Sản Xuất Nhỏ, Hiệu Quả Cao

Chỉ với 500m2 rau xanh, bình quân mỗi tháng anh Huỳnh Văn Hương (trong ảnh), thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn thu được gần 4 triệu đồng.
Sẵn có mảnh đất vườn bỏ trống, năm 2011, anh Hương cải tạo trồng rau xanh. Ban đầu làm vườn chỉ nhằm mục đích tìm thú vui những lúc nhàn rỗi, cải thiện bữa ăn gia đình, nên anh chỉ trồng vài luống rau cải. Cứ mỗi sáng sớm, thay vì chạy bộ tập thể dục, anh xuống sông Ông xách nước tưới rau.
Công việc không mệt nhọc, lại rèn luyện sức khỏe dẻo dai nên anh tăng dần diện tích. Lượng rau sản xuất được cũng ngày càng nhiều, không những đủ ăn cho gia đình mà còn dư biếu người thân, hàng xóm. Nhiều người nể tấm lòng “thơm thảo” của anh nên mỗi lần nhận rau không quên gửi lại ít tiền để anh có điều kiện “tái đầu tư sản xuất”.
Thấy nhu cầu sử dụng rau sạch của bà con ngày càng cao, nên đầu năm 2012 anh Hương quyết định mở rộng diện tích lên 500m2, sản xuất đại trà nhiều loại rau khác nhau cung cấp cho thị trường. Với phương châm đảm bảo rau sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên anh chú trọng làm đất tơi xốp, nhổ sạch cỏ dại, rải vôi xử lý mầm bệnh, bón phân hữu cơ vi sinh trước khi gieo hạt giống.
Từ khi xuống giống cho đến ngày thu hoạch (khoảng 25 ngày) anh Hương không bón thêm một loại phân nào, chỉ dùng nước sạch tưới, giữ độ ẩm hợp lý cho đất. Số lần tưới trong ngày tùy theo thời tiết. Trời nắng nóng mỗi ngày tưới 3 lần, trời dịu mát ngày tưới 2 lần.
Nhờ có nguồn nước sạch dồi dào từ sông Ông nên vườn rau của anh quanh năm xanh tốt. Thời điểm trước, trong và sau Tết Quý Tỵ- 2013 anh xuất ra thị trường hàng tấn rau sạch, thu về khoản tiền khá lớn. Anh Hương, thổ lộ: Mô hình trồng rau sạch trong vườn nhà rất phù hợp với những nông dân thiếu đất sản xuất, đặc biệt là chi phí đầu tư thấp nên hộ nào cũng có thể thực hiện được.
Từ sản xuất có hiệu quả, anh Huỳnh Văn Hương đang dự định mở rộng thêm diện tích vườn rau, lắp đặt hệ thống tưới tự động. Có khá nhiều hộ dân sống dọc hai bờ sông Ông đến tham quan vườn rau của anh, học hỏi kinh nghiệm làm theo.
Có thể bạn quan tâm

Cũng phải vài lần hẹn tôi mới được mục sở thị trang trại chăn nuôi lợn trong chuồng… điều hòa nhiệt độ ở huyện Văn Giang (Hưng Yên). Xem cách nuôi lợn trong các chuồng lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ, tôi gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Dẫn tôi đi thăm mô hình nuôi bò sữa của gia đình ông Nguyễn Văn Thu ở thôn Bãi Dài, một hộ dân nuôi bò sữa lớn nhất trên địa bàn xã An Sinh (Quảng Ninh) hiện nay, ông Lê Đình Đảm, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ An Sinh cho biết: Hiện nay, có 3 thôn của xã An Sinh duy trì và phát triển tốt đàn bò sữa với tổng số là 53 con, nuôi tại 12 hộ dân.

Gần 12 năm lập nghiệp trên vùng đất khó, bằng ý chí và nghị lực, vợ chồng anh Nguyễn Quang Trường (32 tuổi) và chị Mai Thị Ngoan (31 tuổi), trú ấp 3, xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài, Bình Phước) đã là chủ một mô hình kinh tế tổng hợp với 3 ha cao su, điều, kết hợp chăn nuôi thỏ cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Theo chỉ đạo của UBND huyện Đạ Tẻh, để mở rộng mô hình thâm canh điều đúng kỹ thuật, vừa qua, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã mở nhiều lớp tập huấn nhằm hướng dẫn kỹ thuật thâm canh vườn điều cho các hộ dân tại 7 xã trong huyện là Đạ Lây, Hương Lâm, Mỹ Đức, Quốc Oai, Quảng Trị, Triệu Hải và Đạ Pal. Dự kiến trong thời gian tới, diện tích điều thâm canh của huyện Đạ Tẻh sẽ được tiếp tục mở rộng.

Những lĩnh vực sẽ phát triển sau cây macadamia có thể kể tới là: Sản xuất cây giống, thiết bị trồng, chế biến, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các dịch vụ nông nghiệp cho cây macadamia,… Tổng giá trị các lĩnh vực sau cây macadamia sẽ lớn gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị về nguyên liệu của ngành trồng trọt cây macadamia mang lại.