Sản Xuất Phân Bón Hữu Cơ Từ Chế Phẩm Vi Sinh Vật Đa Chức Năng Nhân Rộng Cách Làm Cho Người Dân

Vừa qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và thực hành về sản xuất phân bón từ chế phẩm vi sinh vật đa chức năng tại thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong) và được người dân nơi đây vui mừng tiếp nhận.
Ông Ma Se Nhà, người dân trong thôn cho biết: "Cách sản xuất phân bón từ chế phẩm vi sinh vật đa chức năng do Sở Khoa học và Công nghệ chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật vừa qua rất đơn giản. Người dân chỉ cần nắm vững quy trình sản xuất và tỷ lệ pha trộn theo đúng quy định là được.
Nguyên liệu ở đây được tận dụng từ xác bã thực vật, phế thải chăn nuôi, than bùn, vỏ cà phê, điều… sau đó xử lý cơ học cho các vật liệu đạt độ đồng nhất…
Hiện tại, gia đình tôi đang trồng 2 ha cà phê, nếu áp dụng cách bón phân từ việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp này thì chi phí đầu tư sẽ giảm được rất nhiều. Tôi nghĩ gánh nặng về đầu tư phân bón không còn là nỗi lo của người dân nữa".
Ông Lý Văn Thìn, Trưởng thôn 1 cũng chia sẻ: "Được ngành chức năng về tận thôn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân bón nên bà con háo hức và tham gia rất đông. Vì thế, mọi người đều xắn tay áo cùng các cán bộ làm luống, phối trộn men… để nắm bắt được kỹ hơn về cách làm.
Sau lớp tập huấn này, Ban tự quản thôn sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền xã, các ngành chức năng để tuyên truyền, vận động bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp cho quá trình tái đầu tư nông nghiệp trên địa bàn ngày một thêm hiệu quả"...
Cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn cách sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng cho bà con ở thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong)
Theo ông Đinh Văn Thuần, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ thì chế phẩm này có rất nhiều công dụng như cải tạo đất thông qua hoạt tính cố định đạm tự do và hoạt tính phân giải lân khó tan, từ đó làm tăng độ phì nhiêu và khả năng giữ ẩm của đất trồng.
Ngoài ra, chế phẩm còn hạn chế được các bệnh hại trên bộ rễ cây trồng thông qua hoạt tính đối kháng, ức chế sự phát triển của nấm và vi khuẩn gây bệnh…
Để sản xuất ra loại men này, hiện tại, đơn vị đã được trang bị nhiều máy móc, trang thiết bị, bao gồm: Tủ cái, nồi hấp, máy nghiền, máy trộn, máy tự lên men chìm thu sinh khối vi sinh vật… Trước đây, loại men vi sinh vật này, đơn vị thường nhận về từ Viện Môi trường nông nghiệp Hà Nội (Bộ Nông nghiệp-PTNT).
Tuy nhiên, sau khi Dự án áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại tỉnh Đắk Nông hoàn thành và chuyển giao công nghệ, hiện tại, đơn vị đã lưu giữ được giống gốc, lên men cấp I sau đó lên men dịch cấp II, lên men trên cơ chất xốp, rồi kiểm tra hoạt tính mức độ, độ tạp nhiễm và cuối cùng là đóng gói bao bì.
Trong thời gian qua, đơn vị cũng đã xây dựng được 5 mô hình trên 4 loại cây ở địa bàn của 3 huyện Đắk R'lấp, Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa. Hiệu quả mang lại rất cao, không chỉ năng suất lên thêm 10%, mà còn giảm được 20% chi phí cho phân bón và 50% chi phí nhân công.
Hiện nay, đơn vị đang tích cực làm việc với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cùng liên kết sản xuất phân bón từ chế phẩm hữu cơ vi sinh vật đa chức năng; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng tới người dân thông qua các tổ chức hội, phương tiện thông tin đại chúng.
Song song với đó, đơn vị cũng sẽ tiến hành đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng và tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn để người dân tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Trung tâm sẽ tập trung chuyển giao khoa học công nghệ cho các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao trình độ canh tác và tăng thu nhập cho bà con.
Có thể bạn quan tâm

Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.

Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...

Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá bán các loại trái cây chủ lực tại vườn đồng loạt giảm, bình quân giảm từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tùy theo từng loại trái. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.

Trong những năm qua, việc áp dụng các giống mới vào sản xuất đã giúp cho năng suất lúa của nông dân không ngừng tăng cao. Nhưng hiện nay, ở một xã trên địa bàn, không ít hộ vẫn sử dụng lúa thương phẩm để làm giống. Cách làm này không chỉ khiến cho năng suất lúa thấp mà cây lúa dễ bị nhiễm bệnh, chi phí đầu tư cao...

Trong những năm qua, đời sống của người dân ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) không ngừng cải thiện, nâng cao. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,2% trên tổng số 1.021 hộ dân. Có được kết quả đó là do thị trấn đã thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao, điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn.