Sản Xuất Thành Công Giống Ốc Hương Ở Quảng Ngãi

Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi”, Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi đã sản xuất thành công ốc hương giống, góp phần cung cấp nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Dự án được triển khai tại Trại thực nghiệm giống thủy sản Đức Phong, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức). Quy trình sản xuất giống ốc hương được thực hiện theo các bước sau: Tuyển chọn ốc bố mẹ, nuôi vỗ thành thục cho đẻ trứng, thu và ấp trứng; ương nuôi ấu trùng; ương nuôi ốc giống; thu hoạch.
Ốc bố mẹ đưa vào vỗ là 148 cặp. Năm 2011, ốc bố mẹ tham gia sinh sản với 180 cặp, trong 2 lần đẻ (lần 1 là 60 cặp, lần 2 là 120 cặp). Số bọc trứng thu được từ ốc bố mẹ là 6.252 bọc trứng, nở được 5.212 bọc (tỷ lệ nở đạt 82,5%), sau khi ấp thu được 2.450.000 ấu trùng veliger. Trung bình một con cái đẻ khoảng 35 bọc trứng/lần đẻ, sức sinh sản bình quân 25.807 trứng. Sau thời gian 1,5 tháng ương nuôi thu được 445.000 con ốc giống. Năm 2012, ốc bố mẹ tham gia sinh sản là 95 cặp, số bọc trứng thu được từ ốc bố mẹ là 3.798 bọc trứng, nở được 3.418 bọc (tỷ lệ nở đạt 90%), sau khi ấp thu được 2.540.000 ấu trùng veliger. So sánh tỷ lệ nở giữa hai năm thì năm 2012 ốc bố mẹ có sức sinh sản cao hơn năm 2011, điều này chứng tỏ trong điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đàn ốc bố mẹ như nhau, nhưng khi ốc càng trưởng thành thì sức đẻ càng tăng, ông Phạm Tấn Quang - Chủ nhiệm dự án cho biết.
Bên cạnh đó, để đánh giá chất lượng ốc giống, dự án đã thả nuôi thử nghiệm ốc hương thương phẩm. Năm 2011, dự án thả nuôi 445.000 con ốc giống tại hộ ông Nguyễn Kim Đức ở xã Bình Thuận (Bình Sơn). Trong thời gian đầu, ốc phát triển bình thường và ăn tốt. Hai tháng sau, ốc bắt đầu chết dần. Nguyên nhân là do mưa lớn liên tục, chất thải sinh hoạt trong khu dân cư đổ ra vùng nước nuôi. Bên cạnh đó, đê chắn sóng của cảng Dung Quất cản trở sự tuần hoàn nước giữa trong vịnh với ngoài vịnh, nên vùng nuôi bị ô nhiễm, làm cho ốc bỏ ăn, yếu dần và chết.
Năm 2012, dự án phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm ốc hương trong đăng trên diện tích 1.330 m2 tại xã Bình Thuận. Số lượng ốc thả nuôi là 411.000 con ốc giống, trọng lượng khoảng 9.000 con/kg. Qua theo dõi mô hình, ông Nguyễn Hữu Thái - Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Ngãi cho biết: Ốc giống được thả nuôi có màu sắc vỏ tươi sáng, kích cỡ đồng đều, khoẻ mạnh.
Thời gian vận chuyển từ Trại sản xuất đến địa điểm thả nuôi ngắn; đồng thời các yếu tố môi trường có sự chênh lệch không lớn nên sau khi thả ốc vùi mình vào cát nhanh, tỷ lệ sống đạt khá cao. Sau 6 tháng nuôi, ốc sinh trưởng, phát triển tốt và không có dấu hiệu bị bệnh. Trọng lượng bình quân đạt 100 con/kg. Sản lượng thu được 3.200kg. Với giá ốc thương phẩm khoảng 180.000 đồng/kg, mô hình thu về khoảng 576 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 180 triệu đồng.
Với kết quả đạt được, dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi” không chỉ ứng dụng thành công kỹ thuật để hoàn thiện quy trình sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi mà còn góp phần giúp người dân chủ động được nguồn giống ốc hương, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người nuôi thuỷ sản, góp phần xoá đói giảm nghèo cho các vùng nông thôn ven biển.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian qua, do những diễn biến thất thường của thời tiết, có những thời điểm nhiệt độ thường xuyên lên đến 38-40oC, kéo dài nhiều ngày đã ảnh hưởng không nhỏ đến không chỉ đời sống của con người mà còn có những tác động bất lợi đến sinh trưởng của cây trồng, trong đó cây chè là một trong những loại cây trồng bị tác động khá lớn. Ông Lê Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ cho biết: Từ nhiệt độ 35oC trở lên, cây chè sẽ ngừng sinh trưởng.

Chiều 10/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp & PTNT về triển khai công tác phòng, chống bệnh đốm nâu trên thanh long. Tham dự cuộc họp có một số sở, ban ngành; ban chỉ đạo phát triển cây thanh long bền vững các địa phương và một số nông dân trồng thanh long.

Cần đặt ngành Chăn nuôi của Việt Nam vào “bản đồ” chăn nuôi thế giới để thay đổi cách tiếp cận trong việc phát triển ngành theo hướng sản xuất hàng hóa có cạnh tranh cao về chất lượng, giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, dù dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, song chăn nuôi của Hà Nội vẫn tương đối ổn định.

Nhờ áp dụng công nghệ nuôi bò sữa của Israel nên năng suất cho sữa của đàn bò ở trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa của TPHCM có năng suất cao hơn năm trước gần 19%. TPHCM hiện đang tính toán để nhân rộng mô hình này.