, bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực tại địa phương.

16/01/2015
Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân Tạo Điều Kiện Thu Mua Hết Sữa Tươi Cho Nông Dân

Trước tình trạng tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… các DN không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi bò sữa trong khi chất lượng sữa vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các địa phương sớm tháo gỡ.

16/01/2015
Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình) Mô Hình Chăn Nuôi Gà Thả Đồng Ở Xã Kim Bình (Hòa Bình)

Trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, hầu hết những chân ruộng một vụ ở xã Kim Bình (Kim Bôi - Hòa Bình) bỏ hoang. Tuy nhiên, bằng cách làm sáng tạo, chịu khó của mình, những nông dân ở đây đã biến những chân ruộng 1 vụ thành bãi chăn thả nuôi gà mang lại giá trị kinh tế cao và tận dụng được nguồn phụ phẩm nông sản của gia đình.

16/01/2015
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trại Bò Giống Lai Chất Lượng Cao Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Trại Bò Giống Lai Chất Lượng Cao

Nhận thấy địa bàn xã Bình Tân đất rộng, nhà thưa, ruộng lúa mênh mông… rất thuận lợi để phát triển đàn bò, năm 2012, anh quyết định đầu tư chuồng trại, mua 5 con bò giống (bò ta) về nuôi. Qua thời gian nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại từ giống bò này không cao do chúng vừa nhỏ con, chậm lớn, thời gian phối giống lại kéo dài (17 - 18 tháng tuổi)… anh đành chấp nhận bán chịu lỗ.

16/01/2015