Sản Xuất Lúa Ruộng Ở Mường Đun

Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa có 130ha ruộng, trong đó 97ha cấy được 2 vụ lúa/năm. Những năm gần đây, nhờ được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác nên các loại cây trồng chủ lực, giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất đại trà. Nhờ đó, năng suất và sản lượng lúa của xã tăng 1,5 lần so với 10 năm trước đây, bình quân vụ chiêm đạt 56 tạ/ha, vụ mùa 47 tạ/ha.
Ông Quàng Văn Ém, Chủ tịch UBND xã Mường Đun, cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn, lại được hưởng chính sách của huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, nên xã có nhiều thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những năm gần đây, từ nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án được phân bổ, Mường Đun đã đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở làm thay đổi bộ mặt KT - XH địa phương.
Trong đó, công trình thủy lợi được chú trọng xây dựng, hầu hết các bản được xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước. Hiện nay các công trình đang phát huy hiệu quả, giúp người dân sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Ông Quàng Văn Thọng, Trưởng bản Đun I, tâm sự: Gia đình tôi có 4.000m2 ruộng bậc thang, trước đây chỉ gieo cấy được 1 vụ lúa/năm, do thiếu nguồn nước. Mặt khác, các giống lúa địa phương gieo cấy nhiều năm bị thoái hóa, khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên kém, nông dân không sử dụng phân bón, nên năng suất thấp.
Mấy năm gần đây, nhờ có hệ thống kênh mương dẫn nước, nguồn nước ổn định, giống mới đưa vào sản xuất đại trà, nhờ đó năng suất và sản lượng lúa tăng gấp đôi so với trước đây. Thu nhập từ lúa đã trở thành một trong những nguồn thu chủ yếu của gia đình. Ngoài ra, tôi đầu tư mua máy cày, bừa đất để sản xuất kịp thời vụ, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp nên đã có lúa dư thừa để phát triển chăn nuôi hoặc bán ra thị trường.
Chúng tôi có mặt ở Mường Đun vào thời điểm trung tuần tháng 7, không khí lao động sản xuất trên đồng ruộng tại các bản Đun I, 2, bản Hột, bản Kép... thật nhộn nhịp khẩn trương. Nơi này bà con nhổ mạ, chỗ kia cày bừa đất, nơi khác đang cấy lúa. Hầu hết các gia đình tập trung nhân lực và thời gian ở ngoài đồng ruộng để sản xuất kịp thời vụ. Điều kiện sản xuất thuận lợi, năng suất lúa ổn định, sản phẩm có đầu ra, đó là những yếu tố làm cho nông dân nơi đây chú trọng đầu tư phát triển lúa nước, gắn bó với đồng ruộng.
Có thể bạn quan tâm

Đưa hành, tỏi xuất ngoại là hướng đi mới đem lại nhiều hy vọng cho nông dân nơi đây.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 20% cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nhưng ngành chăn nuôi đang có những đóng góp quan trọng trong việc thu hút các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác phòng, chống đang còn nhiều bất cập…

Dù thị trường Nhật Bản đã mở, nhưng xuất khẩu trái cây sang nước này trong thời gian tới chưa chắc đã như mong muốn của chúng ta, nếu doanh nghiệp và nhà vườn không cố gắng ở mức cao nhất.

Từ vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), những hạt gạo ngọt lành của Việt Nam đã đến với bạn bè thế giới.

Trái cây ngon của Việt Nam không còn quanh quẩn ở các thị trường dễ tính mà đã vào thị trường cao cấp.