Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Đông Xuân

Sẵn Sàng Cho Vụ Lúa Đông Xuân
Ngày đăng: 15/11/2014

Tranh thủ mực nước lũ đang xuống thấp, bà con ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Châu Thành A đã chủ động vệ sinh đồng ruộng, liên kết lại với nhau thành từng tổ, đội để cùng bơm tác tập trung và xuống giống lúa Đông xuân 2014-2015 một cách đồng loạt.

Gieo sạ sớm hơn 10 ngày

Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm nay, không khí họp bàn giữa ngành chức năng với người dân ở các đội sản xuất trên địa bàn thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A để ấn định ngày đặt máy bơm nước xuống giống vụ lúa Đông xuân trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật thị trấn Bảy Ngàn, cho hay: Hiện mực nước ngoài đồng ruộng thấp hơn cùng kỳ cả tấc.

Đặc biệt là hệ thống đê bao khép kín riêng cho từng khu vực canh tác đảm bảo ngăn lũ, ứng phó với các đợt triều cường từ nay đến cuối năm. Do đó, 32 đội sản xuất trên toàn thị trấn đã chủ động ngồi lại với nhau để thống nhất ngày gieo sạ theo lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo.

Cũng như mấy năm trước, vụ Đông xuân 2014-2015, gia đình ông Lê Tuấn Kiệt, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn sẽ gieo sạ 2,5ha lúa IR 50404. Đáng nói là ông Kiệt đã chuẩn bị kế hoạch gieo sạ từ rất sớm thông qua việc trục vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Thu đông vừa xong.

Nhất là chọn lựa, xử lý nguồn lúa giống đạt yêu cầu kỹ thuật và bảo quản cẩn thận trong nhà kho. Ông Kiệt cho biết: Hiện đội sản xuất mà ông tham gia đã tranh thủ đặt máy bơm nước sớm để có thể xuống giống trước khi đợt 1 bắt đầu vài ngày, thay vì vào ngày 21 đến 26-9 âm lịch theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Nguyên nhân là để tranh thủ thời gian canh tác và có thể thu hoạch được nhanh gọn trước Tết Nguyên đán.

Ông Đặng Kiềm, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, thông tin: Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2014-2015, người dân ở huyện Châu Thành A sẽ xuống giống 8.800ha, trong vòng 3 đợt. Tuy nhiên, đến nay, người dân một số địa phương trong huyện như xã Tân Hòa, Trường Long Tây, thị trấn Bảy Ngàn đã tranh thủ nước lũ nhỏ, mực nước trên đồng ruộng đang xuống thấp nên đã cùng nhau bơm tác tập trung và xuống giống trước lịch của đợt 1 với tổng số trên 450ha.

Sở dĩ bà con sử dụng các loại giống ngắn ngày như IR 50404 và tranh thủ gieo sạ sớm hơn vụ Đông xuân trước khoảng 10 ngày là do họ lo lắng khi đến thời điểm thu hoạch sẽ rơi vào những ngày cận tết, thậm chí là ngay Tết Nguyên đán không có thương lái thu mua lúa.

Chủ động từ khâu giống

Thế nhưng, theo khuyến cáo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, trong những ngày tới, nếu rầy nâu di trú với mật số cao thì khả năng gây hại cho những trà lúa Đông xuân sớm, gieo sạ trước đợt 1 là không hề nhỏ. Do đó, bà con phải thường xuyên theo dõi để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Ông Đặng Kiềm thông tin thêm: Theo ghi nhận bước đầu, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ sử dụng giống cấp nguyên chủng, xác nhận để gieo sạ trong vụ lúa Đông xuân 2014-2015 đạt từ 75-80%, số còn lại người dân tự lấy, song vẫn đáp ứng yêu cầu về giống sản xuất. Đáng kể là đa phần nông dân đều sử dụng những loại giống chất lượng, có phẩm chất gạo tốt như Jasmine 85, OM 5451, OM 4218 để gieo sạ. Riêng giống IR 50404 chiếm khoảng 30%, tương đương với vụ Đông xuân trước.

Dù xuống giống trong đợt 2 nhưng giờ đây, mọi công tác chuẩn bị bước vào vụ lúa mới đã được hộ ông Võ Quang Tiên, ở ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn thực hiện hoàn tất. Ông Tiên cho rằng: “Đông xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm. Vì thế nhà nông chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng nguồn giống, cũng như vệ sinh đồng ruộng và gieo sạ theo lịch thời vụ để góp phần giúp cho vụ lúa Đông xuân ăn chắc ngay từ đầu.

Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu tiết giảm chi phí sản xuất, trước khi xuống giống, từng tổ, nhóm nông dân có đất ruộng trên cùng khu vực đê bao rộng khoảng 80-90ha trong ấp đã chủ động họp bàn thời gian bơm tát tập trung và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cụ thể cho cả 3 vụ lúa trong năm”.

Đến nay, UBND huyện Châu Thành A đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông xuân năm 2014-2015. Trước hết là quan tâm công tác chuẩn bị đủ số lượng lúa giống, đảm bảo chất lượng để phục vụ gieo trồng trong vụ Đông xuân 2014-2015 cho người dân trên địa bàn.

Theo ông Hồ Hoàng Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, ngoài việc chuẩn bị đủ số lượng giống, huyện còn yêu cầu ngành nông nghiệp chỉ đạo cho các tổ kỹ thuật ở từng xã, thị trấn khẩn trương vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo; đồng thời khuyến khích bà con nên sử dụng các loại giống cấp xác nhận, có sức chống chịu cao với sâu bệnh để gieo sạ…

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành A, trong vụ Đông xuân 2014-2015, huyện sẽ có 3 đợt xuống giống. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 21 đến 26-9 âm lịch (nhằm ngày 13 đến 18-11); đợt 2 từ ngày 16 đến 21-10 âm lịch (nhằm ngày 7 đến 12-12); và đợt 3 từ ngày 11 đến 16-11 âm lịch (nhằm ngày 1 đến 6-1-2015). Trong đó, chủ yếu người dân xuống giống tập trung vào đợt 2.

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE1830D0/San_sang_cho_vu_lua_Dong_xuan.aspx


Có thể bạn quan tâm

Nghêu Giảm Giá, Nông Dân Vẫn Lãi Lớn Nghêu Giảm Giá, Nông Dân Vẫn Lãi Lớn

Năm nay, phần lớn lượng nghêu (ngao) thu hoạch ở vùng ben biển tỉnh Tiền Giang chỉ được tiêu thụ nội địa nên giá nghêu thương phẩm đã giảm mạnh xuống còn 27.000 - 28.000 đồng/kg so với mức 35.000 đồng vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, người nuôi nghêu vẫn có lãi, bởi nghêu nuôi không bị chết bất thường như hai năm trước, và với mức giá hiện nay, lợi nhuận từ nghề nuôi nghêu vẫn rất cao.

12/12/2012
Khấm Khá Nhờ Nuôi Cá Lóc Ở Vùng Cát Khấm Khá Nhờ Nuôi Cá Lóc Ở Vùng Cát

Tận dụng vùng cát trắng trong vườn nhà để đắp ao trải bạt nuôi cá lóc, nhiều hộ nông dân ở xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam) đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

13/12/2012
Hiệu Quả Từ Nuôi Gà Nòi Chân Vàng Hiệu Quả Từ Nuôi Gà Nòi Chân Vàng

Nhiều hộ dân ở Kiên Giang đang nuôi gà an toàn sinh học, gà thả vườn với giống gà nòi chân vàng mang lại hiệu quả cao. Gà nuôi tăng trọng nhanh, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, gà thương phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh do thịt săn chắc và thơm ngon.

14/12/2012
Cây Trồng Thanh Long Mới Trên Đất Hải Đường (Nam Định) Cây Trồng Thanh Long Mới Trên Đất Hải Đường (Nam Định)

Từ năm 2007, người dân xóm 9, xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) đã đưa cây thanh long vào trồng thử nghiệm. Với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và kinh nghiệm thâm canh của người dân nơi đây, cây thanh long đã sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.

16/12/2012
Ngư Dân Cù Lao Chàm Câu Được Cá Mú “Khủng” Ở Quảng Nam Ngư Dân Cù Lao Chàm Câu Được Cá Mú “Khủng” Ở Quảng Nam

Ngày 17.12, ngư dân Phạm Lâm (trú tại thôn Bãi Làng, Cù Lao Chàm - Quảng Nam) khi đánh bắt tại khu vực biển Cù Lao Chàm đã câu được 3 cá mú “khủng”. Con nhỏ nhất nặng 16 kg, con kế tiếp nặng 28 kg, con lớn nhất nặng gần 73 kg với chiều dài thân lên đến 2 mét, chiều ngang 0,6 mét.

19/12/2012